Mỗi buổi chiều sau khi đi làm về, anh Hoàng Phương (cư dân chung cư Handiresco Complex, Lê Văn Lương) đều cùng con trai nhỏ băng qua đường, đến phần vỉa hè rộng ở phía đối diện nhà để tìm chỗ cho hai bố con đi dạo, vui chơi.
Sống ở chung cư lớn nhưng thiếu không gian công cộng, anh cho biết vỉa hè ở phía chung cư nơi anh ở gần như biến mất vì đã trở thành sảnh chính của những cửa hàng mua sắm, quán ăn, cà phê.
"Nếu sống ở đây bạn sẽ thấy mức độ ô nhiễm âm thanh cực kỳ kinh khủng, vườn hoa và nhà trẻ công gần như không có, bệnh viện công cũng không có luôn", anh Phương nói về trải nghiệm sau 3 năm sống ở tuyến đường này.
Từ 6,5 tầng xây thành 27 tầng
Thời điểm anh Phương mua chung cư ở Lê Văn Lương là năm 2019. Người môi giới đưa cho anh xem một bản thiết kế của chủ đầu tư với đầy đủ vườn hoa, nhà trẻ, trung tâm thương mại và khu vui chơi nằm ngay trong khuôn viên. Nhưng đến nay, phần đất để làm các dịch vụ này được chuyển đổi thành khu thương mại và nhà ở để tiếp tục bán cho những người khác.
"Những tòa chung cư xung quanh đây hầu như không có khu vui chơi cho trẻ em, mật độ cây xanh cũng rất ít", anh Phương kể lại quan sát của mình và cho biết nếu muốn có không gian cho con đi dạo, anh buộc phải băng qua đường để tìm đến vườn hoa ở khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, dù cơ sở vật chất ở đây rất xập xệ.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây, tòa chung cư Handiresco Complex - nơi anh Phương đang ở - được UBND Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh một lần sai quy định pháp luật.
Sau 4 lần điều chỉnh, tòa nhà từ thiết kế ban đầu 6,5 tầng đã tăng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh dân sinh 754 người. Đồng thời, dự án không đảm bảo mật độ cây xanh, khu vui chơi, nhà trẻ theo đúng quy hoạch ban đầu.
Mật độ chung cư dày đặc nhưng vẫn có những chung cư tiếp tục được xây mới trên tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy (cư dân ở khu Trung Hòa - Nhân Chính) cho biết gia đình bà chuyển về đây sống từ năm 2009, theo diện tái định cư sau khi chỗ ở cũ phải giải phóng mặt bằng để làm dự án vành đai 3.
Bà cho biết hồi mới chuyển đến, khu vực Lê Văn Lương khá thưa vắng vì có ít nhà cao tầng. Nhưng sau hơn một thập kỷ, khu vực thay đổi chóng mặt khi chung cư và nhà cao tầng mọc lên san sát, nối nhau trên tuyến đường chỉ dài 2 km.
"Trước đó có những thời điểm nhiều chung cư cùng thi công xây dựng một lúc, rất ồn ào. Giờ xây xong, dân chuyển về ở thì sáng nào cũng thấy ùn ùn xe cộ", bà Thúy nói.
Cảm nhận của bà Thúy không phải không có cơ sở khi theo thống kê, trục đường Lê Văn Lương chỉ dài 2 km nhưng có tới 40 chung cư, nhà cao tầng tồn tại. Trong đó, một phần là khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, một phần là những chung cư xây mới có chủ đầu tư là các công ty, doanh nghiệp và một phần nhỏ là đất quốc phòng.
Theo ghi nhận của Zing, là khu vực có nhiều nhà cao tầng và đông dân cư nhưng rất khó để người dân tìm được một bóng cây lớn trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Ngay phần sảnh ở các chung cư trong tổ hợp khu Trung Hòa - Nhân Chính cũng được trưng dụng để làm bãi gửi xe, vì phần hầm gửi không đáp ứng đủ cho cư dân và người dân đến đây làm việc.
Không để sai phạm tiếp diễn ở dự án mới
Trong kết luận vừa ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết với nhiều dự án chung cư dọc trục Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, UBND Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã điều chỉnh quy hoạch sai quy định, theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn....
"Điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số. Chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ", kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc điều chỉnh quy hoạch thường được thực hiện dựa trên đề xuất của các chủ đầu tư. Việc này sẽ làm hỏng quy hoạch ban đầu vì doanh nghiệp thì chỉ quan tâm đến lợi ích kinh doanh, trong khi quy hoạch ban đầu được đưa ra để đảm bảo lợi ích chung.
"Để được phê duyệt dự án theo quy hoạch ban đầu, chủ đầu tư sẵn sàng cam kết đảm bảo những tiện ích như sân chơi, khuôn viên công cộng, cây xanh nhưng đến khi thực hiện, họ xin rút hoặc có những chủ đầu tư tự cắt xén, dành đất xây thêm căn hộ để bán", ông Võ nói.
Theo giáo sư Võ, việc xử lý sai phạm cần được cân nhắc vì không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã mua nhà và sinh sống trong các chung cư.
Trước mắt, chính quyền Hà Nội cùng các sở, ngành cần yêu cầu chủ đầu tư tập trung khắc phục sai phạm và xử lý triệt để ở dự án chưa hoàn thiện hoặc chưa có người mua. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần xác định rõ mức độ sai phạm của từng dự án và đưa ra phương án xử lý cho phù hợp.
Nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo tiến sĩ Trần Việt Anh (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội), nhiều dự án đô thị của Hà Nội được điều chỉnh quy hoạch thời gian vừa qua phát sinh bất cập, tăng áp lực giao thông và các vấn đề khác về hạ tầng.
Ông góp ý cần khảo sát, đánh giá tác động dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định để tham khảo, đưa ra góc nhìn chính xác nhất về điều chỉnh quy hoạch. Nhưng quan trọng hơn cả, theo ông, chính quyền cần nắm quyền kiểm soát.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng ngày 13/6, Thứ trưởng Lê Quang Hùng quán triệt quan điểm không điều chỉnh quy hoạch các đô thị chạy theo lợi nhuận nhà đầu tư. Theo ông, với những quy hoạch đã tốt thì không nên điều chỉnh, song không nên cứng nhắc bởi quy hoạch đô thị sau 10-20 năm không phù hợp có thể điều chỉnh.
"Nguyên tắc chung là hạn chế điều chỉnh, ưu tiên các tiện ích công cộng, cây xanh, môi trường thay vì chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Liên quan đến sai phạm của các dự án chung cư trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho biết sau kết luận thanh tra, Sở sẽ giao các phòng ban rà soát lại vấn đề này.
"Chúng tôi rút kinh nghiệm và sẽ rà soát lại", Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội nói.
Trong khi chờ đợi sở, ngành của Hà Nội rà soát và rút kinh nghiệm, những người dân như anh Hoàng Phương vẫn hàng ngày phải lách qua biển người để đi làm mỗi sáng hoặc cố gắng băng qua đường vào lúc chiều muộn để có chỗ cho con nhỏ đi dạo.
"Nhà mua rồi thì phải ở và chấp nhận những thiếu thốn, còn chờ đến lúc sửa sai xong có khi mình cũng không còn ở đây", anh Phương nói.
Những dự án sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương. Đồ họa: Mỹ Hà. |
Bình luận