Cảnh đổ nát ở sân bay Brussels sau vụ đánh bom tự sát. Ảnh: Daily Mail |
Màn tắm máu tại thủ đô Bỉ xảy ra chỉ 4 ngày sau khi nhà chức trách bắt giữ Salah Abdeslam, thành viên nhóm khủng bố đã mở cuộc bắn giết tại Paris, Pháp, ngày 13/11/2015 khiến 130 người thiệt mạng. Hôm 20/3, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cảnh báo rằng Abdeslam đang lên kế hoạch một cuộc tấn công mới trước khi bị bắt.
Những gì diễn ra tại Brussels là một cuộc tấn công có tính phối hợp và tổ chức cao không khác mấy so với sự kiện Paris. Một số nguồn tin khẳng định nhóm nghi phạm có thể đã có sự chuẩn bị từ lâu, và quyết định hành động ngay sau khi Abdeslam bị bắt. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm tấn công Brussels.
Học từ cẩm nang khủng bố
Theo báo Daily Beast, một số chuyên gia an ninh nhận định vụ tấn công Brussels là dấu hiệu rõ ràng cho thấy khủng bố đang dần trở thành mối đe dọa chiến tranh du kích ở ngay trung tâm châu Âu. Trong cuốn sách Terreur dans l’hexagone: Genèse du djihad Français (Khủng bố tại Pháp: Nguồn gốc của phong trào thánh chiến Pháp), học giả Pháp Gilles Kepel chỉ rõ IS đang thực hiện chính xác theo những hướng dẫn trong một cuốn “cẩm nang khủng bố” được viết ra từ hơn một thập kỷ trước.
Đó là cuốn The call for an international Islamic resistance (Lời hiệu triệu kháng chiến Hồi giáo quốc tế) của Abu Musab al Suri, một kẻ cực đoan người Syria. Suri biết rất rõ châu Âu. Hắn từng sống trong cộng đồng người Arab tại Anh. Tư tưởng chủ đạo của Suri là người Hồi giáo ở phương Tây ngày càng bị cô lập trong xã hội.
Và các tổ chức cực đoan có thể lợi dụng lực lượng ngày càng đông đảo này để phá vỡ trật tự xã hội, kích động một cuộc nội chiến. Các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp sẽ càng thổi bùng ngọn lửa chống đạo Hồi, gây sự chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội phương Tây, khiến sự thù hằn và nghi kỵ leo thang đến mức sự hòa hợp trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Kể từ cuộc thảm sát vào ngày 13/11/2015 tại Paris, quá trình này đã bắt đầu được hình thành. Sự căm ghét và lo sợ của người dân phương Tây bùng lên, đặc biệt khi dòng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi ùn ùn đổ vào châu Âu. Trong cuộc chiến đó, nước Bỉ đứng ở ngay tiền tuyến, đối mặt với nhiều thử thách và hiểm nguy nhất.
Một toa tàu tả tơi sau vụ đánh bom ở nhà ga
Maelbeek. Ảnh: Daily Mail |
Trung tâm của cực đoan
Thủ đô Brussels là một thành phố đẹp, nhưng cũng là “trung tâm” của phong trào Hồi giáo cực đoan châu Âu. Bọn khủng bố đã lên kế hoạch thực hiện vụ khủng bố Paris tại đây, và đó cũng là nơi Salah Abdeslam trú ẩn sau khi chạy trốn khỏi thủ đô nước Pháp. Mạng lưới cực đoan ở Brussels dễ dàng hoạt động và di chuyển trong thành phố, mua vũ khí không mấy khó khăn.
Trong thời gian qua, nhà chức trách Bỉ bất lực, không thể ngăn cản những kẻ cực đoan trốn khỏi nước này để đến Syria và Iraq để gia nhập IS. Theo thống kế, khoảng 500 công dân Bỉ đã rời nước này để đến Syria và Iraq kể từ năm 2012. Gần 100 người quay trở về. Chúng trở thành hiểm họa lớn. Mọi quan chức và chuyên gia an ninh Bỉ đều thừa nhận đây chỉ là những ước tính rất sơ bộ và con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Vấn đề là nhà chức trách không theo dõi và xác định được có bao nhiêu kẻ cực đoan đã trở về. Chính Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cũng thú nhận các chuyên gia tuyển quân của IS vẫn đang hoạt động thoải mái ở nước này dù an ninh Bỉ đã rất nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa khủng bố. Hậu quả là nước Bỉ đổ máu và cả châu Âu đang đối mặt với một cuộc chiến tranh.
Chắc chắn cuộc tắm máu ở ngay trái tim của châu Âu, không cách xa trụ sở Liên minh châu Âu (EU) và NATO, sẽ càng đổ dầu vào ngọn lửa bài Hồi giáo, vào chiến dịch kêu gọi châu Âu quay trở lại với thời kỳ khóa cửa biên giới. Và tình trạng đó sẽ tiếp thêm nhiệt lượng cho phong trào Hồi giáo cực đoan. Châu Âu đang lún sâu vào một vòng xoáy luẩn quẩn đầy nguy hiểm.