Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người dùng được lợi gì từ cuộc đua siêu ứng dụng tại Việt Nam?

Với định hướng phát triển hợp lý, lấy người dùng làm trọng tâm, một “siêu ứng dụng” có thể định hình lại thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng như thúc đẩy cả nền kinh tế số.

Grab,  sieu ung dung anh 1

“Giờ cái gì cũng Grab được chú ạ”, chị H. Thắm (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ. Là nhân viên văn phòng, chị Thắm cho biết chỉ với ứng dụng Grab, chị có thể làm được rất nhiều việc trong ngày, từ gọi xe, giao nhận hàng hóa, giao đồ ăn, đi chợ hộ cho đến chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn.

“Một ngày, tôi mở Grab không biết bao nhiêu lần, sáng thì đặt xe đưa con đi học, rồi gọi xe cho bản thân đi làm. Tới trưa thì gọi đồ ăn qua GrabFood, còn không có thể đi ăn hàng rồi thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng. Tối đến tôi tự nấu ăn vì nguyên liệu đã mua sẵn qua GrabMart từ trước”, chị Thắm chia sẻ.

“Tôi cũng như mọi người từng nghĩ Grab chỉ để đặt xe, nhưng giờ có nhiều dịch vụ mới”, chị Thắm nói thêm về việc một ứng dụng gắn liền với hoạt động hàng ngày của mình.

Ai cũng được lợi

Chị Thắm không phải là trường hợp duy nhất hưởng lợi từ sự xuất hiện của những “siêu ứng dụng” như Grab. Đây là những ứng dụng di động gồm nhiều dịch vụ nhỏ được tích hợp bên trong, như trường hợp của Grab bao gồm các tính năng từ gọi xe, giao nhận hàng hóa, giao đồ ăn, đi chợ hộ đến các giải pháp thanh toán như ví điện tử, thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền...

Cuộc đua phát triển các “siêu ứng dụng” đang bùng nổ tại Đông Nam Á, thị trường với quy mô hơn 600 triệu dân với tốc độ tăng trưởng kinh tế hấp dẫn nhất toàn cầu, theo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng Bain & Company thực hiện. Không chỉ Grab, hàng loạt công ty công nghệ trong khu vực và thế giới đang nỗ lực để tạo ra một siêu ứng dụng, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, giữ chân người dùng.

Trong bối cảnh Internet ngày càng rẻ, dễ tiếp cận hơn tại Đông Nam Á, thương mại điện tử và ứng dụng gọi xe sẽ là những ngành chính được hưởng lợi. Với những siêu ứng dụng bao gồm cả 2 yếu tố trên như Grab, Đông Nam Á là thị trường rộng mở. Giá trị nền kinh tế Internet của khu vực này được dự đoán vượt mức 240 tỷ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu từ Google và Temasek.

Grab,  sieu ung dung anh 2

Thị trường Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của siêu ứng dụng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Không chỉ người dùng, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên toàn khu vực cũng được hưởng lợi từ cuộc đua “siêu ứng dụng" của các công ty công nghệ. Nhiều khu chợ tại Đông Nam Á đã “đi thẳng lên 4.0” khi tiểu thương và người dùng dễ dàng giao dịch qua ứng dụng, hàng hóa được chuyển tận tay người mua thông qua những dịch vụ như GrabMart.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quầy thịt của chị Hoa Lài (tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã giảm lợi nhuận đến hơn 50%. Nỗi lo của chị Hoa Lài không chỉ là tình hình kinh doanh gián đoạn do dịch bệnh, mà còn đến từ sự cạnh tranh gay gắt của hàng loạt cửa hàng tiện lợi, siêu thị thực phẩm tươi sống đang “mọc lên như nấm”, chen vào mọi ngóc ngách quanh khu chợ mà chị đã buôn bán hàng chục năm.

Tuy nhiên với sự xuất hiện của dịch vụ đi chợ hộ tích hợp trong Grab, chị Lài đã nhanh chóng nhận ra lợi ích của việc “lên app" và sớm trở thành đối tác của thương hiệu này. Không chỉ ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về hiệu quả kinh doanh khi có thêm lượng khách mới từ Grab, có thời gian chủ động chuẩn bị đơn hàng và dễ quản lý doanh thu hàng ngày.

