Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hồi giáo trẻ tuổi: 'Quả bom nổ chậm' tại châu Âu

Với tình trạng bị cô lập về văn hoá, cách biệt về kinh tế, người Hồi giáo trẻ tuổi tại châu Âu đang dần trở nên cực đoan, dễ bị kích động và trở thành "mồi ngon" của khủng bố.

Theo Robert S. Leiken, Giám đốc Chương trình an ninh quốc gia và di trú thuộc Trung tâm Nixon, khoảng 15-20 triệu người Hồi giáo đang sinh sống tại châu Âu, chiếm 4-5% dân số. Trong số đó, Pháp là quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông đảo nhất, chiếm 7-10% dân số, tiếp đến là Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh và Italy.

Theo tốc độ nhập cư và tỷ lệ sinh hiện tại, cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu có thể tăng gấp đôi trước năm 2025. Với việc xuất thân từ nhiều nhóm sắc tộc khác nhau và được tổ chức thành các cộng đồng dân cư biệt lập, họ có những giá trị không chỉ khác biệt mà còn trái ngược với châu Âu.

Không thể hoà nhập

Trong tất cả cộng đồng tôn giáo ở châu Âu, Hồi giáo là nhómít khả năng có nhà riêng nhất, ít khả năng có nghề nghiệp chuyên môn và kiếm được việc làm nhất… Theo thống kê, chỉ 48% người Hồi giáo ở Anh có nghề kiếm sống trong năm 2001, so với 65% dân Công giáo, 67% dân Hindu giáo và 75% dân cư không theo tôn giáo nào.

Bên cạnh đó, phần lớn người Hồi giáo sống cô lập với phần còn lại của châu Âu trong những khu phố riêng, không thể hòa nhập với xã hội và văn hóa sở tại. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này nằm ở chính sách đối với người di cư, đặc biệt tại Pháp, khi họ bị phân bổ đến những khu vực tách biệt dựa theo nguồn gốc xuất thân.

Moi nguy tu gioi tre Hoi giao anh 1

Người dân biểu tình chống Hồi giáo ngày 29/5/2015. Ảnh: Reuters

Với vụ khủng bố Paris, vấn đề thậm chí trở nên phức tạp hơn, bởi thực tế các thành phần khủng bố đang trà trộn rất sâu trong cộng đồng Hồi giáo châu Âu, khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát chặt chẽ.

Không những vậy, thế hệ trẻ Hồi giáo, những người được sinh ra và lớn lên ở châu Âu thường là những người chống đối Tây phương cực đoan nhất, vì 3 nguyên nhân chính:

Đầu tiên, khi lớn lên trong sự giáo dục Hồi giáo khép kín, thế hệ con em của những người di cư Hồi giáo này sẽ cảm thấy khó chịu với vị thế xã hội thấp kém và tình trạng bị cô lập. Họ sẽ gây ra nhiều xung đột cũng như các vấn đề xã hội. Tờ New York Times ước tính trong năm 2014, hơn 4.000 người Hồi giáo đã bỏ châu Âu tới Syria để gia nhập IS.

Điều này cũng giải thích cho hiện tượng nghịch lý là trong khi những người Hồi giáo ở Trung Đông chạy sang nương nhờ châu Âu vì muốn có một cuộc sống no ấm và an toàn, thì nhiều người Hồi giáo, nhất là thanh niên vốn có cuộc sống dư dả ở châu Âu lại quay sang Syria vì muốn tìm một nơi chốn mà họ thuộc về. Trong mắt họ, châu Âu không phải một vùng đất bao dung và cởi mở.

Tiếp đến, mức tăng trưởng kinh tế và mức thất nghiệp hiện tại ở các nước thuộc khối châu Âu, trong đó có Đức, không đủ mạnh để duy trì chế độ an sinh xã hội khi phải nhận thêm hàng triệu người nhập cư. Và cuối cùng, một điều chắc chắn là IS và các tổ chức khủng bố khác sẽ cài thành viên vào dòng người tị nạn để tấn công châu Âu từ bên trong, gây ra những vụ tấn công liên hoàn nhằm vào các địa điểm công cộng như từng xảy ra ở Pháp và Bỉ.  

Chủ nghĩa khủng bố

Một cuộc thăm dò của ICM năm 2006 cho thấy có đến 20% người Hồi giáo tại Anh cảm thông với hành động của những tên khủng bố đã gieo rắc nỗi kinh hoàng lên hàng loạt tuyến đường thủ đô nước này vào ngày 7/7/2005, khiến 52 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Theo một nghiên cứu khác mang tên NOP, con số trên đã tăng vọt lên đến 25%, tức cứ 4 người Hồi giáo tại Anh thì có một người đồng tình với hành động khủng bố nước này. Tỷ lệ thậm chí còn tăng lên đối với những người Hồi giáo trẻ tuổi – một dấu hiệu cho thấy sự cực đoan từ trường học, nhà thờ Hồi giáo và nhà tù đang gây ra một vấn đề thực sự nan giải đối với các quốc gia châu Âu.

Cũng tại Anh, 72% người được hỏi cho biết họ cảm thông với cuộc tấn công nhằm vào toà soạn Charlie Hebdo – một tờ tạp chí của Pháp, vì đã đăng tải ảnh biếm hoạ của nhà tiên tri Hồi giáo Muhammed vào năm ngoái. 78% người thậm chí còn ủng hộ việc trừng phạt tờ tạp chí, và 68% người ủng hộ việc bắt giữ và truy tố những người Anh “xúc phạm” đạo Hồi.

Cuộc khảo sát trên cũng nhận được kết quả tương tự ở nhiều nước khác. Theo cuộc khảo sát do Đại học Maryland tiến hành năm 2009, 61% người Ai Cập, 32% người Indonesia, 41% người Pakistan, 38% người Morocco, 83% người Palestine, 62% người Jordan, và 42% người Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra cảm thông với các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ hay các nhóm người Mỹ.

Cuộc khảo sát Pew năm 2007 cho thấy 26% thanh niên Hồi giáo ở Mỹ tin rằng hành động đánh bom tự sát là có thể lý giải được. Con số này ở Anh là 35%, Pháp là 42%, Đức là 22%, và Tây Ban Nha là 29%. Đối với những người Hồi giáo sùng đạo hơn, con số này thậm chí còn tăng lên gấp 3 lần – một con số ấn tượng nếu nhìn nhận rằng đối với các tín đồ theo đạo Hồi, tôn giáo là thứ quan trọng nhất trên đời.

Bên cạnh đó, mặc dù “Hội chứng sợ hãi đạo Hồi” (Islamophobia) không tăng lên sau cuộc tấn công khủng bố Paris và Brussels, nó vẫn là một hiện tượng đang càn quét qua các nước phương Tây, nhắm thẳng vào giới trẻ Hồi giáo, khiến họ cảm thấy mình chính là nạn nhân của lập trường bài Hồi giáo từ các chính phủ Tây phương. Những lý do trên đã phần nào lý giải hiện tượng giới trẻ Hồi giáo ở phương Tây dễ dàng trở nên cực đoan và bị các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiêu dụ.

Để giải quyết tình trạng trên, chính phủ các nước đã chi hàng trăm triệu bảng Anh, USD và euro cho các dự án giúp người Hồi giáo hoà nhập với cuộc sống mới, nhưng những nỗ lực trên đều tỏ ra không mấy hiệu quả, khi tốc độ người Hồi giáo nhập cư vào châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, và những mối nguy dường như vẫn không suy suyển.

Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm