Ngoài HLV Mai Đức Chung, bạn có nhớ tên bất kỳ HLV nào của bóng đá nữ Việt Nam không?
Nhiều người sẽ nói không.
Với phần đông giới mộ điệu, họ là những HLV vô danh. Nhưng đóng góp không mệt mỏi, sự kiên nhẫn và tận tụy, vô số hy sinh trong thầm lặng của họ đã làm nên vinh quang ngày nay của bóng đá nữ Việt Nam.
Một trong số đó là ông Phạm Hải Anh, người khai sinh ra bóng đá nữ Hà Nam và Sơn La, cũng là người trực tiếp tuyển chọn và huấn luyện hai Quả bóng vàng Việt Nam Văn Thị Thanh, Nguyễn Thị Tuyết Dung.
Ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam, người xây dựng bóng đá nữ cho Hà Nam và Sơn La. Ảnh: Ngọc Lê. |
Khai sinh bóng đá nữ Hà Nam
“Hầu hết không tin tôi có thể làm bóng đá nữ. Cả những đồng nghiệp thân thiết nhất cùng cơ quan ngày đó cũng không tin. Ai cũng ái ngại khi tôi xin xây dựng đội bóng nữ Hà Nam. Họ bảo tôi đừng làm nữa, chỉ phí công sức vô ích thôi”, ông Hải Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam, nhớ về ngày đầu tiên của bóng đá nữ Hà Nam.
Ngày đầu ấy là năm 1998. Hà Nam chưa có bóng đá nam, bản thân ông Hải Anh cũng chưa phải HLV mà đang công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Thông qua khảo sát, ông nhận ra Hà Nam chỉ phù hợp cho phát triển bóng đá nữ. Ông Hải Anh gửi đề xuất lên lãnh đạo và được chấp nhận.
Nhưng đó là sự chấp nhận từ con số không. Phần lớn đồng nghiệp không tin rằng Hà Nam có thể xây dựng phong trào bóng đá nữ. Ông Hải Anh hiểu rằng mình sẽ phải tự tay làm mọi thứ và một mình.
Việc đầu tiên là xây dựng lực lượng. Hà Nam có 6 huyện, ông Hải Anh tới cả 6 huyện. Ở mỗi địa phương, ông lập đội bóng nữ. Mỗi đội, ông cho tập 2-3 buổi/tuần. Cứ chiều thứ bảy, chủ nhật, khi mọi người về bên gia đình thì HLV này xách xe về các huyện. Chiếc xe lúc nào cũng có cả chục quả bóng sau lưng.
Ông Hải Anh hừng hực khí thế nhưng đồng nghiệp xung quanh thì gần như chẳng biết gì. Đến giữa năm 1999, ông xin lãnh đạo đưa bóng đá nữ vào giải phong trào của tỉnh. Đồng chí giám đốc khi đó còn ngạc nhiên hỏi các em ấy có biết đá bóng thật không? Ông Hải Anh cười.
Chuyện thú vị đến ngay sau đó. Bởi cả 6 đội bóng đó chỉ có HLV, ông Hải Anh phải làm tất cả, không chỉ HLV mà còn làm trọng tài, người tổ chức giải, hậu cần cho các đội... Công việc bề bộn nhưng cuối cùng đã thành công.
Được đà tiến tới, HLV Hải Anh xin lãnh đạo sở cho tổ chức đội bóng nữ bài bản hơn. Ông khẳng định muốn thực sự làm bóng đá, phải xây dựng đội ăn ở tập trung, sinh hoạt dài hạn, đầu tư đàng hoàng. Được sự đồng ý của nguyên Giám đốc sở Đinh Trọng Hải, đội bóng nữ Hà Nam cuối cùng ra đời vào năm 1999.
Đội khi ấy chỉ có 15 thành viên, hầu hết ở độ tuổi 16-17 và mới được tuyển chọn trong khoảng 1 năm. Một trong 15 người ấy là Văn Thị Thanh.
Tuyết Dung (số 7) là ngôi sao ưu tú, biểu tượng của bóng đá nữ Hà Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Trung tâm bóng đá nữ số ba của Việt Nam
Ai đã sống qua buổi giao thời giữa bóng đá nghiệp dư và chuyên nghiệp thì đều biết vai trò của môn thể thao này trong đời sống chính trị các tỉnh thành. Sự tồn tại của đội bóng có thể được quyết định chỉ bằng vài câu từ lãnh đạo. Đội bóng muốn duy trì thì phải có thành tích. Mà đòi hỏi thành tích từ CLB mới thì không hề đơn giản. Đội nữ Hà Nam cũng hiểu rõ điều đó.
Những năm đầu thành lập, bóng đá nữ Hà Nam luôn đứng giữa ranh giới mong manh của sự tồn tại và biến mất. Mãi tới tháng 10/2001, bước ngoặt mới xuất hiện khi đội nữ Hà Nam tham dự giải giao hữu Than quốc tế Việt Nam mở rộng.
Nữ Hà Nam thua chủ nhà Quảng Ninh nhưng thắng Sóc Sơn Hà Nội và đặc biệt là Bát Nhất (Trung Quốc) với tỷ số 9-1. Giải đấu đó được truyền trực tiếp, khiến bà con ở quê nhà rất bất ngờ. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam xem tivi mới biết rồi còn "trách yêu" sở thể thao rằng có đội bóng nữ hay thế mà chẳng thấy báo cáo gì.
Cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Tăng Văn Phả khi đó có nói đại ý: Bóng đá nữ là đặc sản của Hà Nam, chúng ta phải gìn giữ và phát triển. Nhờ câu đó của ông, bóng đá nữ Hà Nam được quan tâm và phát triển như ngày hôm nay.
Trước khi Hà Nam nổi lên, bóng đá nữ Việt Nam chỉ có 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM. Mỗi đội có 10 lần vô địch quốc gia. Từ năm 2013 tới nay, đội nữ duy nhất chen chân vào thế thống trị của hai bà hoàng là Hà Nam với chức vô địch năm 2018. Hà Nam cũng được thừa nhận rộng rãi là trung tâm đào tạo bóng đá nữ lớn thứ ba của cả nước, một trong ba trụ cột nhân sự cho tuyển quốc gia.
Ở Asian Cup nữ vừa qua, có 4 cái tên trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nam khoác áo tuyển quốc gia. Một trong số họ là Nguyễn Thị Tuyết Dung.
Ông Hải Anh, các tuyển thủ quốc gia trưởng thành từ Hà Nam và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hồi năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Người xây hình cho bóng đá nữ hai tỉnh
Nói tới bóng đá nữ Hà Nam và HLV Phạm Hải Anh thì không thể bỏ qua bóng đá nữ Sơn La. Hai lò đào tạo này có mối quan hệ mật thiết và cùng được xây dựng bởi một người.
Chục năm sau ngày thành lập đội bóng nữ Hà Nam, ông Hải Anh dừng huấn luyện, chuyển lên làm quản lý. Lên chức nhưng ông không thấy vui. Vị trí mới khiến ông không còn được trực tiếp tham gia công tác huấn luyện. Trong nỗi nhớ với thảm cỏ xanh, ông Hải Anh viết bản đề án phát triển bóng đá nữ, vạch ra lộ trình bài bản. Bản đề án chỉ để trống một chỗ, ấy là chưa có tên địa phương. HLV này coi đó như là phương tiện để vơi đi nỗi nhớ nghề.
Đề án ấy sẽ mãi nằm trên giấy nêu không có cuộc gặp tình cờ giữa HLV này với ông Điêu Chính Quý, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Sơn La, hồi năm 2011. Trong buổi tiệc, ông Hải Anh hỏi vui: “Hay là Sơn La làm bóng đá nữ đi anh Quý?”.
Sự đáp lại nhiệt tình của vị giám đốc khiến ông Hải Anh bất ngờ. Sáng hôm sau, ông mang theo bản đề án, trao đổi suốt buổi sáng với người đồng nghiệp. Ông Quý về tỉnh, trình kế hoạch và ngay lập tức được phê duyệt. Bóng đá nữ Sơn La ra đời từ đây.
Làm bóng đá nữ đã khó, làm bóng đá nữ ở miền ngược còn khó hơn. Được lãnh đạo Hà Nam cho phép, ông Hải Anh chuyển công tác lên Sơn La, xây dựng phong trào. Họ không chỉ đối diện với những khó khăn về kinh tế mà còn phải vượt qua những hủ tục của người miền núi. Ông Hải Anh và cộng sự Lường Văn Chuyên, giờ là HLV trưởng đội nữ Sơn La, không thể nhớ hết họ đã bao nhiêu lần phải uống rượu thưa chuyện với từng gia đình, đi bao cây số đường rừng, đấu tranh thế nào để các cô gái được đi đá bóng chứ không phải ở nhà lấy chồng.
Đến đầu năm 2012, đội bóng nữ Sơn La thành hình với 25 người đầu tiên. Năm 2016, Sơn La lần đầu dự giải vô địch nữ quốc gia.
Sự quan tâm của dư luận, chiến thắng vừa qua của tuyển nữ Việt Nam đã mang tên tuổi những cô gái vàng đến gần hơn với người hâm mộ bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng trên băng ghế huấn luyện, những người như ông Hải Anh, Đoàn Thị Kim Chi hay Văn Thị Thanh vẫn vô danh với phần đông giới mộ điệu. Ông Hải Anh không coi đó là điều phiền muộn. Nhưng vẫn có những điều bất ngờ khiến ông nhớ mãi không quên.
Trong buổi tiệc nhân ngày 20/10/2019 ở Hà Nội, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tham dự. Đến phần vinh danh bóng đá nữ, bà Kim Ngân bảo thành công của bóng đá nữ không chỉ có nỗ lực của đội tuyển mà còn công sức từ rất nhiều HLV vô danh mà điển hình là các anh Mai Đức Chung và Phạm Hải Anh.
Ông Hải Anh ngồi dưới, ngỡ ngàng khi nghe thấy. Đến bữa tiệc, bà Kim Ngân tiến xuống. Bà đến tận nơi và hỏi đây có phải HLV Hải Anh. Điều đó khiến ông kinh ngạc. Với cá nhân ông và bóng đá nữ Hà Nam, đó luôn là sự thừa nhận ấm ấp.