Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hàn Quốc bình thản trước tin Triều Tiên thử bom

Trong không gian yên tĩnh và thanh bình ở công viên Imjingak, các du khách bình thản đi dạo như thường lệ và dường như không ai tỏ ra lo lắng hay hoảng sợ.

Công viên Imjingak gần khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: AFP

"Cháu có nghe về vụ nổ bom hạt nhân, nhưng ở đây, mọi người không cảm nhận rằng Triều Tiên sẽ tấn công hay có hành động nào đó", nam sinh Jenny Shin, 17 tuổi, cho biết. 

Cậu cùng mẹ đến công viên như bao nhiêu người khác, trong đó phần nhiều là công dân Hàn Quốc. Họ đều không tỏ ra lo lắng hay sợ hãi, dù trước đó Seoul phát loa tuyên truyền dọc biên giới nhằm đáp trả hành động thử bom không báo trước của Bình Nhưỡng. 

Chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950, dẫn đến việc chia cắt giữa hai miền và kết thúc năm 1953 sau khi đạt được thoả hiệp ngừng bắn. Tuy nhiên, vì hiệp định hoà bình chưa được ký kết, nhiều cuộc giao tranh nhỏ vẫn xảy ra trên bán đảo Triều Tiên trong những năm qua.

Công viên Imjingak là biểu tượng của niềm hy vọng thống nhất, được xây dựng cách khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên khoảng 7 km. Imjingak từng là nơi trao đổi tù binh sau chiến tranh. Đây là nơi xa nhất về phía bắc mà người Hàn Quốc có thể tự do đi lại, như một lời nhắc nhở rằng hai bên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. 

Không sợ hãi

Trên khắp cả nước, cuộc sống của người dân Hàn Quốc vẫn diễn ra như thường lệ và không bị xáo trộn trước hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, điều mà họ đã quá quen trong nhiều năm qua.

Tin tức tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội, một số nhà hoạt động xuống đường phản đối nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và vụ thử nghiệm hạt nhân, nhưng nó dường như không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hay các siêu thị của Hàn Quốc.

"Không có sự sợ hãi nào ở đây hết. Không ai dự trữ mì ăn liền hay mua sẵn gạo, mọi việc diễn ra như bình thường. Chúng tôi từng nghe nhiều tuyên bố đe doạ của Triều Tiên những năm qua và biết rằng họ không có khả năng thực sự để thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào chúng tôi", ông Lee Jae Hyon, 45 tuổi, cho biết. 

Nhận thức của công chúng về Triều Tiên đang xấu đi và sự hỗ trợ cho nước láng giềng đã hạn chế dần theo thời gian, khi người dân Hàn Quốc chán ngán những lời đe doạ từ phía Bình Nhưỡng.

Theo kết quả khảo sát của Media Research hồi tháng 6 năm ngoái, khoảng 25% trong số 1.000 người được hỏi trả lời rằng họ coi Triều Tiên là kẻ thù. Trong cuộc khảo sát cách đây một thập kỷ, con số này là 15,5%.

Theo một nghiên cứu khác của Hankook Research, chỉ 10,2% người được hỏi nói rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên sau khi thoả thuận tạm dừng từ năm 2010.

Tuy nhiên, vụ thử bom hôm 6/1 của Bình Nhưỡng đã thúc đẩy lời kêu gọi Seoul đánh giá lại chính sách xây dựng lòng tin đối với nước láng giềng, đồng thời có lập trường kiên định hơn nhằm kiềm chế các hành động quá khích, thay vì dựa vào nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc. 

Đảng cầm quyền Saenuri kêu gọi chính phủ xem xét việc khởi động chương trình hạt nhân để tự vệ. Nhưng các nhà lãnh đạo phe đối lập không đồng tình và cho rằng động thái này giống như "nhảy theo điệu của Bình Nhưỡng".

Người dân Hàn Quốc chụp ảnh trong công viên Imjingak hôm 9/1, gần biên giới chia cắt hai miền Triều Tiên. Ảnh: AP

Đối mặt

Phản ứng của Hàn Quốc nhằm kiềm chế hành động ngoan cố của Triều Tiên trở thành chủ đề tranh luận trên các phương tiện truyền thông. 

Theo bài xã luận đăng trên tờ Korea Times, Seoul cần "chủ động hơn để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên một lần và mãi mãi". 

JoongAng Ilbo nhận định Hàn Quốc nên từ bỏ đối thoại và có phương pháp triệt để hơn, như phát triển hạt nhân và chấp nhận các hệ thống chống tên lửa được Mỹ cung cấp. 

Tuy nhiên, tờ Hankyoreh tranh luận rằng việc Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân là "không thực tế" và một chính sách mới có thể chấm dứt các mối lo ngại cho an ninh quốc gia.

Bài viết đồng thời chỉ trích việc nối lại chương trình loa tuyên truyền vì nó đi ngược lại các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm cách trừng phạt Bình Nhưỡng. Trong một động thái "ăn miếng trả miếng", Triều Tiên đã bắt đầu chương trình loa tuyên truyền dọc biên giới hôm 9/1. 

Ngay cả khi thường xuyên theo dõi tin tức, người dân Hàn Quốc vẫn bình tĩnh đối mặt với tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. 

Bà nội trợ Kim Soo Hyun, 40 tuổi, cho biết không ai cảm thấy lo lắng vì họ tin rằng Hàn Quốc có sức mạnh quân sự lớn hơn Triều Tiên.

"Chúng tôi không thực sự nghĩ rằng Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân", cô nói thêm.

Người nước ngoài sống ở đây cũng học được cách phản ứng trước các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Cô gái 24 tuổi người Singapore, Irene Siah, từng sốc khi nghe tin vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2013 khi đang theo học ở đây. Nhưng giờ đây cô đã quen với những thông tin này.

"Năm 2013, tôi hơi hoảng sợ vì một du học sinh trong trường sợ hãi đến mức liên tục hỏi rằng liệu chúng tôi có nên chạy trốn hay không. Nhưng nếu người Hàn Quốc vẫn ổn và không hoảng hốt, chúng tôi sẽ vẫn ở đây", cô kể lại.

Đầu bếp Nhật chia sẻ kỷ niệm với nhà lãnh đạo Triều Tiên

Kenji Fujimoto, người từng là đầu bếp của cố lãnh đạo Kim Jong Il, viết sách và trả lời phỏng vấn nhiều báo đài về những kỷ niệm trong thời gian ở Triều Tiên.

Hoàng Anh (theo Strait Times)

Bạn có thể quan tâm