Từ cửa sổ phòng ngủ, gia đình của anh Phạm Quốc Ấn (chung cư Phú Thịnh Green Park Hà Đông) có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn đoàn tàu điện Cát Linh - Hà Đông ngược xuôi trên đường Quang Trung.
Đó là một view chung cư hiện đại và thơ mộng nếu không xuất hiện những gam màu trắng xám của hàng bia mộ khi anh Ấn đưa mắt nhìn xuống một nghĩa trang gần nhà.
Căn hộ có "view" nghĩa trang
Tòa chung cư của anh Ấn là một khối vuông 4 mặt, trong đó chủ đầu tư đã phải chấp nhận chào bán căn hộ có mặt nhìn ra nghĩa trang với giá rẻ hơn. Để có được những ưu đãi về giá cả, gia đình anh chấp nhận mua căn hộ có "view" nghĩa trang.
"Những buổi sáng của ngày nghỉ, mình muốn ra ban công để ngắm một chút view thì mắt lại đập ngay vào cái nghĩa trang ấy. Rõ ràng mình đã mua được căn hộ với giá rẻ hơn, nhưng về mặt tâm lý cũng thấy hơi bất tiện và hụt hẫng", anh Ấn chia sẻ.
Nghĩa trang "đập vào mắt" khi anh Ấn đứng từ cửa sổ phòng ngủ. Ảnh: Duy Anh. |
Ở cách nghĩa trang khoảng 100 m, anh Ấn vẫn còn may mắn hơn các hộ dân có nhà đất nằm sát nghĩa trang làng Cót (phường Yên Hòa, Cầu Giấy). Bà H., người phụ nữ có 30 năm làm dâu tại làng Cót, vẫn chưa quen được cảnh hương khói nghi ngút bốc đến tận cửa nhà mình mỗi dịp có người tảo mộ.
Mình muốn ra ban công để ngắm một chút view thì mắt lại đập ngay vào cái nghĩa trang
Anh Phạm Quốc Ấn
Theo tiêu chuẩn quốc gia về nghĩa trang đô thị được ban hành năm 2008, khoảng cách từ khu dân cư đến nghĩa trang tối thiểu là 100 m. Với nghĩa trang chôn tươi (an táng cả thi hài) thì khoảng cách phải từ 500 m đến 1,5 km. Tuy nhiên, hiện trạng nhiều nghĩa trang tại Hà Nội không đáp ứng được tiêu chuẩn trên.
Thành phố Hà Nội đã có một bản quy hoạch nghĩa trang định hướng đến năm 2050, trong đó ưu tiên việc quy tập, di dời mồ mả đến các nghĩa trang chung để nhường đất phát triển đường sá, cơ sở hạ tầng.
Người dân Yên Xá (Hà Đông) len lỏi qua một nghĩa trang để đi làm mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tuy nhiên, các chuyên gia về quy hoạch đô thị nhận định việc di dời các khu mồ mả nằm xen trong thành phố là không đơn giản, đôi khi phải chấp nhận cho tồn tại nghĩa trang ở giữa khu dân cư.
Chấp nhận hiện trạng
Trao đổi với Zing, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, lý giải hiện trạng nghĩa trang nằm giữa khu đô thị có nguyên nhân từ quá trình đô thị hóa của Hà Nội.
Làm thế nào để không gian giữa người sống và người chết có sự hài hòa
KTS Trần Ngọc Chính
"Hà Nội trước kia chỉ bao gồm 4 quận nội thành rồi cứ mở rộng dần, vành đai 2, 3 và giờ là vành đai 4. Khi phát triển rộng ra thì rõ ràng các làng truyền thống trước kia sẽ nằm vào đất đô thị. Mà mỗi làng xã, dòng họ đương nhiên phải có nghĩa trang", ông Chính chia sẻ.
Chuyên gia quy hoạch cho biết trong quá trình đô thị hóa, tất cả đô thị lớn của nước ta gặp trường hợp nghĩa trang nằm trong khu đô thị mở rộng. Điều này là đương nhiên và ở các đô thị như Tokyo, Paris... cũng có tình trạng tương tự.
Nhưng nước bạn có văn hóa trong xây dựng từ trước nên nghĩa trang có hàng lối, có cảnh quan... ở nước họ nghĩa trang trở thành nơi sinh hoạt văn hóa và tâm linh.
Ở Việt Nam, có những nghĩa trang lớn được quy hoạch hàng lối, ngăn nắp, nhưng cũng còn rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ không hàng lối, cũng không thống nhất về kích cỡ các ngôi mộ. Trong những nghĩa trang nhỏ này cũng có mộ tổ, mộ danh nhân, mộ vô chủ...
