Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đồng tính vẫn được gọi vào quân đội

Đối với người đồng tính là công dân Việt Nam nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bình đẳng như công dân khác.

Sau nhiều tranh luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Tại đây, nhiều ý kiến về dự án luật đã được giải trình, trong đó có cả đề nghị nghiên cứu quy định riêng đối với người đồng tính.

Đối với người đồng tính là công dân Việt Nam nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bình đẳng như công dân khác theo điều 45 Hiến pháp quy định “công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, cơ quan giải trình nêu chính kiến.

Một buổi lễ giao quân tại địa phương. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính. Vì vậy đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong Luật Nghĩa vụ quân sự.
Một buổi lễ giao quân tại địa phương. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính, vì vậy đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong Luật Nghĩa vụ quân sự.
Hơn nữa, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính. Vì vậy đề nghị không quy định riêng những người này trong luật.

Báo cáo giải trình cũng đề cập vấn đề còn nhiều loại ý kiến khác nhau là tạm hoãn gọi nhập ngũ với sinh viên đại học chính quy.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 1, cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội - vẫn đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Tuy nhiên, để không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay, theo cơ quan thẩm tra thì cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình cụ thể.

Ở báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình như dự thảo luật Chính phủ trình.

Theo đó, công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian một khóa đào tạo sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Liên quan đến chế độ chính sách đối với binh sỹ tại ngũ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển từng đề nghị nên mở rộng hơn việc tạm hoãn trả nợ ngân hàng với người được gọi nhập ngũ. Nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị bỏ quy định được hoãn trả nợ khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc chung là “được tạm hoãn trả và không tính lãi suất đối với khoản nợ vay từ ngân hàng chính sách xã hội” nhằm thể hiện chính sách ưu tiên đối với công dân được gọi nhập ngũ mà trước đó đã được vay tiền của ngân hàng, nhằm giảm bớt khó khăn cho họ trong thời gian phục vụ tại ngũ. Còn nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tiễn.

Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20 tới đây, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua.

http://vneconomy.vn/thoi-su/nguoi-dong-tinh-van-duoc-goi-vao-quan-doi-20150428082531142.htm

Theo Nguyễn Lê/Thời báo kinh tế Việt Nam

Bạn có thể quan tâm