Người sống sót ôm nhau sau vụ tấn công liên hoàn đẫm máu ở Paris. Ảnh: Reuters |
Trong đêm thứ sáu ngày 13, chiến tranh bùng nổ ở “kinh đô ánh sáng”. 7 vụ tấn công khủng bố liên hoàn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 130 người. Những kẻ tấn công dùng bom, lựu đạn và súng tiểu liên AK-47 để sát hại người vô tội. Các nhân chứng cho biết ở nhà hát Bataclan, một kẻ tấn công hô vang “Thánh Allah vĩ đại” khi xả đạn vào các khán giả. Một tay súng khác hét lên: “Vì Syria”.
IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ tấn công kinh hoàng ở thủ đô nước Pháp. Các chuyên gia cũng nhận định, chiến thuật phức tạp và sự liều lĩnh, khát máu của các tay súng cho thấy đây là một chiến dịch khủng bố Hồi giáo. Và nó xảy ra chỉ chưa đầy một ngày sau khi liên quân quốc tế chống IS hồ hởi thông báo về cuộc không kích tiêu diệt gã đao phủ IS Mohammed Emwazi hay John thánh chiến tại Syria, và lực lượng người Kurd giành lại Sinjar từ tay IS ở Iraq.
Trên báo mạng Daily Beast, nhà phân tích Maajid Nawaz đánh giá các chiến thắng mang tính biểu tượng và có ý nghĩa chiến thuật của liên quân trước IS đã hoàn toàn bị cuộc tắm máu tại Paris phủ bóng.
Đao phủ Emwazi là biểu tượng phản ánh sự tàn bạo và khát máu của IS, có giá trị tuyên truyền lớn đối với tổ chức này, dù không có bằng chứng nào cho thấy hắn là một thủ lĩnh cấp cao. Thất bại của IS ở Sinjar dưới tay lực lượng người Kurd là bước tiến hiếm hoi trên chiến trường Iraq.
Nhưng việc IS có thể đánh bom máy bay Nga ở Sinai (Ai Cập) và giờ chỉ 7 tay khủng bố có thể thảm sát 160 người ở Paris cho thấy cực đoan đang “xuất khẩu” sự kinh hoàng một cách dữ dội và quyết liệt. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã chứng tỏ rằng chúng không thiếu cách đánh vỗ mặt khiến phương Tây chao đảo.
Trong những năm qua, rất nhiều lần thế giới được chứng kiến những khoảnh khắc “nhiệm vụ đã hoàn thành” trong cuộc chiến chống khủng bố, từ cảnh cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush lên tàu sân bay khẳng định chiến dịch tấn công Iraq đã chấm dứt cho đến thời điểm Tổng thống Barack Obama thông báo đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt ông trùm Al-Qaeda Osama Bin Laden. Tuyên bố về cuộc không kích nhắm vào đao phủ Emwazi cũng là diễn biến mang tính biểu tượng như thế.
Nhưng máu lại đổ ở Paris.
Lần này có quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí biếm Charlie Hebdo.
Giới chuyên gia kết luận rằng dù phương Tây có tiêu diệt bao nhiêu lãnh đạo khủng bố đi chăng nữa thì chủ nghĩa cực đoan vẫn sẽ “sống khỏe”. Do đó phương Tây không thể dùng tên lửa hay bom để dập tắt lửa khủng bố.
Vấn đề là chủ nghĩa cực đoan đã cắm rễ sâu trong cả một thế hệ thanh niên Hồi giáo ở phương Tây, những người phẫn chí, chán nản vì phải sống ngoài rìa xã hội chủ lưu, thiếu cơ hội giáo dục và công ăn việc làm.
Họ trở thành những con mồi ngon ăn để cỗ máy tuyển dụng của IS chiêu mộ. Hàng nghìn thanh niên Hồi giáo châu Âu đã rời bỏ xứ sở, tới Syria và Iraq để gia nhập IS, hàng trăm đã trở về với kinh nghiệm chiến trường đẫm máu và quyết tâm “tử vì đạo”.
Khoảng 10% dân số Pháp theo đạo Hồi và số lượng công dân Pháp gia nhập IS được đánh giá là cao nhất châu Âu. Với việc truyền thông Pháp kêu gọi báo thù, giới quan sát nhận định chắc chắn chính phủ Pháp sẽ tăng cường chiến dịch quân sự chống IS ở Syria và Iraq, các đảng cựu hữu ở Pháp tiếp tục đổ dầu vào ngọn lửa bài ngoại, chống người di cư dù ở châu Âu, Đức mới là nước tiếp nhận người di cư nhiều nhất chứ không phải là Pháp.
Khi đó, tình trạng cực đoan hóa sẽ càng tăng tốc. Khủng bố sẽ như con rắn huyền thoại, bị chặt đầu này lại mọc đầu khác, thủ lĩnh này chết sẽ có thủ lĩnh khác lên, và các thanh niên Hồi giáo sẽ tiếp tục lao vào con đường cực đoan. Các cuộc tấn công đẫm máu sẽ lại diễn ra.
Nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sẽ rất khó thoát khỏi vòng xoáy luẩn quẩn đó nếu phương Tây không sớm giải quyết vấn đề Syria và tìm phương thức hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.