Trong 5 năm qua, người Kurd ở Syria đã sát cánh cùng Mỹ trong nỗ lực đánh bại Nhà nước Hồi giáo, trong quá trình giành quyền kiểm soát khu vực rộng lớn ở Syria mà họ hy vọng sẽ tạo thành hạt nhân của khu vực người Kurd tự trị.
Thông báo bất ngờ của Tổng thống Trump về giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria để nhường chỗ cho quân Thổ Nhĩ Kỳ được người Kurd nhìn nhận như sự phản bội lòng tin được thiết lập trong cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 12.000 thành viên Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng dân quân người Kurd-Arab được thành lập để chiến đấu với phiến quân.
Hiện chưa rõ mức độ rút quân của Mỹ hoặc sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan rộng như thế nào. Một lượng nhỏ lính Mỹ đã rút lui hôm 8/10 từ hai trạm canh gác ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tại các thị trấn Tal Abyad và Ras al-Ain. Các trạm này được thành lập trong năm nay trong nỗ lực củng cố vùng biên giới hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.
Lòng tin bị phản bội
Theo Washington Post, từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ đối tác của Mỹ với người Kurd là một sự sỉ nhục liên minh hàng thập kỷ của họ với Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các Đơn vị Dân phòng, nhóm người Kurd thống trị SDF, có liên kết với đảng Công nhân người Kurd, tổ chức đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị cả Ankara và Washington coi là tổ chức khủng bố.
Khung cảnh Qamishli, căn cứ của chính quyền người Kurd ở đông bắc Syria. Ảnh: FTWP. |
Đối với người Kurd, quyết định cho phép Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm đánh dấu lần mới nhất trong lịch sử lâu dài khát vọng độc lập của họ bị cộng đồng quốc tế phản bội, bắt đầu khi họ bị thành lập nhà nước trong khu vực của người Kurd ở Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sau Thế chiến I.
Các quan chức người Kurd đang hy vọng họ có thể ngăn chặn, hoặc ít nhất là trì hoãn, sự ra đi hoàn toàn của quân đội Mỹ khỏi Syria. Việc rút quân hoàn toàn sẽ khiến người Kurd không chỉ lâm nguy trước sự xâm chiếm của người Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc mà còn cả quân đội Syria do Nga và Iran hậu thuẫn ở phía nam, trong khi phải đối mặt với những nỗ lực nổi dậy mới của Nhà nước Hồi giáo.
Các quan chức Mỹ và người Kurd nói rằng quân đội Mỹ sẽ ở lại phía nam Syria, khu vực dọc biên giới mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa xâm chiếm. Bên ngoài khu vực biên giới này là các khu vực Arab áp đảo, nơi nguy cơ trở lại của Nhà nước Hồi giáo là nghiêm trọng nhất.
Chúng bao gồm thành phố Raqqa, trước đây là "thủ đô" của Vương quốc Hồi giáo, tỉnh Deir al-Zour và trại tạm giam al-Hol, nơi ở của hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em từng sống dưới chế độ của IS.
Các nhà phân tích và quan chức của NATO cho biết thật khó để hình dung làm thế nào Mỹ có thể duy trì sự hiện diện ở Syria trong quan hệ đối tác với người Kurd nếu người Kurd bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO.
SDF là đồng minh chính của Washington ở Syria trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: AP. |
Người Kurd không còn nghi ngờ gì về mối quan hệ đối tác mong manh. Mặc dù SDF đã không rút bất kỳ chiến binh nào khỏi nhiệm vụ thiết yếu là canh gác các tù nhân Nhà nước Hồi giáo, họ đã chuyển một số chiến binh giỏi nhất đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ phòng trường hợp bị tấn công, một quan chức của SDF cho biết.
Không còn lựa chọn khác
Người phát ngôn Kino Gabriel nói SDF không có lựa chọn nào khác ngoài ưu tiên cao hơn cho việc bảo vệ các vùng đất mà họ kiểm soát chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hơn là chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo.
"Lực lượng quân đội chúng tôi có ở Deir al-Zour và Raqqa - nếu cần chúng tôi sẽ huy động họ để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc xâm lược nào của Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực của chúng tôi", ông nói.
"Chúng tôi rất thất vọng. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể tập trung chiến đấu với Daesh", ông nói thêm, sử dụng từ viết tắt tiếng Arab cho Nhà nước Hồi giáo.
Trong tuyên bố của mình, Liên minh Dân chủ Syria cảnh báo, "Việc coi thường quan hệ đối tác của chúng tôi sẽ gửi tín hiệu rõ ràng tới tất cả lực lượng đối tác sau này rằng liên minh với Mỹ có thể không đáng tin cậy".
Tín hiệu đó có khả năng lan truyền ở các khu vực đa số người Arab, nơi người ta cho rằng quân đội Mỹ sẽ vẫn hiện diện, Hassan Hassan, thuộc Trung tâm Chính sách Toàn cầu, nói với Washington Post.
Trẻ em đi bộ qua trại al-Hol ở Syria. Ảnh: FTWP. |
Ngay cả khi quân đội Mỹ quyết định ở lại Syria, nhiều người Arab có thể đặt câu hỏi liệu họ sẽ ở lại bao lâu và tỏ ra thận trọng khi liên kết với một lực lượng có thể đột ngột rời đi.
Ở phía tây và phía nam, quân đội chính phủ Syria, được Iran và Nga hậu thuẫn, cũng sẵn sàng can thiệp vào các khu vực hiện do quân đội Mỹ kiểm soát, theo mục tiêu đã nêu của Tổng thống Bashar al-Assad là đưa toàn bộ Syria trở lại dưới quyền của chính phủ nước này.
Người Arab sống dưới sự kiểm soát của Mỹ và người Kurd hiện có thể ngờ vực hơn nữa khi hợp tác với SDF và người Mỹ, Hassan nói.
"Nó thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Trước đây, họ chấp nhận đánh cược với Mỹ. Bây giờ, họ sẽ thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang lên ngôi", ông nhận xét.
Người Thổ Nhĩ Kỳ là mối quan tâm trước mắt đối với người Kurd, Tướng Mazloum Kobane Abdi, Tổng chỉ huy SDF, cho biết. Khu vực mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa xâm nhập có số đông người Kurd và người Arab.
Tổng thống Erdogan cho biết ông dự định di dời tới 1 triệu người tị nạn Syria, hầu hết là người Arab, nhưng theo những gì Mazloum nói thì đây là động thái liên quan tới "thanh lọc sắc tộc".
"Nếu thanh lọc sắc tộc xảy ra trong khu vực của chúng tôi, hoặc họ giết người Kurd và đưa người Arab vào, đây sẽ là trách nhiệm của Mỹ", ông Mazloum nói.