Một người bị thương trong vụ tấn công liên hoàn ở Paris đêm 13/11. Ảnh: Reuters |
Pháp và các quốc gia láng giềng đang ở trong tình trạng báo động sau vụ tấn công liên hoàn tại Paris đêm 13/11 khiến 129 người thiệt mạng cùng hàng trăm người khác bị thương. Tổng thống Francois Hollande nói Pháp “đang trong tình trạng chiến tranh” với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – nhóm nhận trách nhiệm gây ra thảm kịch.
IS lên kế hoạch tấn công như thế nào?
Giới chức Pháp tin rằng IS đã lên kế hoạch khủng bố Paris khi ở Bỉ, có thể là Monlenbeek thuộc thủ đô Brussels. Monlenbeek là khu vực được biết tới với tỷ lệ thất nghiệp cao, các vấn đề xã hội và dân nhập cư đông. Nhiều cư dân tại Monlebeek là người Arab và phần tử Hồi giáo liên hệ với các nhóm khủng bố trong khu vực.
Molenbeek là “trung tâm đầu não” – nơi những kẻ khủng bố họp bàn về vụ tấn công. Tuy nhiên, chúng cũng phối hợp cùng nhau từ nhiều khu vực khác tại Bỉ.
Abaaoud từng khoe về việc thành lập một nhánh IS tại Verviers, phía đông nước Bỉ. Cảnh sát đã đột kích vào một ngôi nhà ở khu vực này hồi tháng 1, tiêu diệt hai phần tử thánh chiến, nhưng Abaaoud chạy thoát. Giới chức Bỉ thừa nhận lẽ ra họ nên hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tại Molenbeek.
Monlenbeek thuộc Brussels là khu vực được biết tới với tỷ lệ thất nghiệp cao, các vấn đề xã hội và dân nhập cư đông. Ảnh: Gatesofvienna.ne |
IS tuyên bố các phiến quân tấn công Paris nhằm trừng phạt “quân viễn chinh” Pháp vì các cuộc không kích chống “người Hồi giáo tại các vùng đất của Vương quốc”. IS ám chỉ Iraq và Syria.
Những kẻ tấn công Paris đã thuê ít nhất 3 xe hơi: một chiếc Seat màu đen, một VW Polo màu đen và một VW Golf.
Các nhà điều tra nghi ngờ các tay súng đã ẩn náu tại Saint Denis, Bobigny và Alfortville ở ngoại ô thủ đô Paris. Tuy nhiên, họ không rõ thời điểm nhóm này họp bàn về vụ tấn công. Những yếu tố khác của âm mưu cũng chưa được làm rõ. Giới điều tra sẽ nghiên cứu các cuộc điện thoại và vũ khí mà cảnh sát thu giữ để đưa ra kết luận rõ ràng hơn.
Khủng bố Paris và cuộc đột kích của cảnh sát diễn biến ra sao?
Pieter Van Ostaeyen, một chuyên gia Bỉ về các phần tử Hồi giáo, nhận định, nhóm khủng bố có thể đã mất hàng tháng đào tạo. Theo kế hoạch, chúng bắn giết ngẫu nhiên các nạn nhân và tập trung vào các khu vực đông đúc, nơi nhiều người trẻ tuổi vui chơi dịp cuối tuần.
Giới điều tra tin rằng 3 nhóm đã phối hợp chặt chẽ khi tham gia vụ tấn công Paris đêm 13/11. Hung khí gây án của những kẻ khủng bố là súng trường tự động Kalashnikov và dây đai thuốc nổ. Những kẻ khủng bố, gồm 4 công dân Pháp, đã tấn công 3 địa điểm lớn tại Paris gồm khu vực bên ngoài sân vận động Stade de France tại trung tâm thủ đô, các quán bar và nhà hàng đông người cùng nhà hát Bataclan.
3 kẻ khủng bố đã kích hoạt đai thuốc nổ bên ngoài sân vận động khi trận đấu giao hữu giữa Pháp và Đức diễn ra. Chúng có thể đã lên kế hoạch tấn công bên trong khu vực, nhưng thất bại. Trong khi đó, nhà hát Bataclan là nơi bị tấn công nghiêm trọng nhất với 89 người chết.
Truyền thông Pháp cho hay, 9 phần tử khủng bố tham gia vụ việc và 7 tên đã chết ngay trong đêm 13/11.
Vài ngày sau thảm kịch, rạng sáng 18/11, đặc nhiệm và cảnh sát Pháp bao vây một căn hộ ở Saint-Denis, phía bắc thủ đô Paris. Đây được cho là nơi Abdelhamid Abaaoud - kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris cùng đồng bọn ẩn náu. Cuộc đột kích kết thúc sau 7 tiếng với hai người chết, gồm một phụ nữ tự kích hoạt bom. Người này sau đó được xác định là em họ của Abaaoud. Một số cảnh sát bị thương nhẹ khi làm nhiệm vụ.
Abaaoud từng xuất hiện trên tạp chí trực tuyến Dabiq của IS hồi tháng 2. Ảnh: Reuters |
Hôm 19/11, Pháp xác nhận kẻ chủ mưu Abaaoud, đã chết trong cuộc đột kích sáng 18/11 sau khi so sánh dấu vân tay của tử thi tại căn hộ ở Saint-Denis với dữ liệu về tên này.
