- Lúc 8h (giờ địa phương), hai vụ nổ xảy ra tại sân bay Zaventem, thủ đô Brussels, Bỉ làm 14 người thiệt mạng và 35 người bị thương.
- Các nhân chứng nghe thấy tiếng súng và âm thanh la hét tiếng Arab trước khi vụ nổ xảy ra. Nhà chức trách phát hiện thêm thiết bị nổ ở sân bay Zaventem. Toàn bộ sân bay ngưng hoạt động.
- Hãng tin AMAQ liên hệ với nhóm khủng bố IS cho hay các chiến binh IS đã tiến hành hàng loạt vụ đánh bom bằng dây đai và thiết bị nổ nhằm vào một sân bay và ga tàu điện ngầm ở Brussels.
- Sau đó, một vụ nổ khác xảy ra ở ga tàu điện ngầm gần Trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussel, Bỉ, khiến 20 người chết.
-
Những kẻ ủng hộ IS tỏ phấn kích trước các vụ tấn công
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm cho các vụ nổ tại sân bay và tàu điện ngầm ở Brussels. Tuy nhiên, nhiều tài khoản trên mạng xã hội ủng hộ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã ca ngợi các vụ nổ và tin rằng IS đứng sau sự việc. Một số tài khoản dụng hashtag tiếng Arab "#Brusselsonfire" để bày tỏ phấn khích. Những kẻ ủng hộ IS từng sử dụng hashtags tương tự như "#Parisonfire" để ca tụng vụ tấn công liên hoàn ở Paris, Pháp, hồi tháng 12 năm ngoái.
-
"Tấn công khủng bố"
Công tố viên liên bang Bỉ Frederic Van Leeuw xác nhận rằng 3 vụ nổ sáng nay, 2 vụ tại sân bay Brussels và một ở ga tàu điện ngầm Maelbeek, là các cuộc tấn công khủng bố. Bộ phận chống khủng bố của văn phòng công tố viên liên bang đã mở một cuộc điều tra hình sự.
-
Nghi phạm
Tên Mohamed Abrini. Ảnh: Telegraph
Hai nghi can khủng bố Najim Dachraoui và Mohamed Abrini mà cảnh sát Bỉ nhận định là những kẻ đồng lõa với Salah Abdeslam - nghi phạm chính vụ tấn công Paris - có thể là trọng tâm của cuộc điều tra, theo Telegraph.
Dachraoui và Abrini vẫn đang trên đường chạy trốn sau cuộc đột kích và bắt giữ tên Salah Abdeslam hồi cuối tuần trước.
-
IS nhận trách nhiệm
Express.co.uk dẫn thông tin từ truyền thông của người Kurd nói rằng, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thừa nhận đứng đằng sau các cuộc tấn công tại thủ đô Bỉ hôm nay. Sau đó, hãng tin AMAQ liên hệ với nhóm khủng bố IS cho hay: "Các chiến binh IS đã tiến hành hàng loạt vụ đánh bom bằng dây đai và thiết bị nổ ngày 22/3, nhằm vào một sân bay và ga tàu điện ngầm ở trung tâm thủ đô Brussels, Bỉ".
-
Trump: Sẽ đóng cửa biên giới
Trên Twitter cá nhân, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump viết về vụ tấn công liên tiếp tại thủ đô Bỉ sáng nay: “Các bạn có nhớ về một Brussels đẹp và an toàn như thế nào không? Mọi thứ không còn nữa, nó giờ là một thế giới khác. Mỹ cần phải cảnh giác và thông minh”.
Sau đó, trong cuộc phỏng vấn trên Fox News, khi phóng viên hỏi, trong vai một tổng thống, ông sẽ hành động như thế nào nếu một vụ tấn công tương tự xảy ra trên đất Mỹ, tỷ phú New York trả lời: “Vâng, tôi nghĩ là tôi đã nói điều này. Tôi sẽ đóng cửa các biên giới cho tới khi tìm hiểu được chuyện gì đang xảy ra”.
Trong khi đó, ứng viên tổng thống Mỹ hàng đầu của đảng Dân chủ cho biết, các vụ tấn công ở Brussels sẽ chỉ “củng cố quyết tâm của chúng ta khi cùng nhau sát cánh chống chủ nghĩa khủng bố”.
