Theo New York Times, cách đây không lâu, nhà đầu tư Bill Hwang vẫn là một trong những tỷ phú giàu và kín tiếng nhất Phố Wall. Nhưng tài sản của ông đã sớm bốc hơi.
Ông Hwang, nhà đầu tư 57 tuổi, quản lý 10 tỷ USD thông qua công ty đầu tư tư nhân Archegos Capital Management. Ông đã vay hàng tỷ USD từ các ngân hàng lớn Phố Wall để đầu tư. Hồi giữa tháng 3, ông Hwang nắm giữ 20 tỷ USD cổ phần của công ty truyền thông ViacomCBS và là cổ đông tổ chức lớn nhất.
Tuy nhiên, khối tài sản khổng lồ của ông sụp đổ chỉ sau một đêm. Khi những cổ phiếu được Archegos nắm giữ giảm giá xuống dưới ngưỡng an toàn (so với tài sản đảm bảo của công ty), các nhà môi giới kích hoạt lệnh tăng tài sản ký quỹ (margin call), yêu cầu công ty nạp thêm tiền hoặc tài sản thế chấp vào tài khoản.
Nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu, các nhà môi giới sẽ bán cổ phiếu hoặc tài sản mà công ty nắm giữ. Kịch bản này khiến Archegos vỡ nợ và kích hoạt đà giảm giá mạnh của các cổ phiếu được Archegos đầu tư. Giá cổ phiếu ViacomCBS lao dốc không phanh sau sự cố.
Ông Bill Hwang đã vay hàng tỷ USD từ các ngân hàng lớn như Nomura, Credit Suisse để đầu tư. |
Đầu tư liều lĩnh
Sự sụp đổ của Archegos là quân cờ domino đầu tiên bị đổ. Hai trong số các nhà băng làm ăn với công ty tiết lộ gánh lỗ hàng tỷ USD. ViacomCBS chứng kiến giá cổ phiếu tụt dốc 50% trong vỏn vẹn một tuần. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng vào cuộc.
Sinh ra ở Hàn Quốc, ông Hwang chuyển đến Las Vegas vào năm 1982 khi còn là một học sinh trung học. Vốn tiếng Anh không nhiều, ông phải làm việc tại một cửa hàng McDonald’s ở Las Vegas Strip.
Chưa đầy một năm sau khi ông Hwang đến Mỹ, cha của ông qua đời. Ông Hwang và mẹ chuyển đến Los Angeles. Tại đây, ông theo học kinh tế tại Đại học California.
Sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, ông làm việc cho một công ty dịch vụ tài chính Hàn Quốc (có trụ sở tại New York) trong vòng sáu năm.
Cuối cùng, ông làm việc cho nhà đầu tư kỳ cựu Julian Robertson, người được mệnh danh là "phù thủy Phố Wall". Vào thời điểm đó, ở tuổi 33, ông Hwang nhận "tấm vé vàng" đến Phố Wall. Đó là lời đề nghị làm việc cho quỹ đầu tư Tiger Management của ông Robertson.
Nhà đầu tư kỳ cựu Julian Robertson, người được mệnh danh là "phù thủy Phố Wall". Ảnh: CNBC. |
Ông Hwang nổi tiếng thích vung tiền. Ông đặt cược lớn vào các cổ phiếu Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và sử dụng đòn bẩy tài chính cao (đòn bẩy là thuật ngữ để chỉ hiện tượng sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản).
Cuộc sống cá nhân của ông khiêm tốn hơn. Căn nhà của ông Hwang và vợ, Becky, mua ở Tenafly (quận Bergen, bang New Jersey) có giá khoảng 3 triệu USD.
Là người theo đạo, ông đã thành lập một quỹ có trụ sở tại New York để tài trợ cho những buổi đọc Kinh thánh và câu lạc bộ đọc sách tôn giáo. Quỹ quyên góp thành công hàng chục triệu USD cho các tổ chức thuộc Kitô giáo.
