ABC News dẫn lại báo cáo của Tổ chức Stop AAPI Hate (tạm dịch: Ngừng tấn công người gốc Á) cho biết họ đã ghi nhận gần 3.000 trình báo về các vụ việc chống lại người gốc Á vào năm 2020.
Trước làn sóng bạo lực, nhiều nhà nghiên cứu nhận định các vụ tấn công do phân biệt chủng tộc có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến tinh thần nạn nhân.
Theo tạp chí Nghiên cứu Dân tộc và Chủng tộc, người gốc Á bị phân biệt đối xử do tác động từ đại dịch Covid-19 thường phải đối mặt với lo lắng và trầm cảm.
Ông Joo Han, phó giám đốc Liên đoàn người Mỹ gốc Á cũng nhận định phân biệt đối xử có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như gia tăng sự lo lắng, trầm cảm cũng như chán ăn và mất ngủ.
Người gốc Á tại khu Chinatown ở Mỹ. Ảnh: Getty. |
Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, người gốc Á được coi là nhóm có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về tinh thần ngay từ trước đại dịch. Nghiên cứu của Liên đoàn người Mỹ gốc Á cho thấy người gốc Á có tỷ lệ trầm cảm và tự tử cao hàng đầu trên thế giới.
Ông Sherry Wang, phó giáo sư tại Khoa Tư vấn Tâm lý Đại học Santa Clara nhận định: “Những tổn thương về mặt tinh thần mà người gốc Á đang phải sống chung là một căn bệnh 'tàng hình'".
Nhiều người không biết rằng người gốc Á cũng giống như những người da màu khác. Họ đang phải vật lộn với các vấn đề phân biệt chủng tộc, nghèo đói và bất bình đẳng.
Người Mỹ thường xem người gốc Á là cộng đồng “thiểu số kiểu mẫu”. Họ được đánh giá là “xuất sắc” và không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Han, người gốc Á nằm trong nhóm người nghèo nhất ở New York. Cứ 4 người gốc Á thì có 1 người phải đối mặt với thách thức từ nghèo đói.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của người gốc Á tăng cao càng khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tinh thần.