Riêng tại thị trường Việt Nam, trong 2 năm trở đây, các dịch vụ tích hợp trong Grab đã gia tăng nhanh chóng. Lần lượt những dịch vụ mới như GrabKitchen, GrabMart, thanh toán không tiền mặt (thông qua liên kết với ví điện tử) Moca, liên kết đặt phòng khách sạn (qua Agoda và Booking.com), đặt tour tham quan (thông qua Klook), thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử hay mới nhất là phân phối các gói bảo hiểm xe cơ giới đã được Grab ra mắt và được người dùng Việt đón nhận tích cực. Điều này cho thấy hướng đi đúng đắn của Grab trên con đường trở thành siêu ứng dụng thật sự, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.

Siêu ứng dụng là phải hiểu người dùng

Những người dùng như chị Thắm hay các đối tác, tiểu thương như chị Lài sẽ cảm nhận rõ ràng nhất lợi ích từ sự xuất hiện của siêu ứng dụng Grab. Đây cũng chính là mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới, khi chuyển mình từ một ứng dụng đặt xe đơn thuần sang cung cấp đa dịch vụ nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Grab,  sieu ung dung anh 3

Siêu ứng dụng mang đến hệ sinh thái trọn vẹn, giải quyết đa dạng nhu cầu người dùng.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, nhận định để vươn mình thành một siêu ứng dụng đúng nghĩa, các ứng dụng không thể chỉ “gom” càng nhiều dịch vụ càng tốt. Thay vào đó, một siêu ứng dụng cần không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm thực sự hiểu người dùng cần gì và thói quen của khách hàng ra sao.

Tại Grab, việc tạo nên một hệ sinh thái toàn diện là chiến lược để doanh nghiệp hướng đến mục tiêu lớn hơn: Trở thành ứng dụng hàng ngày của người dùng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Từ đó, Grab có thể hỗ trợ cho đối tác và người dùng theo cách tốt nhất: Giúp hàng triệu tài xế tăng thu nhập, chia sẻ khó khăn với hàng trăm tiểu thương, hỗ trợ chủ quán ăn "vượt khó", phục vụ người dùng, đóng góp cho cộng đồng.

Grab,  sieu ung dung anh 4

Bà Nguyễn Thái Hải Vân cho rằng trong 7 năm qua, Grab đã góp phần thay đổi thói quen của người Việt.

"Càng ngày mọi người càng mong muốn có giải pháp thuận tiện hơn cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Và để giải quyết được nhiều vấn đề thiết yếu hàng ngày trên cùng một ứng dụng thì không chỉ đơn giản là gom tất cả 10 dịch vụ vào làm một, mà ứng dụng đó phải hiểu rất rõ hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu, thói quen của một người dùng", bà Vân chia sẻ.

Giám đốc điều hành của Grab Việt Nam cũng cho rằng trong 7 năm qua, công ty đã góp phần thay đổi thói quen của người Việt, từ đi lại, ăn uống đến thanh toán. Với việc phát triển thành một siêu ứng dụng, bà Vân tin tưởng Grab sẽ còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dùng Việt Nam.

"Tôi tin rằng Grab có thể làm được nhiều hơn thế. Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để mọi người dân, cả những người có mức thu nhập thấp sống ở vùng sâu vùng xa, đều có thể tiếp cận với công nghệ và trở thành một thành tố trong nền kinh tế số. Ðây chính là sứ mệnh Grab vì cộng đồng mà chúng tôi sẽ tập trung thực hiện trong những năm sắp tới", nữ Giám đốc Điều hành của Grab Việt Nam trăn trở.

Cũng theo bà Vân, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh và sâu rộng hơn những mảng dịch vụ đã ổn định như GrabCar, GrabBike, GrabFood... để tiếp cận nhiều người dùng hơn nữa, phục vụ tốt hơn cuộc sống hàng ngày của họ.

Nhiều nhà phân tích đánh giá cú chuyển mình trở thành siêu ứng dụng của Grab là nước đi thông minh và hợp lý. "Rất khó để kiếm được lợi nhuận tốt từ mảng gọi xe, nhưng nó tạo ra các giao dịch tần suất cao. Trong khi đó, giao đồ ăn có triển vọng tốt về lợi nhuận và sự kết hợp cả hai tạo tiền đề tốt cho dịch vụ thanh toán", giáo sư Nitin Pangarkar của Trường Kinh doanh NUS (Singapore) nhận định.

Trong cuộc đua của các siêu ứng dụng, lợi nhuận không nên là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Doanh nghiệp nào thấu hiểu khách hàng, chứng minh được sự cần thiết của mình trong đời sống hàng ngày sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội, có thể giữ chân và tạo ra được giá trị tối đa cho người dùng.

Mai Lê - Giang Chi Anh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm