Một người phụ nữ gốc Á đã bị thương nặng sau vụ tấn công vào ngày 18/3 ở thành phố San Francisco, bang California, Mỹ. Sự việc này diễn ra chỉ vài ngày sau vụ xả súng hàng loạt ở thành phố Atlanta, bang Georgia khiến 8 người chết, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á.
Đây chỉ là sự kiện mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á tại bang California, nơi tập trung cư dân gốc Á lớn nhất trên cả nước. Những cuộc tấn công có mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ cướp giật, trộm cắp cho đến hành hung và giết người.
Khi nghe tin về vụ xả súng tại Atlanta, cộng đồng người châu Á tại California hoàn toàn đồng cảm và hiểu những gì mà người Mỹ gốc Á tại Atlanta vừa phải trải qua.
“Tôi chưa gặp tình huống nguy hiểm nào khi ra đường, song tôi vẫn sợ hãi khi đi bộ ra ngoài vào buổi chiều, tôi không cảm thấy an toàn ở bất kỳ nơi đâu”, bà Betty Louie - một cố vấn cho Hiệp hội Thương lái Hoa Kiều tại thành phố San Francisco - chia sẻ.
Tình trạng bạo lực gia tăng
Kể từ khi các lệnh phong tỏa phòng chống Covid-19 được dỡ bỏ, khu vực bang California đã ghi nhận tình trạng bạo lực nhằm vào người châu Á ngày càng gia tăng.
Cảnh sát thành phố San Francisco tăng cường tuần tra sau các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á. Ảnh: Getty Image. |
Theo tổ chức Stop APPI Hate, trong năm vừa qua đã có gần 3.800 trường hợp các vụ việc phân biệt chủng tộc đối với người châu Á tại Mỹ. Trong số này, có đến 1.691 vụ xảy ra tại bang California.
Ông Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, công dân Mỹ gốc Thái Lan, nằm trong số các nạn nhân bị tấn công. Ông qua đời tại thành phố San Francisco cuối tháng 1 vừa qua.
Tại bang California, trong nhiều vụ tấn công, nạn nhân thường là những người lớn tuổi, không có khả năng tự vệ. Điển hình là trường hợp của một người đàn ông 75 tuổi gốc Hong Kong bị sát hại trong một vụ cướp vào tuần trước tại thành phố Oakland, bang California.
Khu người Hoa tại thành phố San Francisco đã trở thành địa điểm phổ biến cho các vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á từ sau khi các lệnh giãn cách được dỡ bỏ. Tháng trước, một cụ ông 67 tuổi bị 3 người hành hung tại tiệm giặt là ở khu vực này.
Cảnh sát thành phố San Francisco đã phải tăng cường tuần tra tại các khu vực tập trung dân cư gốc Á để kiểm soát tình trạng bạo lực. Lo ngại về các vụ tấn công, nhiều chủ cửa hàng và doanh nghiệp tại những khu dân cư trên còn chia sẻ với nhau thông tin về những vụ tấn công và những kẻ tình nghi trên mạng xã hội WeChat.
Jennifer là chủ của một cửa hàng tại khu người Hoa ở San Francisco. Cửa hàng của cô đã từng bị cướp nhiều lần bởi cùng một nhóm thanh niên nhưng cảnh sát vẫn không thể bắt được thủ phạm. Jennifer không dám tiết lộ họ của mình vì lo cho sự an toàn của bản thân.
“Tôi cảm thấy sợ hãi, không còn hy vọng. Kể cả khi tôi đã báo cảnh sát, vẫn không có sự khác biệt gì cả. Không ai có thể giúp được tôi”, Jennifer chia sẻ. Cô cho biết mình đang xin giấy phép sở hữu súng để có thể tự bảo vệ bản thân.
Sự thờ ơ của giới chức trách
Bất chấp tần suất các cuộc tấn công nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á ngày càng gia tăng, giới chức trách vẫn từ chối coi những hành vi trên là những tội ác mang tính phân biệt chủng tộc.
Trong vụ án xét xử thủ phạm sát hại người đàn ông 75 tuổi gốc Hong Kong, các công tố viên thậm chí đã nhấn mạnh vào lịch sử nhiều lần phạm tội có động cơ phân biệt chủng tộc của đối tượng.
Cộng đồng người châu Á tại Mỹ cảm thấy mình bị bỏ rơi bởi lực lượng cảnh sát và chính quyền. “Họ biết rằng những người Trung Quốc lớn tuổi sống tại đường Stockton, họ biết rằng những người này không thể tự bảo vệ bản thân”, Jennifer bức xúc về sự thờ ơ của cảnh sát mặc dù họ có đầy đủ thông tin về những nơi có thể xảy ra các vụ tấn công.
Leung là người sáng lập phong trào Cộng đồng Hoà bình tại thành phố San Francisco khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ. Theo anh, sự phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á đã tồn tại trong nhiều năm, trước cả khi những cụm từ như “Cúm Trung Quốc” dùng để ám chỉ đại dịch Covid-19 ra đời.
Phản ứng đối với vụ xả súng tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Leung nói rằng mình không còn nước mắt để khóc. Theo anh, nếu không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, tình trạng bạo lực chống lại người châu Á sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa.
Anh trích dẫn lời nói của một người bạn để diễn tả tâm trạng của những người gốc Á tại Mỹ: “Cô ấy cảm thấy những người châu Á đã bị cộng đồng bỏ mặc, kể cả trong những cuộc biểu tình đòi sự bảo vệ, cũng chỉ có những người gốc Á tham dự”.
Người Mỹ gốc Á cảm thấy đơn độc khi đấu tranh chống phân biệt đối xử. Ảnh: ABC News. |
Trước sự thờ ơ từ các cơ quan chức năng, cộng đồng người Mỹ gốc Á phải tự đứng lên bảo vệ mình. Những thành viên của phong trào Cộng đồng Hòa Bình hàng ngày tuần tra trên những con phố nơi có nhiều người gốc Á sinh sống.
Leung nói rằng anh từng bị dọa giết. Trong một lần tuần tra vào tuần trước, một người đã chĩa súng về phía anh. Giờ đây, mỗi lần đi tuần, anh luôn phải đề cao cảnh giác. Dẫu lo cho sự an nguy của bản thân, Leung biết rằng anh không thể dừng những việc đang làm.
“Tôi đã chán nản với việc phải chứng minh chúng tôi đang bị phân biệt đối xử, chán với việc phải chứng minh chúng tôi thuộc về nơi đây (Mỹ). Tôi chán với sự o ép, với văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân. Tôi không thể kìm nén những nỗi đau vì bị phân biệt đối xử lâu hơn nữa”, Leung nhấn mạnh.