Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

4 điểm Hà Nội 'phản biện' kết luận về sai phạm ở đường Lê Văn Lương

Sở Quy hoạch Hà Nội chỉ ra 4 nội dung trong kết luận sai phạm tại trục Lê Văn Lương cần được xem xét lại.

sai pham tren tuyen duong Le Van Luong anh 1

"Trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về trục Lê Văn Lương không có từ nào là băm nát, phá nát, nhưng chúng tôi hiểu được khi các thông tin về kết luận đưa theo hướng như vậy", ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nói sau khi nhận được hàng chục câu hỏi của báo chí liên quan đến sai phạm trên tuyến đường này.

Dù vậy, theo ông Tuyến, nhiều nội dung được kết luận về sai phạm ở trục Lê Văn Lương cần được xem xét lại với bối cảnh, thời kỳ phát triển kinh tế xã hội và định hướng của Hà Nội giai đoạn 2005-2016.

Trong đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tập trung "phản biện" 4 nội dung quan trọng trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về sai phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình.

Điều chỉnh quy hoạch có phù hợp?

Tại văn bản ban hành ngày 17/5, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận UBND Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có nhiều lần điều chỉnh quy hoạch mà không thuộc trường hợp được điều chỉnh đối với nhiều dự án trên trục Lê Văn Lương. Đồng thời, các đồ án quy hoạch phân khu cập nhật không đúng quy hoạch chi tiết.

Về nội dung này, ông Phạm Quốc Tuyến cho biết năm 2008 có sự kiện hợp nhất Hà Nội - Hà Tây và điều này đã thay đổi địa giới hành chính, thay đổi nhiều định hướng phát triển kinh tế xã hội của thủ đô.

Trong đó, xuất phát từ chủ trương xã hội hóa, khuyến khích đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở giai đoạn này, UBND Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu đề xuất phương án định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên trục Lê Văn Lương và Phạm Hùng.

sai pham tren tuyen duong Le Van Luong anh 2

40 chung cư dày đặc trên tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: Ngọc Tân.

Đến năm 2013, thực hiện việc "giải cứu" thị trường bất động sản theo Nghị quyết 02 của Chính phủ về việc điều chỉnh phục vụ đấu giá, đồng thời căn cứ các Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị khác, Hà Nội xác định việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình "là phù hợp".

"Việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch và phương án kiến trúc không thuộc trường hợp được điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng năm 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009 cùng các quy định liên quan khác. Việc này cũng chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô suốt giai đoạn này", lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phản biện.

Nội dung thứ hai được nêu trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng là trong quá trình điều chỉnh quy hoạch trên trục Lê Văn Lương, UBND Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố chưa tuân thủ các quy định khi không thuyết minh sự sai khác, không tính toán đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Việc này gây quá tải cho hạ tầng, không đáp ứng đủ diện tích cây xanh, trường học, nhà trẻ, trạm y tế...

Về việc này, ông Phạm Quốc Tuyến cho biết qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng nhà cao tầng.

Năm 2008, để triển khai chỉnh trang các tuyến phố theo 1.000 năm Thăng Long phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, UBND thành phố đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.

Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Đến năm 2015, quy hoạch phân khu đô thị được duyệt cho phép khu vực này xây dựng nhà ở chức năng hỗn hợp với tầng cao 30, 35 và cao nhất là 45 tầng.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết với các định hướng tại quy hoạch chung thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến của Bộ Xây dựng đã thỏa thuận.

"Do đó, việc kết luận cao tầng gây quá tải, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích tại một số dự án là chưa thỏa đáng. Đồng thời, Luật Xây dựng 2003 cũng như nhiều thông tư khác của Bộ Xây dựng không quy định, yêu cầu cụ thể về tính toán giải pháp hạ tầng kỹ thuật, xã hội nên kết luận này cần được xem lại cho phù hợp", đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết.

Kết luận điều chỉnh 4 lần, thực chất chỉ điều chỉnh một lần?

Nội dung thứ 3 được Hà Nội phản biện là kết luận khoảng 15 dự án trên tuyến Lê Văn Lương được UBND thành phố và Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt điều chỉnh nhiều lần.

Theo ông Tuyến, đối chiếu với quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, việc xác định các lần điều chỉnh này là "chưa chính xác" khi nhiều văn bản chủ trương hoặc văn bản trả lời liên thông giữa sở và thành phố cũng bị tính là điều chỉnh.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lấy ví dụ dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH MTV là chủ đầu tư, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng là điều chỉnh quy hoạch 4 lần.

Tuy nhiên, xét theo nguyên tắc, UBND Hà Nội chỉ điều chỉnh quy hoạch với dự án này một lần vào năm 2011. Các văn bản khác là bước rà soát quy hoạch đô thị, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan hoặc là văn bản chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu dự án; không phải là văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng cho chủ đầu tư.

Cuối cùng, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng nhiều dự án cao tầng tại tuyến Lê Văn Lương xây vượt tầng làm gia tăng dân số, tạo gánh nặng cho hạ tầng giao thông tại đây. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết đây không phải lý do chính khiến tuyến đường này ùn tắc.

Theo khảo sát của đơn vị, tuyến Lê Văn Lương thường ùn tắc vào giờ cao điểm như sáng sớm hoặc lúc tan tầm. Đường Lê Văn Lương có lưu lượng người tham gia giao thông lớn vì là trục đường xuyên tâm từ nội đô ra khu vực Hà Đông (trước đây là trục xuyên tâm Hà Nội - Hà Tây).

Ngành chức năng của Hà Nội cũng dẫn số liệu cho thấy mạng lưới giao thông ở khu vực Lê Văn Lương mới được đầu tư xây dựng khoảng 50% so với quy hoạch. Trong khi đó, dân số di dân cơ học vào khu vực vượt ngưỡng so với tính toán quy hoạch.

Theo ông Tuyến, giải pháp để giảm tải sự gia tăng dân số này là di dời các cơ sở trường đại học, bệnh viện lớn, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô.

“Thủ tướng đã giao việc này cho Bộ Xây dựng nhưng đến nay chưa triển khai được”, ông Tuyến nói và cho biết Hà Nội đã đưa nhiều bệnh viện của thành phố ra ngoại thành để giảm tải, nhưng cơ sở liên quan đến Trung ương thì chưa làm được.

'Không có chuyện vụ việc chuyển lên cơ quan điều tra'

Bên cạnh những nội dung phản biện, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thừa nhận một số nội dung được Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận là đúng như thiếu ghi chú tầng cao, công bố quy hoạch chậm, số liệu hiện trạng tại quy hoạch phân khu, thể hiện các tỷ lệ đất cây xanh tại quy hoạch chi tiết...

Sở cho biết đang cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện nội dung trong kết luận. Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng đơn vị liên quan sẽ báo cáo UBND Hà Nội và có kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong 60 ngày.

Không có chuyện kết luận sai phạm ở đường Lê Văn Lương chuyển lên cơ quan điều tra

Ông Trương Việt Dũng, Chánh văn phòng UBND Hà Nội

Theo tìm hiểu của Zing, trong vòng 2 năm Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, sở và ngành chức năng của Hà Nội có nhiều lần làm việc, phản hồi, thông tin với thanh tra những nội dung nêu trên.

Nhưng sau đó, Thanh tra Bộ Xây dựng giữ nguyên nội dung kết luận và tổ chức công bố kết luận sai phạm trên tuyến đường này vào ngày 20/5.

Tại cuộc họp báo ngày 1/7, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng bác thông tin cho rằng các kết luận thanh tra liên quan tuyến đường Lê Văn Lương đã chuyển lên cơ quan điều tra. Ông Dũng cho biết Hà Nội đang trong 60 ngày rà soát và sau khi làm việc với Bộ Xây dựng, thành phố thông tin lại các nội dung liên quan đến sai phạm trên tuyến đường này.

Toàn cảnh tuyến đường nêm chặt 40 cao ốc như vách tường Nhiều sai phạm tại các dự án cao ốc mọc lên 2 bên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội) tạo nên gánh nặng về hạ tầng giao thông và dịch vụ công.

Sở Quy hoạch Hà Nội: 'Kết luận sai phạm ở Lê Văn Lương chưa thỏa đáng'

Liên quan đến sai phạm về quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng còn nhiều điểm chưa thỏa đáng.

Đề nghị công an điều tra vụ điều chỉnh quy hoạch tuyến Lê Văn Lương

Biểu hiện của sự đặc quyền, lợi ích nhóm, cá nhân là những điều được kiến nghị cần làm rõ trong vụ điều chỉnh quy hoạch tùy tiện tạo nên rừng cao ốc trên tuyến đường Lê Văn Lương.

40 chung cư nêm chặt như vách tường dọc tuyến đường 2 km

Với chiều dài 2 km, tuyến đường Lê Văn Lương đang phải "gánh" 40 tòa chung cư, nhà cao tầng. Nhiều dự án trong số này được cấp phép để xây vượt tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm