Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỉ: Sào huyệt mới của chủ nghĩa khủng bố

Từ mối liên hệ giữa cuộc tắm máu Paris ngày 13/11/2015 với 3 vụ nổ liên hoàn sáng 22/3, giờ đây Bỉ chính thức bị xem là sào huyệt mới của chủ nghĩa khủng bố ngay giữa lòng châu Âu.

Lực lượng đặc nhiệm Bỉ tiến hành bố ráp hiện trường sau vụ tấn công ngày 22/3. Ảnh: Getty

Theo các nhà chức trách, trong số 8 tên khủng bố Paris, 3 tên có mối liên hệ chặt chẽ với Bỉ. Hai kẻ trong số này (hai anh em) là công dân Pháp nhưng đang sinh sống ở vùng ngoại ô Molenbek Tây Bắc nước Bỉ.

Kẻ đầu tiên là Brahim Abdeslam, tự sát khi kích hoạt đai thuốc nổ trong một quán cafe ở đường Rue Voltaire. Kẻ thứ hai, Mohamed Abdeslam, bị bắt trong một cuộc bố ráp nhưng sau đó lại được thả. Nghi can thứ 3 là một công dân Bỉ, tên Salah Abdeslam, 26 tuổi, bị bắt giữ ở Molenbeek chỉ vài ngày trước. Y được cho là đã đến Syria một năm trước.

 “(Cuộc khủng bố Paris) có mối liên hệ với Molenbeek”, Thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu như vậy ngay sau cuộc tấn công Paris. “Chúng tôi đang tập trung ngăn chặn sự cố, nhưng chúng tôi cũng cần có hoạt động đàn áp”.

Để trấn an dân chúng, Thủ tướng hứa hẹn rằng ông sẽ mở rộng các biện pháp chống lại những phần tử cực đoan trở về Bỉ từ chiến trường Iraq và Syria, không chỉ vì nền trị an của nước này mà còn vì nhiều nước khác lân cận.

Vào thời điểm đó, một công dân Bỉ tại Syria có dính líu tới cuộc tấn công là Abdelhamid Abaaoud, 27 tuổi, bị các quan chức Pháp nghi ngờ là chủ mưu cuộc tấn công Paris. Tuy nhiên, các công tố viên Bỉ đã bác bỏ điều này.

Sau một thời gian dài dư luận được ngủ yên với cái chết của Abaaoud, giờ đây người ta lại đồ rằng chính hắn đã dàn dựng ra cái chết trên. Theo cơ quan thông tấn Bỉ De Standaard, tất cả các nghi phạm bị bắt ở Molenbeek vài ngày trước đều có mối liên hệ với Abaaoud.

Nỗi sợ hãi ngày càng tăng lên khi mối liên hệ giữa các hoạt động thánh chiến và phần tử khủng bố của Bỉ được phát hiện với tần suất ngày càng gia tăng. Điều này càng làm dấy lên câu hỏi về khả năng đối phó với hoạt động tuyển dụng và hỗ trợ mạng lưới khủng bố từ chính lãnh thổ nước Bỉ.

Một nước Bỉ bất an

Bỉ là quốc gia Tây Âu nằm giữa Đức, Luxembourg, Hà Lan và Pháp, được xem là nước có số thành viên thánh chiến đông đảo nhất tại châu Âu. “Số người Bỉ đang hoạt động tại Iraq hay Syria đã lên đến con số 516”, Pieter van Ostaeyen, một công dân Bỉ gốc Arab, cho biết trên mạng xã hội vào tháng trước.

Các chuyên gia cũng khẳng định trong số những người này, có hơn 100 người đã trở lại Bỉ. Trong bối cảnh trên, lực lượng tham gia thánh chiến của Bỉ đã lên đến mức đáng báo động. “Con số này có nghĩa là trong tổng số 640.000 dân Hồi giáo ở Bỉ, cứ 1.260 người thì có 1 người tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria.”

“Tính theo đầu người, Bỉ chính là quốc gia châu Âu có số thành viên thánh chiến nhiều nhất tại Syria”, Pieter van Ostaeyen khẳng định.

DANH BOM KHUNG BO O BI anh 1
Biểu đồ thể hiện số lượng thành viên thánh chiến tại các quốc gia châu Âu. Đồ họa: CNN

CNN dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết lực lượng an ninh nước này đã nỗ lực tối đa để ngăn chặn khủng bố. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng những kẻ tuyển quân cho IS vẫn có khả năng hoạt động.

“Hoạt động tuyển mộ vẫn đang tiếp tục – ở mức thấp hơn nhiều so với 2 năm trước – nhưng đúng vậy, nó vẫn cứ tiếp diễn”, ông nói. “Điều khó khăn là tìm ra những người này, vì hành động trên có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu trong bất kỳ thời điểm nào.”