“Những kẻ khủng bố một lần nữa tấn công trái tim châu Âu, nhưng chiến dịch thù hằn và sợ hãi của chúng sẽ không thành công. Người dân Bỉ, châu Âu và toàn thế giới sẽ không bị đe dọa bởi những kẻ giết người xấu xa. Hôm nay người dân Mỹ đoàn kết với các đồng minh châu Âu. Tâm trí và những lời nguyện cầu của chúng tôi hướng tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng, bị thương và tất cả người dân Bỉ. Những kẻ khủng bố tìm cách phá hoại các giá trị vốn là nền tảng của liên minh các nước chúng ta và lẽ sống của chúng ta, nhưng chúng sẽ không bao giờ thành công”, cựu ngoại trưởng Mỹ viết trên Twitter.
-
-
Tổng thống Pháp: "Toàn châu Âu bị tấn công"
Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: BBC Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Pháp Francois Hollande lên án các cuộc tấn công "ghê tởm" ở Brussels hôm nay.
Ông Hollande nêu rõ: "Thông qua các vụ tấn công ở Brussels, toàn châu Âu đã bị tấn công", đồng thời hối thúc châu Âu tiến hành "các bước đi sống còn để đối phó với tính chất nghiêm trọng của mối đe dọa này".
Tổng thống Pháp Hollande nhận định các nước châu Âu nên chia sẻ thông tin tình báo trong cuộc chiến chống khủng bố. Người đứng đầu nước Pháp cũng đề cập tới “mối liên kết ma quỷ” mà những kẻ gây khủng bố gây ra trong vụ tấn công ở Paris và Brussels. Ông Hollande đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho Bỉ trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, ông chủ Điện Eslyee cũng khuyến cáo toàn châu Âu phải sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để chống lại khủng bố.
-
Phát hiện súng AK-47 gần xác kẻ tấn công
Đài truyền hình RTBF đưa tin, giới an ninh tìm thấy một khẩu súng AK-47 ở gần xác kẻ tấn công tại sảnh sân bay ở Brussels. Những kẻ khủng bố Paris cũng từng dùng loại súng này để gây tội ác.
Cảnh sát Brussels cũng tiến hành lục soát nhiều căn nhà trên địa bàn thủ đô.
-
Bỉ tăng cường an ninh tại các nhà máy hạt nhân
Hãng thông tấn Belga ngày 22/3 cho biết, lực lượng an ninh Bỉ đã tăng cường an ninh tại các nhà máy hạt nhân trên khắp quốc gia này sau những vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Brussels.
Bỉ đã tiến hành sơ tán tại hai nhà máy điện hạt nhân, Tihange và Doel. Người phát ngôn của tập đoàn Electrabel, hãng vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ, cho biết những nhân viên không làm việc tại các bộ phận thiết yếu đã sơ tán khỏi nhà máy.
Mô phỏng quả bom bỏ bên trong sảnh chờ sân bay Bỉ. Ảnh: Radio Free Europe
-
New York (Mỹ) tăng cường an ninh
Ngày 22/3, một người phát ngôn Sở Cảnh sát New York (NYPD) cho biết NYPD sẽ tăng cường an ninh trên toàn thành phố này, sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels của Bỉ.
Lực lượng cảnh sát sẽ được tăng cường hiện diện trên các đoàn tàu, cây cầu, đường hầm, ga tàu điện ngầm và một số địa điểm đáng chú ý khác. NYPD sẽ ra thông cáo chi tiết hơn về các biện pháp tăng cường an ninh.
-
Phát hiện đai bom chưa nổ tại hiện trường
Cảnh sát chống khủng bố Bỉ đã phát hiện một đai bom thắt lưng chưa nổ tại sân bay Zaventem. Nó là một trong những thiết bị nổ còn sót lại mà lực lượng rà phá bom mìn phát hiện tại sân bay. Tuy nhiên, thông tin về thiết bị nổ tự chế này chưa được các nhà chức trách Bỉ xác nhận.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát đã kích nổ có kiểm soát một thiết bị nổ trong khuôn viên Đại học Vrije nằm ở trung tâm thủ đô Brussels. Tuy nhiên, truyền thông không cho biết đây có phải là thiết bị nổ được phát hiện tại hiện trường hai vụ khủng bố vừa xảy ra hay không. Con số 34 người thiệt mạng trong 2 vụ tấn công đã được Maggie de Block, Bộ trưởng Y tế Vương quốc Bỉ xác nhận.
-
Cộng đồng mạng cầu nguyện cho Brussels
Từ “Brussels” xuất hiện ở các ngôn ngữ khác nhau trên mạng xã hội toàn cầu Twitter sau các vụ tấn công ở thủ đô Bỉ. “Hãy cầu nguyện cho Bỉ", "Hãy cầu nguyện cho Brussels" và "Je Suis Bruxelles" là những khẩu hiệu phổ biến nhất trên Twitter. Chúng được người dùng mạng xã hội chia sẻ hàng chục nghìn lần sau khi các vụ tấn công xảy ra.
Hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất là bức vẽ của nghệ sĩ tranh biếm họa Plantu thuộc tờ Le Monde. Bức tranh cho thấy hình ảnh hai người mang cờ Bỉ và Pháp đứng bên nhau - biểu thị cho mối liên kết giữa hai vụ tấn công tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái và Brussels hôm nay.
Cư dân mạng cũng chia sẻ nhiều hình ảnh nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Bỉ Tintin với giọt nước mắt đen, vàng, đỏ - 3 màu của quốc kỳ Bỉ.
-
"Những vụ tấn công ghê tởm"
Phát biểu sau khi nhận tin về chuỗi vụ tấn công ở Bỉ, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông cảm thấy sốc và quan ngại bởi các sự kiện vừa diễn ra. Người đứng đầu chính phủ Anh cũng bày tỏ sẵn sàng làm tất cả để giúp đỡ Bỉ.
Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, lên án những cuộc tấn công liên tiếp vừa xảy ra tại Brussels. Ông gọi chúng là “những vụ tấn công ghê tởm”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chia buồn tới Nhà vua Philippe của Bỉ và người dân nước này sau các vụ tấn công khủng bố ở Brussels. Ông gọi đây là những tội ác man rợ. Lãnh đạo Nga khẳng định chủ nghĩa khủng bố không có biên giới và đe dọa tất cả người dân trên thế giới. Ông tin rằng, những kẻ giết người và đồng bọn của chúng sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Các vụ nổ xảy ra liên tiếp ở sân bay Zaventem và nhà ga Maalbeek. Ảnh: Google -
FBI tham gia điều tra, nghi phạm có thể vẫn lẩn trốn
Theo Reuters, các quan chức cấp cao quân đội Mỹ và Bộ Tư pháp đã được thông báo về các cuộc tấn công tại Brussels. Cục điều tra liên bang FBI đã bắt đầu phối hợp với phía Bỉ và các cơ quan khác của Mỹ để điều tra sự việc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho hay, giới chức Bỉ lo ngại những kẻ tình nghi vẫn còn lẩn trốn ở đâu đó trong thành phố. Tờ Het Nieuwsblad dẫn nguồn cảnh sát nói người đàn ông thứ ba định tự kích nổ ở sân bay Zaventem, thủ đô Brussels, đang lẩn trốn.
Trưởng công tố liên bang Bỉ Frederic Van Leeuw cũng cho hay: "Các nhà điều tra vụ nổ ở Zaventem đang làm mọi việc có thể để xác định những kẻ tấn công và kết luận chúng đã bị bắt hay chưa".
-
-
Những vụ tấn công khủng bố đẫm máu do IS thực hiện
Những năm gần đây, nhóm Hồi giáo cực đoan IS là thủ phạm đứng sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu.
- Ngày 13/11/2015, những kẻ khủng bố thực hiện vụ tấn công liên hoàn tại 7 điểm riêng biệt của thủ đô Paris, Pháp khiến 130 người thiệt mạng.
- Ngày 14/1 theo giờ Jakarta, ít nhất 7 tiếng nổ liên tiếp vang lên tại trung tâm thủ đô của Indonesia, nơi tập trung nhiều khách sạn sang trọng, đại sứ quán và tòa nhà văn phòng. 15 kẻ tấn công được cho là đã tới thành phố bằng xe máy. Chúng được trang bị súng và thuốc nổ. Ít nhất 7 người thiệt mạng sau các vụ nổ và đấu súng, gồm 5 nghi phạm và hai cảnh sát.
- Ngày 19/3, một vụ tấn công tự sát xảy ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 4 khách du lịch nước ngoài thiệt mạng và làm khoảng 30 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công gây thương vong chưa từng có tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ mùa hè 2015. Một ngày sau, một thành viên người Thổ Nhĩ Kỳ của nhóm thánh chiến IS nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom.
-
"Băng vết thương bằng khăn tắm khách sạn"
Nhà báo Simon Marks của BBC đứng gần ga tàu điện ngầm Maelbeek khi vụ nổ xảy ra.
