Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình tìm lại cuộc đời gian nan của người chuyển giới

Không giấy tờ tùy thân, không bằng cấp, không được người thân, xã hội chấp nhận… đó là thực trang chung của nhiều người chuyển giới hiện nay.

Con đường để họ có được một công việc, nghề nghiệp ổn định như bao người trong xã hội gian nan bội phần.

Một khi quyết định sống thật với bản thân, thể hiện mình khác với giới tính sinh học, người chuyển giới bắt đầu quá trình đầy khó khăn và thách thức không chỉ trong những mối quan hệ với gia đình, trong việc tìm kiếm người yêu và chấp nhận họ, rủi ro về sức khỏe, mà còn đối mặt với một sự thật sẽ rất khó xin được việc làm.

Rửa bát cũng không thuê

Người chuyển giới gồm hai nhóm chuyển giới từ nam sang nữ và chuyển giới từ nữ sang nam. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) thì người chuyển giới từ nữ sang nam thường được học hành và có công việc ổn định hơn người chuyển giới từ nam sang nữ. 

Công việc chủ yếu mà người chuyển giới nam sang nữ có thể làm thường là các công việc độc lập như dịch vụ làm đẹp (trang điểm, làm đầu…), hay biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, ngay khi tìm được những công việc bình thường nhất họ vẫn bị kỳ thị hoặc đuổi việc.

“Mình muốn làm con gái nên đi xin việc làm rất là khó khăn, cũng có xin làm rửa bát ở một quán Hàn Quốc, vào trong đó làm, bà chủ cho mình làm bình thường. Có điều là ba của bà chủ, ông lớn tuổi rồi, ông không thích như vậy. Nên mình mới làm đó một tuần thì nghỉ” - Nhi một người chuyển giới từ nam sang nữ, 27 tuổi, ở TP HCM, bộc bạch.

Được học qua trường Múa rất bài bản, tuy nhiên, cũng có lúc Dung (một người chuyển giới từ nam sang nữ, ở Bến Tre) phải ngậm ngùi làm thêm công việc hát đám ma, đám cưới để kiếm sống. Lý do của Dung là: “Kể từ ngày quyết định lộ hẳn ngoại hình là gái, nhiều lần, đồng nghiệp không cho em múa chung. Họ bảo, nếu có pê-đê trong show, họ sẽ không diễn nữa. Thế là ông chủ đoàn múa đành gạt em ra. Em phải hát thêm ở đám ma, đám cưới mới đủ tiền sống”.

Bóng Bảy là biệt danh của một người chuyển giới nữ đang sống cùng gia đình trên một cái ghe neo gần cầu Chánh Hưng (quận 8, TP HCM). Bóng Bảy không có nghề nghiệp ổn định với lý do ngoại hình “chỏi nhau” với giới tính thật trong giấy chứng minh. 

Buổi tối, Bóng Bảy thường trang điểm và loanh quanh ở những quán nhậu, quán hát với nhau ở gần khu Bảy sống. Ai thuê gì, Bảy làm nấy, ai thuê hát, Bảy cũng hát để được cho tiền: “Tối có gì để làm thì mai có cái ăn, tối nào đi vòng vòng hoài mà không được ai thuê thì mai nhịn”.

Hát đám ma và “đứng đường”

Không ít người phải chọn công việc hát đám ma hay làm gái để kiếm sống. “Em mướn nhà cùng nhóm bạn hát chung đám ma với mình. 8 đứa tất cả. Tụi em đứa nào cũng có ước mơ làm con gái, nhưng không được gia đình đồng ý. Tụi em phải bỏ nhà đi, tập hợp lại với nhau rồi rủ nhau đi hát show đám ma.

Ở Sài Gòn, pê-đê chỉ hát đám ma là dễ nhất nhưng thu nhập bèo bọt lắm. Chỉ được 80.000 đến 100.000 đồng/ngày. Có hôm cả nhóm mà em gom lại được 200.000 đồng/ngày. Mà 200.000 đồng sao mà nuôi được 8 miệng ăn? Bữa nào cũng chỉ có rau muống với đậu hũ” - Kỳ (một người chuyển giới nữ, TP HCM) kể.

Công việc hát đám ma của mình bèo bọt và có lúc đầy tủi nhục, cay đắng: “Có những lúc tụi em bị đánh ngay tại đám ma. Hoặc đang hát thì công an đến bắt, không cho hát, do hàng xóm phản ánh gây mất trật tự buổi đêm. Mà lúc hát thì bị người ta sờ mó. Kiểu hát ở đây người ta nhét tiền vô áo, nhiều lúc thấy nhục vô cùng”.

“Em muốn có việc làm đàng hoàng cho những người ở thế giới thứ 3 như em. Trước đây em chỉ định xin làm ở quán ăn, chỉ để rửa bát thuê. Nhưng mà người ta nói thẳng là ở đây không thuê pê-đê. Thế là bây giờ, em phải ra đứng đường để kiếm sống”. Một người chuyển giới nữ, 27 tuổi, TP HCM nói với iSEE.