Tuy là một quốc gia nhỏ bé, trong lòng nước Bỉ vẫn đang tồn tại những vấn đề không hề nhỏ. Từ năm 2010 đến 2011, quốc gia này đã tồn tại mà không có chính phủ trong suốt 514 ngày – một con số kỷ lục. Bên cạnh đó, xã hội nói tiếng Flemish và Pháp của Bỉ cũng bị cho là khởi nguồn của sự chia rẽ, và gây nhiều khó khăn đối với dân nhập cư.

Theo Daily Beast, nhìn chung thế hệ người nhập cư thứ 2 và thứ 3 của Bỉ tham gia rất hạn chế vào hoạt động xã hội và kinh tế, hay gần như không có cơ hội để làm điều này. Trong khi đó, hoạt động an ninh tại thành phố Brussels cũng còn tồn tại nhiều bất cập: trên tổng số dân 1,3 triệu, toàn bộ lực lượng cảnh sát địa phương được phân chia thành 6 đội rải rác khắp 19 quận, gây nhiều khó khăn cho công tác chia sẻ thông tin.

Khủng bố nối tiếp khủng bố

Bên cạnh đó, mối liên hệ của Bỉ với các cuộc tấn công khủng bố ở Tây Âu trong hai năm qua cũng làm nổi bật vai trò của nước này hơn bao giờ hết.

• Ngày 24/5/2014: Một cuộc tấn công nhằm vào bảo tàng Do Thái ở Brussels đã giết chết bốn người: một cặp đôi người Israel, một người Pháp, và một nhân viên người Bỉ của bảo tàng. Hung thủ gây ra vụ tấn công là một thành viên thánh chiến Syria tên Mehdi Nemmouche.

• Ngày 13/1/2015: Các loại vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công toà soạn báo Charlie Hebdo ngày 7/1 được tìm thấy tại nhà ga xe lửa Brussels Midi Bruxelles. Quá trình điều tra cho thấy chúng được mua từ một nhà kinh doanh vũ khí địa phương có tên Amedy Coulibaly, người sau đó thừa nhận đã gây ra vụ tấn công vào một siêu thị Do Thái 2 ngày kế tiếp.

• Ngày 14/1/2015: Trong cuộc truy quét nhiều ngôi nhà tại khu vực quận Verviers, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ một nhóm đang lên kế hoạch tấn công khủng bố tại một đồn cảnh sát Bỉ. Nguồn tin từ phía cảnh sát cho hay các nghi phạm trên đã trở về từ Syria một tháng trước đó.

• Ngày 23/8/2015: Một công dân Bỉ khủng bố bất thành trên xe lửa Thalys cho biết hắn tìm thấy khẩu Kalashnikov và đạn dược trong một công viên gần trung tâm thủ đô Brussels. Sau đó, một công dân Morocco tên Ayoub El Kahzzani có mặt trên tàu cũng tham gia vào cuộc tấn công.

• Ngày 13/11/2015: Ít nhất hai kẻ khủng bố người Pháp sống tại Brussels đến Paris để gây ra cuộc tàn sát ở trung tâm của thành phố. Vụ tấn công đẫm máu đã lấy đi mạng sống của 130 và làm bị thương hàng trăm người.

Vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân chính xác mà Bỉ, mà cụ thể hơn là quận Molenbeek, lại trở thành sào huyệt của các đối tượng thánh chiến, trong khi khu vực thuộc lãnh thổ Hà Lan, phần dọc theo biên giới phía bắc của Bỉ, cũng là nơi có số lượng chiến binh thánh chiến khá lớn.

Thực tế về việc Molenbeek là một khu vực nghèo nàn và bị cô lập không giúp lý giải hiện tượng trên. Tuy nhiên, theo một số quan chức Bỉ, đây chính là địa điểm có sự khác biệt về văn hoá nhất nước Bỉ, với sự hiện diện của rất nhiều dân nhập cư gốc Morocco. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát phân tán cũng rất có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành nhiều “nhóm người có nguy cơ” tại đây.

Khủng bố mở chiến tranh du kích ở trung tâm châu Âu

Các vụ đánh bom đẫm máu ở Brussels ngày 22/3 cho thấy khủng bố đang mở một cuộc “chiến tranh du kích” chống phương Tây ngay giữa lòng châu Âu.

Toàn cảnh các vụ đánh bom khủng bố chấn động nước Bỉ

Nhóm khủng bố đã tính toán khi tấn công ở 2 khu vực đều là nơi quan trọng ở thủ đô Brussels: một sân bay quốc tế, và trạm tàu điện ngầm nằm gần các trụ sở của Liên minh châu Âu.


Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm