"Các định hướng tại quy hoạch chung thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây là phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng. Do vậy, việc kết luận một số dự án cao tầng tại tuyến đường này gây quá tải, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích... là chưa thỏa đáng", ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nói về sai phạm quy hoạch trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình tại cuộc họp báo do UBND Hà Nội tổ chức chiều 1/7.
Chưa thỏa đáng?
Ông Phạm Quốc Tuyến cho biết trục đường trên là một đoạn thuộc tuyến đường chính đô thị hướng tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình đến vành đai.
Hiện, đa số ô đất được chủ đầu tư thực hiện dự án, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Tuyến đường này có 60 dự án, trong đó 49 dự án được Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận thuộc đoạn tuyến nêu trên và khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Theo ông Tuyến, định hướng tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên thay đổi theo các thời kỳ, nhưng từ năm 2002, trục đường này luôn được định hướng xây dựng nhà cao tầng.
Vào năm 2008, dựa trên công văn của UBND Hà Nội đề nghị xem xét nội dung nghiên cứu định hướng tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan tỷ lệ 1/2.000 hai bên tuyến Lê Văn Lương thuộc quận Thanh Xuân, Bộ Xây dựng đã thống nhất về nguyên tắc này.
Theo đó, các dự án trên tuyến đường Lê Văn Lương được định hướng có chức năng như khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại cao nhất 45 tầng, chức năng hỗn hợp là 32 tầng. Định hướng này cũng được cập nhật trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, phản hồi với báo chí về kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng liên quan sai phạm ở trục đường Lê Văn Lương. Ảnh: M.H. |
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, khoảng 15 dự án trên tuyến Lê Văn Lương được phê duyệt điều chỉnh nhiều lần. Nhưng theo ông Tuyến, đối chiếu với quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, việc xác định các lần điều chỉnh này là chưa chính xác khi nhiều văn bản chủ trương hoặc văn bản trả lời liên thông giữa sở và thành phố cũng bị tính là điều chỉnh.
Ông Tuyến lấy ví dụ dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH MTV là chủ đầu tư, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng là điều chỉnh quy hoạch 4 lần.
Tuy nhiên, xét theo nguyên tắc, UBND Hà Nội chỉ điều chỉnh quy hoạch với dự án này một lần vào năm 2011. Các văn bản khác là bước rà soát quy hoạch đô thị, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan hoặc là văn bản chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu dự án; không phải là văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng cho chủ đầu tư.
Đồng thời, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết Luật Xây dựng năm 2003 nói chung cũng như các thông tư khác trong cùng thời kỳ không quy định, yêu cầu cụ thể về tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
"Việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận một số dự án được điều chỉnh khi chưa tính toán hạ tầng kỹ thuật cần được xem xét lại cho phù hợp với bối cảnh và các quy định của từng thời kỳ", ông Tuyến nói.
Theo tìm hiểu của Zing, trong vòng 2 năm Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, sở và ngành chức năng của Hà Nội có nhiều lần làm việc, phản hồi, thông tin với thanh tra những nội dung nêu trên.
Nhưng sau đó, Thanh tra Bộ Xây dựng giữ nguyên nội dung kết luận và tổ chức công bố kết luận sai phạm trên tuyến đường này vào ngày 20/5.
Tắc đường không phải do nhà cao tầng?
Trả lời câu hỏi của Zing về việc xác định trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Phạm Quốc Tuyến cho biết thời hạn rà soát và thực hiện theo kết luận là 60 ngày, từ 17/5 đến 20/7.
"Sau khi xác định được trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan, nếu cá nhân thuộc sở thì sẽ tự tổ chức xử lý, còn nếu liên quan cá nhân thuộc quản lý của thành phố thì sở sẽ báo cáo Thành ủy Hà Nội để có phương án", ông Tuyến thông tin.
Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng việc nhiều chung cư xây vượt tầng cho phép trên trục đường Lê Văn Lương khiến mật độ dân số gia tăng, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Ảnh: Ngọc Tân. |
Về kết luận liên quan việc nhiều dự án cao tầng tại tuyến Lê Văn Lương xây vượt tầng làm gia tăng dân số, tạo gánh nặng cho hạ tầng giao thông tại đây, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết đây không phải lý do chính khiến tuyến đường này ùn tắc.
Theo khảo sát của đơn vị, tuyến Lê Văn Lương thường ùn tắc vào giờ cao điểm như sáng sớm hoặc lúc tan tầm. Do đó, đường Lê Văn Lương có lưu lượng người tham gia giao thông lớn vì là trục đường xuyên tâm của thành phố.
Ngành chức năng của Hà Nội cũng dẫn số liệu cho thấy mạng lưới giao thông ở khu vực Lê Văn Lương mới được đầu tư xây dựng khoảng 50% so với quy hoạch. Trong khi đó, dân số di dân cơ học vào khu vực vượt ngưỡng so với tính toán quy hoạch.
"Việc tập trung dân số cơ học thì chúng tôi không thể quản lý được, để giải quyết thì là tổng quan của rất nhiều chính sách", ông Tuyến nói và cho biết trong quy hoạch chung và giải pháp từng bước khắc phục hiện tượng này, Hà Nội đã lên kế hoạch di dời trường đại học, bệnh viện lớn ra khỏi nội đô để giảm mật độ dân số.
Về phương án khắc phục sai phạm để không ảnh hưởng quyền lợi của những người dân đã mua nhà hợp pháp tại dự án chung cư trên tuyến đường này, ông Tuyến cho biết việc này sẽ được trao đổi thống nhất và giải quyết thông qua thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân đang sinh sống.
Tổng kết lại các thông tin, Chánh văn phòng UBND Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết ngày 20/7, thành phố sẽ kết thúc 60 ngày rà soát và thực hiện theo các nội dung trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng. Sau khi hoàn tất quá trình và làm việc với Bộ Xây dựng, thành phố thông tin lại các nội dung liên quan đến sai phạm trên tuyến đường này.
Một số dự án sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương. Đồ họa: Mỹ Hà. |