Hơn 24% người chuyển giới nữ đang thất nghiệp

Tháng 10/2013, iSEE thực hiện một nghiên cứu “Việc làm của người chuyển giới nữ - Thực trạng và thách thức”. Nghiên cứu tập trung đến mục tiêu tìm hiểu về thực trạng việc làm và những rào cản, thách thức trong việc tìm kiếm việc làm đối với nhóm chuyển giới từ nam sang nữ trên 18 tuổi, đang sống ở TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh như Đồng Nai, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Tây Ninh, Tiền Giang…

Một người chuyển giới nữ chưa có công việc ổn định, đang phụ giúp gia đình.
Một người chuyển giới nữ chưa có công việc ổn định, đang phụ giúp gia đình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 21,5% số người chuyển giới từ nam sang nữ có việc làm toàn thời gian; 8,72% có công việc nhưng không thường xuyên; 18,6% vừa đi học vừa đi làm. Số người chưa từng đi làm chiếm tới 15,7% và đặc biệt, hiện có 24,4% người chuyển giới nữ đang thất nghiệp.

Theo nghiên cứu, phần lớn, người chuyển giới nữ hiện đang phải phụ thuộc vào những công việc tự do, bấp bênh: 12,4% tự kinh doanh; 15,7% không có công việc ổn định, đang phụ giúp gia đình; 6,7% là thợ làm tóc, trang điểm. Có đến 5,6% đi hát hội chợ, đám ma và 7,9% đi ca hát, biểu diễn thời trang.

Đáng chú ý, có 2,2% người chuyển giới nữ tham gia khảo sát thừa nhận họ đang phải “đứng đường” để kiếm sống. Tuy nhiên, đây chỉ là sự thừa nhận mang tính tự giác. Nhóm tác giả cho rằng, con số người chuyển giới nữ làm công việc này phải lớn hơn 2,2% rất nhiều. Bởi có rất nhiều người chuyển giới tham gia khảo sát bỏ lửng câu trả lời về công việc hiện tại của họ.

Nói về những trải nghiệm ở nơi làm việc, nhiều người chuyển giới nữ tham gia khảo sát cho biết, họ thường xuyên phải đối mặt với việc bị cấp trên và đồng nghiệp quấy rối tình dục, trêu chọc, kỳ thị. Nhiều người từng bị đuổi việc vì bộc lộ giới tính thật. Bên cạnh đó, nhiều người chuyển giới bị đối xử không công bằng, bị trả lương thấp hơn và ép làm việc nặng hơn những nhân viên khác.

Anh Huỳnh Minh Thảo, Phụ trách Truyền thông của Trung tâm ICS (Trung tâm làm về quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới) cho rằng, năng lực làm việc đối với hai nhóm chuyển giới từ nam sang nữ và từ nữ sang nam là như nhau. Tuy nhiên, nhóm chuyển giới từ nam sang nữ lại chịu những thiệt thòi và gặp khó khăn khi tìm việc nhiều hơn nhóm kia. 

Anh phân tích, định kiến giới vẫn xem trọng nam hơn nữ. Những người chuyển giới từ nam sang nữ lại hay bị cái nhìn chung cảm thấy phán xét, khó được xã hội chấp nhận hơn.

Nhóm này chịu nhiều áp lực, bị kỳ thị nhiều hơn. Nếu họ bộc lộ giới tính quá sớm, thông thường, việc học của họ cũng trở nên khó khăn, đa số phải nghỉ học giữa chừng, tìm việc khó hơn vì không có bằng cấp. 

Bên cạnh đó, do đặc thù giới, xu hướng cuộc sống, nên phần lớn những người chuyển giới nữ chỉ làm được những công việc mang tính giải trí và nghệ thuật như trang điểm, hát đám ma, hát hội chợ, biểu diễn xiếc, làm móng tay, móng chân…

“Với những người chuyển giới nữ, nhà tuyển dụng thường có suy nghĩ đó là những người sẽ không làm tốt việc, sống ồn ào. Nhà tuyển dụng luôn e ngại có những rủi ro khi tuyển dụng người chuyển giới nữ và lo ngại phải mất thời gian giải quyết những rắc rối do họ gây ra ở nơi làm việc. Do đó, doanh nghiệp rất hạn chế tuyển dụng người chuyển giới nữ. Phải là một nhà tuyển dụng có sự thấu hiểu, có sự tôn trọng quyền con người, suy nghĩ cởi mở mới có thể tuyển dụng những người chuyển giới nữ” - anh Thảo phân tích.

Thâm nhập thế giới 'Pê đê': Trớ trêu tạo hóa

Khoác trên mình dáng hình đàn ông thế nhưng tâm hồn, tính cách họ lại là phụ nữ và ngược lại. Không ít trong số họ cảm thấy đau khổ, bế tắc vì luôn phải giấu đi chính mình.

http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bai-1-tran-trui-viec-lam-nguoi-chuyen-gioi-312446.bld

Theo Khương Quỳnh/Lao động

Bạn có thể quan tâm