Nhà chức trách Bỉ chưa đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào về mục đích của các vụ khủng bố vừa xảy ra ở sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek. Hàng loạt giả thuyết được đặt ra cho các vụ tấn công nhưng quan điểm cho rằng đây là động thái trả đũa cho việc Salah Abdeslam, nghi can chính vụ khủng bố Paris vừa bị bắt giữ, đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Nạn nhân vụ khủng bố Brussels thất thần tại sân bay Zaventem. Ảnh: NBC News |
So găng với khủng bố
Trong bài phân tích vừa được đăng tải, Guardian đã đưa ra những lý lẽ của riêng mình trong vụ khủng bố ở thủ đô nước Bỉ. Theo tờ báo của Anh, mối nguy từ khủng bố cực đoan với châu Âu là có thực. Tùy từng giai đoạn, những đe dọa này có thể tăng lên hoặc giảm xuống. Tuy nhiên, chúng sẽ không biến mất khi một hay một vài cá nhân bị bắt. Những kẻ đóng vai trò quan trọng trong mắt xích sa lưới có thể làm suy giảm khả năng hoạt động của mạng lưới nhưng không xóa sổ được khủng bố.
Những kẻ khủng bố hay lực lượng chống khủng bố đều nỗ lực nắm giữ thế chủ động. Đối với lực lượng chống khủng bố, mục đích lớn nhất là xác định mối liên kết giữa các vụ tấn công, tìm ra các nghi phạm và bắt giữ chúng trước khi một âm mưu khủng bố mới được tiến hành. Dưới áp lực liên tiếp và không ngừng nghỉ, mạng lưới khủng bố có thể bị sụp đổ.
Về phần những kẻ cực đoan, mục đích của chúng là reo rắc bạo lực và nỗi khiếp sợ. Các vụ tấn công đẫm máu thường không mang nhiều ý nghĩa trả thù. Chúng đơn giản chỉ là hành động nhằm thể hiện khả năng reo rắc cái chết và nỗi ám ảnh với thường dân vô tội. Chúng có thể bị triệt phá nhưng đúng như những gì mà khủng bố vẫn rêu rao, chúng sẽ không dừng lại.
Tấn công vì sợ lộ
Trong các vụ khủng bố ở Brussels, nhiều khả năng các phần tử cực đoan muốn hành động trước khi nhà chức trách vạch trần các âm mưu tấn công thông qua quá trình thẩm vấn Abdeslam. Nghi can chính trong vụ thảm sát Paris được coi là kẻ lên kế hoạch cho các cuộc tấn công tự sát.
Toa tàu điện ngầm biến dạng vì nổ bom. Ảnh: AFP |
Những kẻ khủng bố có lý do để lo ngại. Ngày 20/3, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho biết Abdeslam đã thú nhận với cơ quan điều tra về việc lên kế hoạch tấn công thủ đô Brussels. “Y đã sẵn sàng gây ra một vụ tấn công ở Brussels. Điều này có thể xảy ra bởi chúng tôi tìm được rất nhiều vũ khí, bao gồm vũ khí hạng nặng, trong các cuộc đột kích. Chúng tôi cũng phát hiện mạng lưới nghi phạm khủng bố xung quanh y ở Brussels”, ông Reynders tiết lộ.
Hai người đàn ông bị tình nghi đứng đằng sau chuỗi vụ tấn công ở Bỉ vẫn đang chạy trốn sau vụ khủng bố Paris hồi cuối năm ngoái. Một trong số chúng được xác định là Mohamed Abrini, 31 tuổi gốc Morocco. Y biến mất sau khi bị cáo buộc đóng vai trò hậu cần trong chuỗi vụ khủng bố đẫm máu ở Paris tháng 11/2015.
Abrini và Abdeslam là bạn thân từ nhỏ. Gia đình chúng là hàng xóm trong khu phố Molenbeek, ngoại ô Brussels, khu vực nhiều nghi can khủng bố bị bắt giữ. Hiện tại, Abrini là mục tiêu của lệnh truy nã quốc tế với dòng mô tả là “nguy hiểm và có thể mang vũ khí”.
Ngoài Abrini, cảnh sát cũng đang săn lùng một kẻ với bí danh Soufiane Kayal, bị tình nghi tới Syria tháng 2/2013. Hộ chiếu giả của y bị phát hiện khi cố tìm cách vượt qua biên giới Áo – Hungary trong tháng 9 cùng năm. Y đi cùng với Abdeslam và Mohamed Belkaïd, một người gốc Algeria bị cảnh sát bắn chết trong cuộc đột kích đầu tuần trước.
Khủng bố châu Âu không còn là “con sói đơn độc”
Trên thực tế, hành trình trốn chạy của Abdeslam có thể kéo dài tới 4 tháng bởi y nhận được nhiều sự ủng hộ của những kẻ cực đoan khác. Đây chính là mạng lưới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đương đại ở châu Âu. Chúng không phải những con sói đơn độc mà đang hình thành cộng đồng, tiếp tục lây lan ra khắp châu Âu bất chấp các chiến dịch truy quét.
Những người này chia sẻ quan điểm cực đoan của những kẻ tấn công hay ít nhất cũng sẵn sàng hỗ trợ chúng thoát khỏi các chiến dịch truy đuổi. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một tỷ lệ rất lớn kẻ tấn công chia sẻ về âm mưu với những người trong cộng đồng và lôi kéo họ tham gia. Một trở ngại khác với lực lượng an ninh là những người giúp đỡ các phần tử khủng bố, dù không có khuynh hướng bạo lực, cũng sẵn sàng trở thành phần tử đánh bom liều chết hoặc các tay súng chống lại cảnh sát.