Chứng kiến sự việc tài xế container đâm hỏng 13 xe máy do phải đánh lái tránh 2 người qua đường ẩu tại Tuyên Quang, tôi rất bức xúc trước sự bất cẩn của những người đi bộ này. Tôi muốn hỏi liệu tài xế có quyền yêu cầu họ bồi thường thiệt hại thay mình trong trường hợp này không?
Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư Hà Nội
Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Khi gây thiệt hại trong quá trình vận hành nguồn nguy hiểm cao độ, lái xe có trách nhiệm phải bồi thường. Tài xế chỉ được miễn trừ trách nhiệm bồi thường nếu đủ căn cứ chứng minh thiệt hại xảy ra do tình thế cấp thiết.
Theo khoản 1, Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Trường hợp bạn hỏi, cơ quan chức năng cần làm rõ chi tiết 2 người đi bộ đột ngột sang đường khi cách xe chỉ khoảng 10 m, tài xế phanh hết cỡ nhưng không kịp làm xe dừng lại và buộc phải đánh lái để tránh thiệt hại về người.
Nếu chi tiết này chính xác, việc tài xế đánh lái, lao xe vào bên đường được xác định là giải pháp ít gây thiệt hại hơn. Khi đó, thiệt hại trong tình huống này được tính là thiệt hại do tình thế cấp thiết. Hành vi của tài xế không được tính là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
Về trách nhiệm bồi thường, chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi thường theo Điều 595 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại, mà cụ thể là 2 người sang đường, sẽ phải bồi thường.
Trên thực tế, sau khi tai nạn xảy ra, tài xế container đã nhận được khoảng một tỷ đồng tiền ủng hộ và cho biết sẽ sử dụng số tiền này để khắc phục hậu quả vụ tai nạn, nếu còn thừa sẽ công khai chuyển toàn bộ số dư đó vào Quỹ vaccine chống Covid-19. Đây là hành động đẹp, giàu tính nhân văn và đáng khen ngợi của lái xe này.
Bình luận