Giá lợn hơi những ngày gần đây liên tục giảm mạnh. Ngày 15/7 tại miền Bắc, tiểu thương thu mua lợn hơi với giá dao động 56.000-59.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang đồng loạt giảm nhẹ xuống 59.000 đồng/kg; Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Nam giữ nguyên ở mức 58.000 đồng/kg. Riêng Hà Nội là địa phương bán lợn hơi với giá 56.000 đồng/kg, thấp nhất toàn miền.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, không còn tỉnh nào giữ giá lợn hơi trên 65.000 đồng/kg, giao dịch chủ yếu dao động 57.000-65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lợn hơi hôm nay tại Quảng Bình (tăng 6.000 đồng lên 65.000 đồng/kg), Quảng Trị (tăng 8.000 đồng lên 64.000 đồng/kg) bất ngờ tăng nóng do khan hiếm nguồn cung. Đây cũng là 2 tỉnh có giá thu mua lợn hơi cao nhất cả nước.
Trong khi đó, giá lợn hơi tại Bình Thuận ghi nhận mức giao dịch là 58.000 đồng/kg, bằng với Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Thừa Thiên Huế hiện thu mua ở mức 60.000 đồng/kg, bằng với Lâm Đồng.
Tại miền Nam, giá lợn hơi hấu hết đi ngang, chỉ riêng Đồng Nai giảm 1.000 đồng/kg xuống mốc 51.000 đồng/kg, thấp nhất cả nước. Tại TP.HCM, Vĩnh Long, giá lợn hơi là 58.000 đồng/kg, tại Bình Dương là 61.000 đồng/kg, tại Cần Thơ là 55.000 đồng/kg, tại Cà Mau là 56.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá lợn hơi trung bình cả nước đạt 57.800 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nhìn nhận thời gian qua, giá lợn hơi biến động giảm do nguồn cung trong nước được đảm bảo, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp do tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, có một nghịch lý vẫn đang tồn tại là giá thịt lợn ở các chợ nói riêng và giá thịt đến tay người tiêu dùng nói chung vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, giá thịt ba chỉ vẫn dao động 150.000-160.000 đồng/kg, sườn 150.000-170.000 đồng/kg, nạc vai 140.000-160.000 đồng/kg, mông sấn 110.000-130.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi giảm mạnh, giá thịt lợn tại chợ, siêu thị giảm không tương xứng. Ảnh: Thạch Thảo. |
"Nguyên nhân do có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn ra thị trường, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa 3 khâu sản xuất, cung ứng, tiêu dùng", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), phân tích. Từ thực tế đó, ông Trọng cho rằng cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Theo đó, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp lớn như Masan với hai nhà máy ở Hà Nam và Long An; Ba Huân; Dabaco; Greenfeed; Rapfa; Xuân Trường xây dựng các chuỗi thực phẩm lớn.
Khi các chuỗi này phát huy hiệu quả theo đúng kế hoạch, việc rút ngắn các khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ, lợi ích sẽ được chia sẻ với các đối tượng trong chuỗi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bộ NNPTNT dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi không có nhiều biến động do dịch tả lợn châu Phi đang được khống chế tốt, đàn lợn ở các trang trại lớn tăng nhanh. Đồng thời, nguồn cung các loại thịt gà, thịt bò, cá, tôm và thịt nhập khẩu về nhiều.