Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hà Nội hờ hững với mua đồ tích trữ

Sức mua của người dân Hà Nội trong sáng 19/7 tăng không đáng kể. Nhiều người khẳng định không có nhu cầu tích trữ hàng hóa, lương thực.

Thực phẩm, hàng hóa đầy ắp trong chợ và siêu thị ở Hà Nội Ngày đầu UBND TP Hà Nội thắt chặt các biện pháp giãn cách, hoạt động mua bán tại các chợ và siêu thị diễn ra bình thường. Rau củ, thực phẩm tươi sống vẫn dồi dào cho người dân.

Tối 18/7, sau khi nghe tin Hà Nội yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi cần thiết từ 0h ngày 19/7, chị Kim Hải (46 tuổi, quận Hà Đông) vội xuống siêu thị Co.opmart dưới nhà mua một số đồ tích trữ. Tuy nhiên, chị bất ngờ khi thấy lượng khách mua sắm không đông, đồng thời hàng hóa, rau củ quả dồi dào.

"Ban đầu tôi định mua thùng mỳ tôm, mấy gói bánh gạo, trứng và càng nhiều rau củ quả càng tốt. Sau, thấy hàng hóa tại siêu thị còn rất nhiều nên tôi không thấy lo lắng nữa, chỉ mua 2 bó rau muống", chị Hải cho biết.

Đến sáng 19/7, tại các chợ truyền thống khu vực Hà Đông, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, nhiều người dân khẳng định với Zing không có nhu cầu mua tích trữ lương thực. “Với các loại thực phẩm tươi sống, tôi chỉ mua đủ dùng”, chị Hiền (50 tuổi, quận Long Biên) chia sẻ. Chị cùng mẹ tới chợ Gia Lâm từ 7h sáng và đã mua được các loại hàng cần thiết.

Nguoi Ha Noi ho hung voi mua do tich tru anh 1

Hoạt động mua bán tại các chợ dân sinh Hà Nội diễn ra bình thường. Ảnh: VIệt Linh.

Theo ghi nhận, sức mua tại chợ Gia Lâm trong sáng 19/7 tăng khoảng 50%, tuy nhiên, lượng hàng hóa dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Thực tế, trung bình một người dân mua lượng thực phẩm không quá lớn, có thể dùng trong khoảng 1-2 ngày.

“Đợt tháng 4 năm ngoái, gia đình tôi từng lo Hà Nội không có đủ hàng hóa nên có tâm lý tích trữ. Giờ tôi chỉ mua lượng đồ ăn nhiều hơn ngày thường một chút để không phải đi chợ nhiều”, chị Thắm (trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) nói.

Tương tự, chị Minh Ngọc (29 tuổi, quận Cầu Giấy) sáng nay đi chợ cũng chỉ mua ít lòng lợn, 2 con chim bồ câu và bó rau muống, mồng tơi để phục vụ bữa ăn trong ngày. “Hôm nào cũng đi qua chợ nên tôi nắm được tình hình, hàng hóa không thiếu. Hơn nữa, nhà có con nhỏ nên tôi hạn chế việc mua đồ tích trữ để ngăn đá”, chị Ngọc chia sẻ.

Thời điểm 8h30 sáng, một số chợ truyền thống tại quận Hai Bà Trưng vẫn liên tục cập nhật hàng hóa. Chị Bách, tiểu thương trong chợ Bách Khoa, thông tin người dân hôm nay đi chợ đông hơn ngày thường, sức mua cao nhưng không có hiện tượng gom hàng, tích trữ.

Nguoi Ha Noi ho hung voi mua do tich tru anh 2

Không xuất hiện tình trạng người dân mua gom hàng, tích trữ tại các siêu thị. Ảnh: Văn Hưng.

Về phía người bán, một tiểu thương tại chợ Gia Lâm nhìn nhận việc người dân đổ đi mua hàng trong sáng 19/7 là không cần thiết bởi dẫn đến tình trạng chen chúc, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Người này cũng khẳng định nguồn cung hàng hóa hiện không thiếu.

Nhiều tiểu thương khác cũng khẳng định cố gắng giữ giá ở mức bình ổn khi “cái khó là cái khó chung”.

Bên cạnh các chợ dân sinh, lượng hàng hóa tại Big C, Vinmart, MM Mega Market, Co.opmart trong sáng 19/7 cũng dồi dào, đồng thời không xảy ra tình trạng người dân gom hàng, tích trữ. Các siêu thị cho biết đã tăng nguồn hàng thiết yếu dự trữ tối thiểu 30%.

Thực tế, số người tìm đến siêu thị mua sắm có tăng lên, nhưng không đột biến. Khách hàng tập trung chủ yếu ở gian hàng trái cây, rau củ quả và không phải xếp hàng chờ khi thanh toán.

Chiều 18/7, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

"Theo đó, nguồn thực phẩm thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%. Đồng thời để lưu thông hàng hóa doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đến các điểm bán xuyên đêm", đại diện Sở Công Thương thông tin.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ sẵn sàng mở thêm giờ, cam kết đủ lượng hàng phục vụ ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết hiện nay doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường.

Giá rau ngoài chợ tăng, nhiều người dân Hà Nội đến siêu thị

Giá rau xanh tại các chợ truyền thống tăng mạnh sau khi Hà Nội có công điện tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch Covid-19. Nhiều người tiêu dùng đến siêu thị mua hàng.

Văn Hưng - Linh Đỗ

Bạn có thể quan tâm