"Ông ấy tạo ra những khoản tiền phi lý. Nhưng ông ta làm điều đó một cách rất kín đáo và khiêm tốn", ông John Bai, nhà sáng lập công ty nghiên cứu cổ phiếu Fundstrat Global Advisors, bình luận.
Nhưng cách đầu tư của ông đã nhiều lần mang đến rủi ro. Ông Hwang là người đứng sau vụ bê bối giao dịch nội gián tại quỹ đầu cơ Tiger Asia Management. Hồi năm 2012, ông Hwang nhận tội gian lận, bị kết án một năm quản chế và phải nộp lại 16 triệu USD.
Hàng tỷ USD bốc hơi
Cùng năm đó, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) buộc tội ông, Tiger Asia Management và Tiger Asia Partners lũng đoạn cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc để thu lợi bất hợp pháp gần 17 triệu USD. Ông và các công ty sau đó phải trả 44 triệu USD để dàn xếp vụ kiện.
Ngân hàng Goldman Sachs ngừng làm ăn với ông Hwang trong khoảng thời gian đó, theo nguồn tin của CNN. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh doanh giữa nhà băng và công ty của ông sớm được nối lại.
Đầu năm nay, ông Hwang để mắt đến cổ phiếu của ViacomCBS, Discovery và một số cổ phiếu Trung Quốc, bao gồm công ty thuốc lá điện tử RLX Technologies và công ty giáo dục GSX Techedu.
Giá cổ phiếu ViacomCBS đã tăng từ khoảng 12 USD một năm trước lên 50 USD hồi tháng 1. Vào thời điểm đó, ông Hwang vẫn tiếp tục mua vào, theo nguồn tin của New York Times. Thông qua các giao dịch hoán đổi với nhiều nhà băng, ông có thể kiếm lời dù không sở hữu cổ phiếu trên thực tế.
Đến giữa tháng 3, giá cổ phiếu ViacomCBS áp sát ngưỡng 100 USD. Ông Hwang trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn duy nhất của tập đoàn. Khoản đầu tư của ông được định giá khoảng 20 tỷ USD.
Sự cố của Archegos khiến cả Phố Wall chao đảo, hàng trăm tỷ USD bay hơi khỏi thị trường và các ngân hàng tên tuổi lỗ nặng. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, cổ phần của ông Hwang tại ViacomCBS hoàn toàn từ tiền vay ngân hàng. Do đó, nếu giá bất ngờ đảo chiều, ông sẽ phải trả thêm tiền cho các nhà băng để bù lỗ hoặc mất sạch những cổ phiếu này.
Khi giá cổ phiếu của ViacomCBS lao dốc, ông Hwang không thể đáp ứng yêu cầu margin call của các ngân hàng. Theo nguồn tin của New York Times, Archegos đã tổ chức cuộc họp với những ngân hàng đối tác và yêu cầu họ bán tài sản một cách lặng lẽ.
Nhưng hy vọng sớm tiêu tan. Ngay sau khi nhận ra giá cổ phiếu sắp sụp đổ, Goldman nhanh chóng bán tài sản. Tiếp đó là Morgan Stanley và nhiều nhà băng khác.
Tài sản của ông Hwang bốc hơi sau khi các ngân hàng ồ ạt bán tháo cổ phiếu của ViacomCBS. Do không bán kịp thời, Credit Suisse cho biết "chịu thiệt hại đáng kể", trong khi Nomura công bố khoản lỗ lên tới 2 tỷ USD.
Giá cổ phiếu của ViacomCBS giảm hơn 50% kể từ khi chạm đỉnh vào ngày 22/3. Trong khi đó, nhà đầu tư gốc Á thấp thỏm. Ông chỉ đưa ra một tuyên bố ngắn ngủi, cho rằng đây là "thời gian thử thách" của Archegos.