Sáng 3/7, kỳ họp thứ 4 của HĐND Hà Nội khóa XV chính thức khai mạc và kéo dài đến giữa tuần. Tại cuộc họp báo trước kỳ họp, Phó chủ tịch Thường trực HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết kỳ họp sẽ thông qua 11 Nghị quyết.
Các nội dung dư luận và báo chí quan tâm như phương án giảm phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy vào nội đô; trật tự vỉa hè, lòng đường; việc chặt hạ cây xanh trên các tuyến đường; vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức… sẽ được đưa vào phiên chất vấn tại hội trường (ngày 5/7)
Ông Tuấn cũng cho rằng ở kỳ họp này, quán triệt nội dung rất rõ là chất vấn và tái chất vấn đến cùng. Kỳ họp dành nửa ngày để tái chất vấn trở lại những nội dung đã chất vấn tại kỳ trước để biết được UBND Hà Nội thực hiện đến đâu, chưa thực hiện cái gì, nguyên nhân, trách nhiệm thế nào đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Dự kiến, HĐND Hà Nội sẽ dành một ngày cho phiên trả lời chất vấn của đại biểu với lãnh đạo các sở và UBND Hà Nội. Theo ông Nguyễn Hoài Nam (Trưởng ban Pháp chế) trên cơ sở tổng hợp ý kiến của cử tri, của các đại biểu, HĐND đã lựa chọn và chuyển 40 câu hỏi thuộc các lĩnh vực cho UBND Hà Nội trả lời bằng văn bản.
"Thành phố cũng học tập Quốc hội về phần tranh luận. Sau câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu nếu đồng ý thì ghi nhận còn nếu có ý kiến phản hồi thì tiếp tục tranh luận đến lúc kết thúc", ông Nam cho hay.
Cấm xe máy vào nội đô sẽ được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu. |
Về dự thảo nghị quyết về đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND Hà Nội, cho biết UBND đã có những điều chỉnh phù hợp.
“Với nội dung thu hồi phương tiện cũ, sau khi các bộ ngành cho ý kiến cũng như có phản biện của mặt trận tổ quốc, tiếp thu ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo thấy rằng, nội dung này cần được xem xét, tính toán kỹ hơn. Nội dung nghị quyết trình chính thức sẽ không có việc thu hồi phương tiện”, ông Quân khẳng định.
Về việc tạm dừng hoạt động xe máy năm 2030, theo ông Quân, Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động phương tiện phù hợp với hạ tầng cơ sở và tiến tới năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên các quận.
Về nội dung điều chỉnh giờ học, giờ làm, ông Quân khẳng định trước đây Hà Nội đã làm, nhưng tạm dừng vì hiệu quả không cao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác thì sẽ có hiệu quả.
“Cùng với việc quản lý phương tiện giao thông thì đề xuất áp dụng biện pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm hết sức cần thiết. Cho nên thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ để điều chỉnh giờ học, giờ làm”, ông Quân nói.