Nghĩa trang Phúc Đồng (Long Biên) nằm cạnh khu đô thị Vinhomes Riverside bất đắc dĩ trở thành một bùng binh giao thông sau khi các công trình mọc lên tứ phía. Ảnh: Ngọc Tân. |
Nếu chỉ nhìn ở góc độ phát triển hạ tầng đô thị thì giải pháp đơn giản nhất là cứ di dời hết mồ mả khỏi các khu dân cư và quy tập về nghĩa trang lớn theo quy hoạch. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Một người dân làng Cót (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) khi được hỏi cho biết việc di dời nghĩa trang của làng đi nơi khác là rất phức tạp.
Với tính chất phức tạp nêu trên, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng có nhiều nghĩa trang tại Hà Nội dù nằm sát khu dân cư, vẫn phải tôn trọng và chấp nhận cho tồn tại. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần tìm cách cải tạo, xây dựng cảnh quan để phù hợp với không gian đô thị. "Làm thế nào để không gian giữa người sống và người chết có sự hài hòa", ông nhấn mạnh.
Trên thực tế, các dự án làm đường, làm công trình công ích... khi gặp đất nghĩa trang thì có thể bàn bạc với người dân để giải tỏa. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị, xây chung cư, cao ốc do các chủ đầu tư tư nhân thực hiện thì việc giải tỏa nghĩa trang rất khó. Các nhà đầu tư bất động sản đều rất ngại khi thực hiện các dự án cần di dời mồ mả.
Chuyên gia cho rằng để hài hòa được nhu cầu phát triển đô thị và tâm tư, nguyện vọng của người dân bản địa là không đơn giản.
Bài toán cho tương lai
Trong một đề tài nghiên cứu của mình, TS Lê Thị Cúc - tác giả cuốn Tang thức của tín đồ công giáo và phật giáo người Việt ở Bắc Bộ - đã nhận ra phần lớn khách hàng của các công viên nghĩa trang như Lạc Hồng Viên, Thiên Đức... là người dân đang sống tại Hà Nội. Điều này cho thấy nhiều gia đình ở thủ đô sẵn sàng đưa người đã khuất đến an nghỉ tại các nghĩa trang cách xa nơi ở của mình.
TS Lê Thị Cúc đánh giá mô hình công viên nghĩa trang nằm cách xa đô thị là một trong những giải pháp cho tình trạng xung đột "người sống ở cạnh người chết". Những quan niệm "đất lề, quê thói" như việc mồ mả phải nằm tại nghĩa trang gần nhà của một bộ phận người dân sẽ phải thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển.
Tuy nhiên, chi phí cho một suất mộ phần ở các công viên nghĩa trang ngoại thành Hà Nội thường khá cao, người dân có thu nhập thấp chưa thể tiếp cận. Điều này đặt ra việc cần làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
"Giải pháp trong tương lai là quy hoạch thêm các công viên nghĩa trang với giá 'bình dân' hơn. Cùng với đó là vận động người dân thực hành hỏa táng thay cho hung táng; khuyến khích việc để tro cốt người đã khuất trong một diện tích nhỏ như những tháp cốt, nhà chứa tro cốt... để đảm bảo tiết kiệm không gian", TS Lê Thị Cúc chia sẻ.
Thủ đô Hà Nội có 7 nghĩa trang tập trung quy mô lớn gồm: Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Yên Kỳ cũ, Sài Đồng, Ngọc Hồi và Nhổn, với tổng diện tích khoảng 70 ha. Thành phố sau khi mở rộng có quy mô diện tích tăng gấp hơn 3 lần, dân số đô thị dự kiến tăng gấp 2 lần (đến năm 2030). Do vậy, việc tiếp tục xây dựng nghĩa trang mới là nhu cầu cấp bách và bức xúc.
Một số nghĩa trang nằm sát, chen giữa khu dân cư, khu đô thị. Đồ họa: Duy Anh. |
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Đồng thời, mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2, huyện Ba Vì, sử dụng hình thức táng tổng hợp, phục vụ nhu cầu an táng của người dân khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng và các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Phú Thọ).
Các nghĩa trang Sài Đồng (Long Biên), Văn Điển (Thanh Trì) cũng được lên kế hoạch đóng cửa và cải tạo thành công viên nghĩa trang từ trước năm 2015.
Nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) sẽ được mở rộng từ 37 ha lên 87 ha, phục vụ nhu cầu an táng của người dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị trung tâm phía nam sông Hồng.
Tại khu vực phía tây bắc Hà Nội, nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh) sẽ được cải tạo mở rộng thành công viên nghĩa trang với quy mô 23 ha (năm 2030).
Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng mới các nghĩa trang Minh Phú và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); Xuân Nộn (Đông Anh); Trung Màu (Gia Lâm); Trần Phú (Chương Mỹ); Chuyên Mỹ (Phú Xuyên).