8 trong 9 kẻ tham gia thảm kịch Paris đã chết. Cảnh sát Pháp và Bỉ đang truy lùng tung tích tên Salah Abdeslam, nghi phạm chính. Sau khi vụ tấn công xảy ra, tên này lái xe hướng về biên giới Bỉ.
Nhiều người đồn đoán rằng các nghi can chết (ngoài tên chủ mưu Abdeslam, một phụ nữ tự kích hoạt bom tự sát) và bị bắt trong cuộc đột kích tại Saint Denis cùng tên Abaaoud có kế hoạch tấn công khu La Defens ở Paris và sân bay Charles de Gaulle, dù họ chưa có bằng chứng cụ thể.
Lỗ hổng nào có thể dẫn đến cuộc tấn công?
Cảnh sát bắt một đối tượng trong vụ trấn áp tại Saint-Denis ngày 18/11. Ảnh: CNN |
Một số người chỉ trích cho rằng các phần tử Hồi giáo dễ dàng qua lại Schengen - khu vực người dân nhiều nước châu Âu được đi lại tự do mà không cần hộ chiếu. Hiện lực lượng an ninh chỉ kiểm tra các phương tiện di chuyển qua biên giới Bỉ-Pháp. Tự do đi lại vốn được coi là gái trị cốt lõi của Liên minh châu Âu (EU), nhưng điều này cũng đồng nghĩa việc các thánh chiến cực đoan và tội phạm có thể vượt biên dễ dàng, sau khi vào EU.
Hơn 650.000 người nhập cư đã tới các bờ biển châu Âu từ đầu năm tới nay. Nhiều ý kiến lo ngại, một số phần tử thành chiến đã trà trộn vào nhóm người nhập cư để tới châu lục này và mang theo âm mưu khủng bố.
Một trong những kẻ đánh bom tự sát tại vụ tấn công liên hoàn ở Paris có hộ chiếu giả của công dân Syria mang tên “Ahmad al-Mohammed”. Giới chức Hy Lạp nói tên này có nó khi tới đảo Leos của Hy Lạp cùng 198 người tị nạn bằng thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 3/10.
Trong một video hồi tháng 2, hai phiến quân IS quốc tịch Bỉ đã cảnh báo chúng sẽ tấn công Pháp, chuyên gia Van Ostaeyen nói với BBC. An ninh đã được thắt chặt sau vụ các chiến binh Hồi giáo tấn công tòa báo Charlie Hebdo, một nữ cảnh sát và một siêu thị Do Thái hồi tháng 1. 3 tay súng đã đoạt mạng 7 người trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Tuy nhiên các chuyên gia an ninh nói, ngăn chặn các vụ tấn công như tại Paris là điều rất khó. Nguồn tin do thám có thể phát hiện hội thoại trên điện thoại di động hoặc Internet giữa các thánh chiến khét tiếng, nhưng việc dễ dàng mã hóa các cuộc trò chuyện khiến cảnh sát gặp khó khăn hơn để lần ra dấu vết của chúng.
Hiện nay, trước áp lực khủng bố ngày càng tăng tại Pháp và Bỉ, giới chức hai nước thắt chặt việc giám sát các phần tử thánh chiến tình nghi. Một số kẻ tấn công Paris từng sống tại Syria cùng các phiến quân IS. Nhiều phương án được đưa ra để kiểm soát tình hình như: bắt giữ hoặc giam lỏng các phần tử thánh chiến từng tới Syria, tước quyền công dân hay gắn số điện tử đối với những kẻ tình nghi.
Một vụ tấn công tương tự có lặp lại tại Pháp hoặc nơi nào khác?
Cảnh sát được tăng cường tại biên giới giáp Bỉ sau vụ tấn công liên hoàn ở Paris, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này chưa đủ để ngăn các vụ tấn công khác có thể xảy ra. Ảnh: Reuters |
An ninh đang được thắt chặt tại Pháp sau vụ khủng bố liên hoàn. Cảnh sát nước này có quyền khám xét và bắt giữ những kẻ tình nghi sau khi Tổng thống Hollande ban bố tình trạng khẩn cấp khắp quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ, Bernard Cazeneuve, cảnh báo các quốc gia châu Âu cần thắt chặt các chốt kiểm soát tại biên giới với Pháp. “Điều khẩn thiết hiện nay là các quốc gia châu Âu cần phối hợp cùng nhau đồng thời tự thiết lập và bảo vệ mình trước mối đe dọa khủng bố”, ông Cazeneuve nói.
Để đáp trả sự tàn nhẫn của IS, Pháp đã tăng cường dội bom phiến quân tại Syria và Iraq. Mỹ và các đồng minh cùng Nga cũng tăng cường độ các đợt không kích.
Cảnh sát được tăng cường tại biên giới giáp Bỉ sau vụ tấn công liên hoàn ở Paris, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này chưa đủ để ngăn các vụ tấn công khác có thể xảy ra. Trước tình hình hiện nay, nguy cơ IS tiến hành thêm nhiều cuộc tấn công, bên trong Pháp hoặc bất kỳ nơi nào khác là có thực.