“Tôi đang đi bộ qua tòa nhà khi quả bom phát nổ. Tôi nghe thấy âm thanh ồn ào và khói bốc lên từ ga tàu. Tôi đi tiếp về phía lối vào ga. Cảnh sát đã không phong tỏa khu vực vào thời điểm đó. Rõ ràng, nhiều người bị thương. Không có nhân viên y tế, chỉ một vài cảnh sát”.
Theo nhân chứng, nhân viên một khách sạn gần đó đưa khăn tắm cho những người bị thương. “Khoảng 10 hoặc 15 phút sau nhân viên y tế mới tới, cảnh sát phong tỏa hiện trường và phóng viên bị đẩy ra ngoài. Nhiều người qua đường hoảng sợ. Họ khóc”, nhà báo Marks kể.
-
Tổng thống Mỹ Obama đề nghị giúp Bỉ chống “tai họa khủng bố”
Từ thủ đô Havana của Cuba, ông Obama gửi lời chia buồn tới đất nước Bỉ trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Charles Michel.
“Tổng thống tái khẳng định Mỹ kiên định ủng hộ Bỉ, sẽ cung cấp sự giúp đỡ cần thiết trong quá trình điều tra các vụ tấn công và đưa những kẻ có trách nhiệm ra trước công lý. Tổng thống nhắc lại rằng Mỹ luôn sát cánh với người dân Bỉ, cũng như NATO và Liên minh châu Âu, đồng thời nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc hợp tác và hỗ trợ toàn diện cam kết chung của các bên nhằm đánh bại các tai họa khủng bố”, Nhà Trắng dẫn lời ông Obama cho hay.
Obama đang có chuyến công du lịch sử tới Cuba. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tới Cuba trong 90 năm.
-
-
Bỉ tổ chức quốc tang 3 ngày
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon thông báo nước này sẽ tổ chức quốc tang 3 ngày sau các vụ tấn công khủng bố ở thủ đô. Ông Jambon sẽ cùng Thủ tướng Bỉ Charles Michel tới sân bay Zaventem vài giờ tới. Họ sẽ tới thăm hiện trường của vụ khủng bố kinh hoàng.
-
“Tôi không tin mình còn sống”
Tại hiện trường lúc này, phóng viên BBC trò chuyện với những người sống sót sau vụ nổ ở sân bay Zaventem. “Mọi người chạy lên những người bị ngã. Tôi không thể thở được. Tôi không thể tin mình còn sống”, Antoine, 15 tuổi, nhớ lại.
3 xe tang vừa đi qua nơi phóng viên Lee đứng và di chuyển về phía trạm khởi hành. Mọi người khóc nức nở. Một số du khách hỏi cảnh sát xem họ nên làm gì và tới nơi nào để an toàn. Họ cũng hỏi các nhân viên an ninh khi nào sân bay có thể mở cửa trở lại. Cảnh sát cũng đang bối rối nên chỉ có thể khuyên mọi người nên tới trung tâm cứu trợ tạm thời.
-
Thêm bằng chứng về đánh bom tự sát
Một quan chức Mỹ cho hay, các quan chức an ninh tin rằng ít nhất một quả bom được đặt trong vali đã phát nổ tại sân bay ở Brussels. Quan chức giấu tên củng cố tuyên bố của một quan chức ở Brussels rằng đây là bằng chứng cụ thể về một vụ đánh bom tự sát tại sân bay.
Vị quan chức Mỹ dùng từ “tinh vi” để nhận định về các chất nổ được tìm thấy. Các nhà điều tra sẽ kiểm tra xem coi liệu chúng có đặc điểm tương tự như các chất từng được những kẻ khủng bố sử dụng trong vụ tấn công liên hoàn ở Paris năm ngoái hay không.
-
Bỉ công bố hình ảnh 3 nghi phạm
Camera giám sát ở sân bay Zaventem đã ghi lại được hình ảnh của 3 nghi phạm khủng bố trước khi các vụ nổ diễn ra tại đây, khiến 14 người chết.
Cảnh sát Bỉ đang kêu gọi sự trợ giúp của dân chúng nhằm xác định nghi phạm áo trắng trong bức ảnh. Họ nghi người này có thông tin về các vụ nổ tại sân bay Zaventem sáng nay.
