Sáng 4/7, sau khi thảo luận 91% đại biểu HĐND Hà Nội thống nhất thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
Theo nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.
Để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020....
Giao thông Hà Nội như bát cơm 3 người ăn
Thảo luận trước khi thông qua, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) đồng tình với đa số mục tiêu và các giải pháp của đề án. Tuy nhiên, ông lưu ý mục tiêu quan trọng khác cần bổ sung vào đề án là giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Từ nay đến năm 2030 còn 13 năm nữa, Hà Nội sẽ làm được rất nhiều việc theo đề án nêu ra, khi đó cơ sở hạ tầng GTVT sẽ phát triển, sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều tuyến đường hay các tuyến đường sắt đô thị.
Theo đại biểu Minh, nếu thực hiện được đề án quản lý phương tiện cá nhân, kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội sẽ phát triển, có nhiều tuyến đường sắt hay tuyến BRT thì người dân sẽ được tiếp cận phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Nếu vị trí nào cũng đảm bảo dân được tiếp cận các ga đường sắt thì đa số người dân sẽ chọn phương thức vận tải hành khách công cộng và không cần thiết phải đi xe máy.
"Khi ấy, đi làm hay tan công sở, người dân sẽ đi bộ, tập thể dục và đây là thói quen tốt. Hà Nội sẽ có cảnh vừa đi tàu điện ngầm vừa đọc sách, giao tiếp văn minh trên các phương tiện giao thông công cộng", ông Minh nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) cho rằng việc giải quyết tắc nghẽn giao thông cần có giải pháp cứng và mềm. Đối với lộ trình đếm năm 2030 cấm xe máy, thành phố cần có giải pháp từ nay như xây dựng hệ thống phương tiện công cộng để tạo người dân có thói quen. Điều chỉnh giờ học, giờ làm cũng hết sức cần thiết nhưng chỉ là giải pháp trước mắt.
“Tôi thấy giao thông ở Hà Nội như một bát cơm ba người ăn, vì vậy phải xây dựng đô thị vệ tinh thông minh quanh Hà Nội. Trong dân rất nhiều tiền, doanh nghiệp rất nhiều tiền, chúng ta cần kêu gọi ủng hộ từ nguồn này. Các đô thị vệ tinh quanh Hà Nội lâu nay khoảng cách quá xa nội đô”, ông Đoàn nói.
Quản lý chặt xe chở vật liệu xây dựng vào nội đô
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) nhìn nhận, cảnh tắc đường vừa vui, vừa buồn đối với Hà Nội. “Vui vì Hà Nội là điểm đến của nhiều người. Tôi từng đi tỉnh, chỉ mong được tắc đường như Hà Nội, vì ở đó 20h đường đã vắng tanh. Hà Nội đã xanh rồi, người dân rất mừng, nhưng còn ai gây ra ô nhiễm môi trường?”, đại biểu Hải đặt câu hỏi.
Theo ông Hải, Hà Nội như một đại công trường xây dựng ngày đêm hoạt động rầm rộ.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, giải trình làm rõ ý kiến các đại biểu. Ảnh: Thắng Quang. |
“Một gia đình xây nhà có 250 xe chở rác, vật liệu chạy ra vào, qua bao nhiêu tuyến phố. Chúng ta đã có quy định phải che phủ nhưng xe chỉ có một cái bạt cho có. Sau một đêm, có những tuyến phố như một bãi rác”, đại biểu Hải nói.
Ông đề xuất cần có chế tài thật chặt để các xe tải vào thành phố thực sự sạch. “Cần quản lý chặt phương tiện vận tải chở vật liệu xây dựng trong giờ đêm. Quy định những xe đảm bảo tiêu chuẩn (trước mắt phải sạch, lốp xe đen bóng) thì môi trường đã được cải thiện”, ông nói.
Giải trình, làm rõ các ý kiến của các đại biểu, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết đến năm 2030, Hà Nội sẽ đảm bảo việc kết nối giao thông thuận tiện.
Theo ông Viện, Hà Nội phấn đấu ở khu vực nội đô, 80% người dân khi dừng xe máy có thể tiếp cận các điểm tiện dừng phương tiện công cộng với quãng đường dưới 500 m (hiện nay là 40%). 20% còn lại, người dân có thể phải đi bộ dài hơn, hoặc đi bằng xe đạp, nhưng không quá 1 km.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ có người từng hỏi ông nếu sống ở khu Văn Chương, quận Đống Đa thì kết nối với phương tiện công cộng như thế nào để về bến xe Yên Nghĩa.
Ông Viện cho rằng, taxi ở Hà Nội có thể là một trong những phương tiện kết nối. “Đi taxi từ Văn Chương ra đường Tôn Đức Thắng hết 7.000 đồng. Đi xe buýt từ Tôn Đức Thắng xuống Yên Nghĩa thêm 7.000 đồng nữa, tổng cộng chỉ 14.000 đồng", Giám đốc Sở GTVT tính toán.