Vào ngày Saudi Pro League (giải VĐQG Saudi Arabia - SPL) trở thành sân chơi của Cristiano Ronaldo, một thỏa thuận về việc bán bản quyền truyền hình giải đấu được thực hiện ở Italy và Bồ Đào Nha. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các trận đấu của SPL được chính thức bán bản quyền đến châu Âu.
Vài tuần sau, thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, trở thành kinh đô bóng đá thế giới. Sân King Fahd với sức chứa gần 70.000 chỗ ngồi chứng kiến cuộc so tài tay đôi gần như là cuối cùng giữa Ronaldo và Lionel Messi, khi PSG đấu đội Các ngôi sao Riyadh, là tập hợp giữa hai CLB hàng đầu thành phố gồm Al Nassr và Al Hilal.
Tham vọng thay đổi
Không nhiều lần trong lịch sử bóng đá thế giới, có một trận giao hữu nhận được sự quan tâm lớn đến như vậy. Trận đấu là thành quả từ những nỗ lực của Turki Al-Sheikh, Bộ trưởng Bộ Giải trí Tổng hợp Saudi Arabia (GEA). Ngay từ tên gọi "Bộ Giải trí Tổng hợp" thể hiện sự khác lạ. GEA chỉ mới được chính quyền Saudi Arabia thành lập từ năm 2016, với mục đích quản lý ngành công nghiệp giải trí của đất nước.
Cristiano Ronaldo được Bộ trưởng Bộ Giải trí Tổng hợp Turki al-Sheikh trao tặng huy chương, tại Sân vận động King Fahd ở Riyadh, ngày 19 tháng 1 năm 2023. Ảnh: Reuters. |
Bản thân Al-Sheikh được truyền thông phương Tây mô tả như một chính trị gia lập dị với nhiều ý tưởng độc đáo. Người đàn ông 41 tuổi là hậu duệ của Muhammad ibn Abd al-Wahhab, một trong những lãnh tụ tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông vào thế kỷ 18.
Dưới sự lãnh đạo của Al-Sheikh, GEA tổ chức nhiều sự kiện giải trí mà chỉ mới cách đây một thập niên, người ta không thể tưởng tượng ra chúng xuất hiện tại Saudi Arabia.
Tháng 12 năm ngoái, Liên hoan phim "Biển đỏ" được tổ chức tại Jeddah, một thành phố lớn khác của Saudi Arabia. Al-Sheikh cũng chính là CEO của sự kiện. Trong quá khứ, người đứng đầu GEA cũng từng đóng vai trò sản xuất cho nhiều bộ phim. Bruno Mars hay BTS (nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc) sau đó cũng tổ chức những show diễn của mình tại Saudi Arabia.
Al-Sheikh từng gọi các hoạt động giải trí được tổ chức tại Saudi Arabia trong năm 2022 chính là "chỉ dấu rõ ràng về sự thay đổi và định hình lại tương lai cho thế hệ sáng tạo tiếp theo của chúng ta". Trùng hợp thay, trong ngày Ronaldo ký hợp đồng với Al Nassr, đội bóng của Saudi Arabia cũng có thông điệp tương tự.
"Đây là một bản hợp đồng không chỉ truyền cảm hứng để câu lạc bộ của chúng tôi đạt được thành công lớn hơn nữa trong tương lai, mà còn truyền cảm hứng cho giải đấu, quốc gia và các thế hệ tương lai của chúng tôi, để những chàng trai và cô gái nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ", trang chủ CLB khi đó viết.
Saudi Arabia dường như đang chuyển mình để hòa nhập hơn với thế giới, và bóng đá chính là một trong những công cụ quan trọng của họ. 9 bàn thắng diễn ra trong trận giao hữu giữa PSG và Riyadh XI, mang đến một bữa tiệc giải trí đúng nghĩa cho người hâm mộ.
Các phương tiện truyền thông địa phương cập nhật từng phút của mọi hoạt động diễn ra trong và ngoài sân cỏ. Trước khi trận đấu bắt đầu, Al-Sheikh bắt tay Al-Khelaifi, chủ tịch PSG. Các ông chủ người Qatar của CLB nước Pháp nhận khoản 10 triệu euro cho việc đưa đội sang Saudi Arabia du đấu.
Tầm nhìn 2030
Không có ai thua sau khi trận giao hữu tại sân King Fahd kết thúc. Người Saudi Arabia bắt tay Qatar. Ronaldo ôm Messi và đăng hình ảnh trận đấu lên trang cá nhân với chú thích: "Thật vui khi gặp lại vài người bạn cũ". Siêu sao người Bồ Đào Nha nhận danh hiệu cầu thủ hay nhất trận đấu, sau khi để lại dấu ấn với một cú đúp trước PSG.
Messi và Ronaldo đều có những khoảnh khắc ấn tượng trong trận giao hữu vừa qua. Ảnh: Reuters. |
Messi bổ sung thêm một danh hiệu vào bộ sưu tập đồ sộ của mình. PSG bay hàng nghìn km để kiếm về khoản doanh thu 10 triệu euro cho ngân sách. Al-Sheikh hài lòng khi show giải trí hoàn thành tốt đẹp, nhưng hé lộ những kế hoạch mới cho tương lai.
"Đây là một trận đấu lớn nhưng chẳng là gì (so với) những thứ sẽ xảy ra trong tương lai (dự án Tầm nhìn 2030 - PV)", ông nói.
Tầm nhìn 2030 mà Al-Sheikh nói đến là kế hoạch được chính phủ Saudi Arabia vạch ra, với tham vọng cải cách và hiện đại hóa nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Bóng đá là một phần trong tham vọng đó, với kế hoạch đăng cai World Cup 2030.
"Bóng đá Saudi Arabia muốn đứng đầu châu Á trước năm 2025. Sau đó đến World Cup 2030, giải đấu mà Saudi Arabia muốn giành quyền đăng cai, ĐTQG có thể lọt top 20 thế giới. Kế hoạch này cũng bao gồm việc sở hữu một CLB hàng đầu châu Âu", nhà báo Hamza Mohamed của Al Jazeera chia sẻ với Zing về dự án "Tầm nhìn 2030".
"Al-Sheikh đang làm tốt công việc của mình và tôi tin rằng bóng đá Saudi Arabia sẽ có những bước tiến lớn trong tương lai", Mohamed khẳng định.
Những cuốn sách nên đọc về Champions League
Mục Thể thao giới thiệu tới độc giả các cuốn sách để hiểu thêm về sự ra đời, tính cạnh tranh và cách Champions League vươn mình trở thành giải đấu danh giá nhất châu Âu.