-
-
Các cấp độ đe dọa an ninh tại Bỉ
Chính phủ Bỉ đang đặt nước này ở mức 4 – mức nguy hiểm nhất về an ninh, đặc biệt tập trung tới các cơ sở giao thông, sân bay, nhà ga và các nhà máy hạt nhân.
Cấp độ 1 hoặc Thấp: Không có mối đe dọa
Cấp độ 2 hoặc Trung bình: Có khả năng bị đe dọa
Cấp độ 3 hoặc Nghiêm trọng: Đe dọa có thể xảy ra
Cấp độ 4 hoặc Rất Nghiêm trọng: Đe dọa nghiêm trọng và sắp diễn ra
-
Vô hiệu hóa quả bom thứ 3 tại sân bay
Reuters cho hay, nhân viên an ninh đã vô hiệu hóa quả bom thứ 3 được tìm thấy tại sân bay Zaventem.
Trong khi đó, giám đốc điều hành phi trường Zaventem Arnaud Feist nói hôm nay là “một ngày đen tối” và khẳng định, sân bay sẽ đóng cửa vào ngày mai (23/2). “Đại diện toàn thể nhân viên sân bay, tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè nạn nhân của những hành vi hèn nhát và ghê tởm. Tôi cũng muốn gửi lời cám ơn chân thành tới nhân viên y tế và cứu hộ, các hành khách và nhân viên của sân bay vì lòng nhân từ, đoàn kết và giúp đỡ. Hôm nay là ngày đen tối nhất trong lịch sử sân bay Brussels”.
-
Lãnh đạo EU ra tuyên bố
“Liên minh châu Âu thương tiếc nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố tại Brussels hôm nay. Đây là một cuộc tấn công nhằm vào xã hội dân chủ mở rộng của chúng ta. Liên minh châu Âu và các nước thành viên sát cánh cùng Bỉ với sự đoàn kết và quyết tâm đối diện với mối đe dọa này”.
“Vụ tấn công mới nhất chỉ làm tăng quyết tâm của chúng tôi nhằm bảo vệ các giá trị và sự kiên nhân của châu Âu trước các cuộc tấn công không thể dung thứ. Chúng tôi sẽ đoàn kết và vững vàng trong cuộc chiến chống sự hận thù, bạo lực cực đoan và khủng bố”.
Cờ rủ được treo trước cửa trụ sở Hội đồng liên minh châu Âu ở Brussels. Ảnh: Twitter/BBC
-
Ráo riết truy lùng nghi phạm
Cảnh sát đang truy lùng 2 kẻ tình nghi, gồm người đàn ông mặc áo trắng trong bức ảnh do công tố viên liên bang phát hành. Tên thứ hai là đối tượng bỏ trốn khỏi hiện trường vụ nổ ở ga điện ngầm Maelbeek.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho hay, nước này sẽ phối hợp với giới chức Bỉ để truy lùng và trừng trị những kẻ thủ ác. “Chúng tôi sẽ làm việc bằng mọi cách với cơ quan an ninh Bỉ để tìm và trừng phạt thủ phạm của tội ác hôm nay”, bà nói. Theo bà Merkel, quốc hội Đức sẽ họp vào ngày mai (23/3) để thảo luận về tác động của vụ khủng bố ở Brussels đối với nước Đức.
-
IS cảnh báo về "những ngày đen tối"
Trên tài khoản Telegram chính thức của IS, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố sẽ có “những ngày đen tối”. “Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo sẽ có những ngày đen tối. Đây là cách đáp trả sự gây hấn của chúng khi chống lại IS”, nhóm thánh chiến tuyên bố.
Trước đó, hãng tin AMAQ liên hệ với nhóm khủng bố IS cho hay: "Các chiến binh IS đã tiến hành hàng loạt vụ đánh bom bằng dây đai và thiết bị nổ ngày 22/3, nhằm vào một sân bay và ga tàu điện ngầm ở trung tâm thủ đô Brussels, Bỉ".
-
Phát lệnh truy nã nghi phạm
Cảnh sát Bỉ đã phát lệnh truy nã những kẻ tình nghi gây ra 2 vụ đánh bom sân bay Brussels.
Telegraph đưa tin cảnh sát Bỉ đang đột kích ít nhất một địa chỉ ở quận Schaerbeek, nơi họ nghi đợt tấn công khủng bố được triển khai. Lực lượng này cũng đang kiểm tra nhiều khu vực khác trong thủ đô Brussels nhằm truy lùng người đàn ông mặc áo khoác trắng lọt vào video giám sát tại sân bay.