Gần nửa tháng nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hoa ở Đà Lạt phải đổ bỏ cả triệu cành vì Australia bắt buộc hoa cắt cành xuất khẩu sang đây phải tiệt mầm bằng hoạt chất glyphosate.
Trong khi đó, từ ngày 1/7, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa glyphosate bị cấm sử dụng trong nước theo Thông tư 10 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT).
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết quy định loại bỏ glyphosate khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đã có từ tháng 9/2020.
Trước khi Thông tư số 10 có hiệu lực 3 tháng, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp sử dụng thuốc này để họ chủ động có kế hoạch đối với quyết định này của Bộ.
“Đây không phải là quy định mới nên hoàn toàn không gây bất ngờ đối với doanh nghiệp”, ông Trung nói. Ông và chia sẻ trước tháng 3, cả nước còn 51 tấn hoạt chất glyphosate, sử dụng trong một vụ là hết. Doanh nghiệp cũng báo cáo không còn.
Bộ NNPTNT khẳng định không vì lợi ích của một vài doanh nghiệp hoa mà làm trái quy định pháp luật. Ảnh: Minh An. |
Bộ NNPTNT cho biết glyphosate là hoạt chất có khả năng gây ung thư (nhóm 2A) cho con người theo công bố của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Do đó, hoạt chất này đã bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Trước thông tin Công ty TNHH Dalat Hasfarm phải tiêu hủy 600.000 cành hoa thương phẩm vì vướng quy định, đại diện Bộ NNPTNT khẳng định qua kiểm tra, Dalat Hasfarm chỉ có 2 container hoa không đáp ứng yêu cầu nên không xuất khẩu đi Australia được.
Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hoa.
Đối với thị trường Australia, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật loại bỏ khả năng không cho phép sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa cắt cành xuất khẩu của Australia sẽ đánh mất thị trường này.
“Australia chỉ yêu cầu sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng, còn các loại hoa khác như hoa cát tường, hoa hồng, lan hồ điệp… vẫn xuất khẩu đi bình thường. Hơn nữa, hoa cắt cành của Việt Nam hiện nay đang xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới”, ông Trung nói.
Về phương án lâu dài, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã làm việc với phía Bộ Nông nghiệp Australia và gửi toàn bộ số liệu sang để họ xem xét, thay thế cho hoạt chất glyphosate.
Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, thị trường Australia đóng vai trò rất quan trọng của ngành hoa Đà Lạt với sản lượng gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, đạt doanh thu 5,2 triệu USD/năm. Đây là thị trường truyền thống trong 23 năm qua và đang tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây.
Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng là thị trường xuất khẩu hoa sang Australia lớn nhất cả nước.