Theo South China Morning Post, cuộc biểu tình ngày 1/1 có giấy phép của chính quyền. Trước đó, vào đêm giao thừa, cảnh sát đã xịt hơi cay và vòi rồng vào đám đông biểu tình ở Mongkok.
Cảnh sát cũng đã bắt giữ nhiều người gần đây, thu giữ lượng lớn "nguyên liệu làm bom xăng". Năm người đã bị bắt tại khu Wan Chai với cáo buộc sở hữu vũ khí. Người trẻ nhất trong số này mới 13 tuổi.
Người biểu tình đi qua đường Causewway vào trưa ngày 1/1. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, đến trưa ngày 1/1, hàng nghìn người mặc đồ đen và giơ bàn tay - đại diện 5 yêu cầu mà họ muốn chính quyền và Trưởng đặc khu Carrie Lam đáp ứng - đã đi qua những con phố trên khắp đảo Hong Kong.
Cuộc tuần hành được tổ chức bởi Mặt trận Dân quyền Nhân sự, nhóm cũng đứng đằng sau một số cuộc tuần hành lớn nhất được tổ chức tại Hong Kong trong suốt 6 tháng qua.
Hàng loạt cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát suốt 7 tháng qua đã đẩy thành phố vào một cơn suy thoái cả về kinh tế và văn hoá, khi nhiều sự kiện - bao gồm bắn pháo hoa mừng năm mới - đã bị huỷ bỏ. Bà Lam, trong thông điệp cuối năm, đã nói rằng việc khôi phục trật tự xã hội và hài hoà trong cộng đồng sẽ là mục tiêu của thành phố trong năm 2020.
Cũng trong thông điệp năm mới được phát sóng trên truyền hình ở đại lục, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết những diễn biến ở Hong Kong gần đây là đáng lo ngại, và "những người dân của đất mẹ" hy vọng thành phố sẽ có được sự ổn định.
Các cuộc biểu tình tại Hong Kong - được châm ngòi bằng một dự luật dẫn độ tới đại lục gây tranh cãi, nay đã bị huỷ bỏ - đã biến thành phong trào phản đối chính quyền đặc khu. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Hong Kong kể từ khi thành phố được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.