Trong buổi làm việc mới đây với các mạng di động, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chốt phương án chuyển mạng giữ nguyên số. Theo đó, chính sách này sẽ được áp dụng từ 1/1/2017, trước mắt cho 3 mạng di động là Viettel, MobiFone và VinaPhone.
Cục Viễn thông cho biết, tháng 12/2015, việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung tại Trung tâm mạng quốc gia để đưa vào chạy thử sẽ hoàn tất. Năng lực hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ cho chính sách trên có thể đáp ứng cho 4 triệu thuê bao chuyển mạng trong 3 năm và không giới hạn số lần chuyển mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chốt phương án chuyển mạng giữ nguyên số, áp dụng vào ngày 1/1/2017. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Anh Nguyễn Hải Vân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh rất háo hức về chính sách trên. Chủ thuê bao này đang dùng mạng Viettel trong khi hầu hết bạn bè và người thân dùng VinaPhone nên muốn chuyển cho cùng mạng với nhiều người.
Có hai cách để anh Vân đổi mạng là thay hẳn số hoặc dùng 2 sim. Tuy nhiên, theo anh, việc đổi số sẽ rất phiền hà bởi số thuê bao này anh đã dùng 20 năm nên có nhiều liên lạc trong danh bạ.
Còn với phương án dùng 2 sim, anh Vân cho hay, điều này đồng nghĩa với việc hàng ngày anh sẽ nhận được lượng tin nhắn rác gấp đôi, thời gian bị làm phiền theo đó cũng tăng lên. Vì thế, anh cho rằng, việc đổi mạng giữ nguyên số là phương án hợp lý nhất mang lại quyền lợi thiết thực cho người dùng thời điểm hiện tại.
Không bằng lòng với cách tính phí của nhà mạng đang dùng, chị Phương Thanh, chủ thuê bao 091xxxxxxx cho biết chị sẽ đổi mạng ngay lập tức nếu chính sách trên được thực thi. Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ, phải đến ngày 1/1/2017, chính sách đổi mạng giữ nguyên số mới được áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc chị phải sử dụng số thuê bao này hơn một năm nữa.
Chị Thanh tỏ ra bi quan, bởi dù đã chốt phương án song hơn một năm nữa là khoảng thời gian khá dài, sẽ có thể có nhiều thay đổi mà người dùng không mong muốn. Chủ thuê bao này cũng băn khoăn về mức cước khi thực hiện chuyển đổi mạng.
Anh Duy Phong, chủ cửa hàng kinh doanh sim số ở Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh không đồng tình phương án đổi mạng, giữ số. Theo người dùng này, việc làm trên đồng nghĩa thương hiệu gắn với đầu số của nhà mạng sẽ không còn nữa, mà chỉ còn số di động chung cho tất cả các mạng.
Khi đó, người dùng sẽ khó phân biệt được đâu là số thuê bao của nhà mạng nào bởi khách hàng không bị hạn chế số lần đổi mạng. Điều này khiến việc định giá chiếc sim của đại lý kinh doanh sẽ gặp khó khăn.
Chia sẻ về chính sách đổi mạng giữ nguyên số, đại diện một nhà mạng lớn cho biết, theo công văn, Bộ yêu cầu các đơn vị trước khi cung cấp phải thử nghiệm trước. Các nhà mạng sẽ chuẩn bị sẵn về mặt kỹ thuật và thử nghiệm tại 3 tỉnh, thành phố, với 300 trạm, trong đó, mỗi tỉnh 100 trạm.
Muốn làm được, các đơn vị sẽ phải gửi công văn xin phép, làm hồ sơ thử nghiệm để đăng ký với Bộ TT&TT. “Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các yêu cầu mà Bộ đưa ra mới có thể được thực hiện, chứ không phải nói thử nghiệm là được ngay”, ông này cho biết thêm.
Còn theo đại diện Viettel, đơn vị này đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển mạng giữ nguyên số, các hệ thống kỹ thuật của nhà mạng sẵn sàng cho việc áp dụng. Một số thị trường nước ngoài mà nhà mạng này đầu tư cũng sẽ áp dụng.
Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều đầu số điện thoại di động. Nhưng theo đánh giá của người dùng, về cơ bản, những đầu số như 090, 091 và 098 vẫn phổ biến, làm nên thương hiệu của các nhà mạng.
Việc áp dụng chính sách đổi mạng giữ nguyên số sẽ khiến ý nghĩa trên không còn. Từ việc này, một số người cũng lo ngại về khả năng nâng cước phí và nhắn tin khác mạng, khiến người dùng khó kiểm soát được khi sử dụng.
Đại diện của MobiFone phân tích, chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ làm cạnh tranh về chất lượng trên thị trường thông tin di động khốc liệt hơn rất nhiều. Vì nếu dịch vụ kém, người dùng sẽ chuyển sang mạng khác mà không phải đổi số - yếu tố khiến họ băn khoăn nhiều nhất khi thực hiện. Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, quá trình thực hiện đổi mạng di động giữ nguyên số cũng không dễ dàng.