Khi đến Nhật Bản, nhiều người nước ngoài sẽ ngỡ ngàng trước hệ thống thư viện hiện đại và phủ khắp đất nước này, cũng như số lượng sách báo được mượn từ thư viện.
Trong đời sống xã hội hiện đại, hệ thống thư viện công của Nhật Bản đã có vai trò rất lớn. Điều đó là do người Nhật đã có truyền thống thư viện lâu đời kết hợp học hỏi kinh nghiệm, mô hình từ phương Tây rất sớm. Người đầu tiên giới thiệu hệ thống thư viện phương Tây vào Nhật Bản là Fukuzawa Yukichi (1835-1901).
Fukuzawa Yukichi. Ảnh: The Japan Times. |
Những chuyến đi tới Mỹ, châu Âu và sự gặp gỡ với thư viện
Fukuzawa Yukichi là nhà khai sáng, giáo dục nổi tiếng của nước Nhật thời cận đại. Tên tuổi của ông gắn liền quá trình nước Nhật chuyển mình học hỏi phương Tây trong thời kỳ Mạc mạt và đầu thời Minh Trị.
Xuất thân trong gia đình võ sĩ có người cha say mê Hán học, ông sớm nhận ra thời thế của Hán học đã hết nên chuyển sang Hà Lan học. Nhờ nghiều người giúp đỡ, ông đã có cơ duyên được học với những người thầy Hà Lan học nổi tiếng nhất thời bấy giờ như Ogata Koan.
Trong một lần dạo phố ở Yokohama, ông nhận ra tiếng Anh mới thật sự là chìa khóa mở cửa đi sâu vào văn minh phương Tây. Từ đó, ông say mê học tiếng Anh trong bối cảnh không có cả từ điển Anh - Nhật.
Ông học chủ yếu nhờ vào từ điển Anh - Hà Lan và trò chuyện với những trẻ em từng sống ở Nagasaki (nơi được phép tiếp xúc người nước ngoài), hoặc những người phiêu bạt. Kết quả của những năm tháng dùi mài ngôn ngữ phương Tây đã đem lại cho ông trải nghiệm vô cùng quý giá là xuất ngoại tới châu Âu và Mỹ.
Năm 1860, Mạc phủ cử một phái đoàn ngoại giao đi trên con tàu Kanrinmaru sang Mỹ và sau đó là châu Âu. Vượt biển từ Nhật sang Mỹ thời đó, cho dù kỹ thuật hàng hải của Nhật đã tiến bộ, vẫn là chuyện mạo hiểm, nhưng Fukuzawa đã tình nguyện đi vì ông muốn trực tiếp quan sát văn minh phương Tây.
Khi đến Mỹ, thứ gì cũng làm ông ngạc nhiên, từ chuyện người Mỹ đi giày vào nhà, dẫm lên cả thảm, tới xe ngựa, rượu Champane, khiêu vũ, trai gái đi cùng nhau… Ông ví cảm giác của ông ở Mỹ là lóng ngóng và luôn giữ ý như nàng dâu mới về nhà chồng.
Sau khi ở Mỹ về, ông được Mạc phủ thuê làm nhân viên dịch các văn bản ngoại giao. Năm 1861, ông lại đi châu Âu cùng đoàn sứ giả của Mạc phủ và được nhận lương. Ông có một năm công du ở trời Âu. Đoàn đã đi qua nhiều nước như Singapore, Ai Cập, Hy Lạp, Pháp, Anh, Hà Lan, Phổ (Đức), Nga, Bồ Đào Nha…
Trong chuyến đi này, nhờ năng lực tiếng Anh khá hơn ở mức “đã đọc và nói được tiếng Anh”, lại có được tiền lương của Mạc phủ, ông mua rất nhiều sách tiếng Anh.
Trong Phúc Ông tự truyện, ông kể: “Khi nghỉ lại ở London, tôi không mua gì mà dồn hết tiền vào chỉ để mua sách. Đó có thể coi là khởi đầu của việc nhập khẩu sách từ nước ngoài về Nhật và việc tôi có thể dùng sách riêng một cách thoải mái cũng được bắt đầu từ đó”.
Thư viện Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Giới thiệu hệ thống thư viện phương Tây
Những điều ông đã thấy ở Mỹ trước đó, đặc biệt là trong chuyến đi châu Âu lần này, đã thôi thúc ông phải ghi chép để lấy tư liệu và viết gì đó để giới thiệu tới người Nhật.
Đó là động lực, lý do dẫn đến tác phẩm Tây Dương sự tình sau này. Bản thân Fukuzawa Yukichi đã kể về lý do ra đời Tây Dương sự tình trong Phúc Ông tự truyện: “Xin được nói về dự định của tôi trong chuyến chu du châu Âu. Khi còn ở Nhật, mỗi khi đọc sách có những từ không hiểu, tôi có thể tra cứu từ điển. Nhưng không gì dễ hiểu bằng gặp trực tiếp người bản địa và hỏi họ".
"Đối với người học ngoại ngữ, khó nhất là những điều không ghi trong từ điển. Vì thế, tôi định trong thời gian ở nước ngoài sẽ phải hỏi người bản địa những điều đã tra cứu trên sách vở mà vẫn chưa rõ. Theo hướng này, khi suy đoán thấy một nhân vật nào tương đối tầm cỡ, tôi dốc sức vào tìm hiểu về họ, hỏi han dần dần và ghi chép lại.
Khi trở về Nhật, tôi lấy những ghi chép này làm nền tảng chính, sau đó tra cứu thêm các sách vở khác, chắp nỗi những điều nhớ được và viết cuốn Seiyo Jijo (Tây Dương sự tình)”.
Bìa cuốn Phúc Ông tự truyện. Ảnh: Alphabooks. |
Cuốn Tây Dương sự tình ghi chép những điều ông mắt thấy tai nghe ở Âu Mỹ. Tác phẩm này tổng cộng gồm 10 cuốn. Ba cuốn sơ biên được ông xuất bản năm 1866, sau khi đi Mỹ (1867). Ông xuất bản ba cuốn ngoại biên (1868) và năm 1870 thì xuất bản hai cuốn tục biên.
Trong tác phẩm này, ông giới thiệu về chế độ chính trị, thuế, quốc trái, tiền giấy, công ty, khoa học - kỹ thuật, quân sự, bệnh viện, tàu điện…của các nước Âu Mỹ.
Đặc biệt, ở đây, ông cũng giới thiệu về thư viện hay phòng đọc sách nằm trong bảo tàng đế quốc Anh đương thời (British Museum Reading Room).
Ngoài giới thiệu về cơ cấu, cách thức tổ chức của thư viện, ông còn giới thiệu cả về cách thức các cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp và tặng sách cho thư viện. Đây là lần đầu tiên một người Nhật giới thiệu thư viện phương Tây và mô hình tổ chức của nó vào Nhật Bản.
Trong bối cảnh nước Nhật đang sục sôi “khai hóa văn minh”, “thực sản hưng nghiệp” khi đó, Tây Dương sự tình trở thành sách bán chạy và được săn lùng ráo riết. Kết quả là trên thị trường xuất hiện cả sách lậu, sách giả.
Trước tình hình đó, Fukuzawa Yukichi đã đăng quảng cáo trên tờ Trung ngoại tân văn ngày 5/10/1868 để cảnh báo và nhấn mạnh khái niệm quyền xuất bản vốn là thứ còn mới mẻ ở Nhật Bản khi đó.
Nhật Bản vốn trước đó đã có các thư viện của các trường học dành cho võ sĩ, thư viện nằm trong các trường của phiên (sau đổi thành tỉnh). Giới võ sĩ cũng như chính quyền Mạc phủ có mối quan tâm lớn đến thư viện và sách vở.
Vì vậy, khi những thông tin về thư viện phương Tây trong Tây Dương sự tình được lan truyền, ảnh hưởng của nó lớn và nhanh chóng tác động đến những nhà lãnh đạo nước Nhật và xã hội.
Kết quả là động thái xây dựng các thư viện hiện đại theo mô hình của phương Tây xuất hiện. Kiến nghị xây dựng thư viện kiểu mới do Ichikawa Seiryu được trình lên chính quyền Minh Trị (5/1872) để rồi sau đó các thư viện kiểu mới được lập ra trong Bộ giáo dục, Bộ Nội vụ.
Cũng trong năm 1872 này, thư viện Kyotoshushoin được lập ra ở Kyoto và đây được coi là thư viện công đầu tiên của Nhật Bản hiện đại.
Những tiếng nói kêu gọi xây dựng thư viện quốc gia dâng cao và ngày 22/4/1897, chính phủ ban bố “Đế quốc thư đồ quán quan chế” khai sinh ra “Thư viện đế quốc” lẫn nghề “thủ thư”.
Năm 1947, dưới tác động của Hiến pháp 1946 với ba trụ cột là “hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền”, “Thư viện đế quốc” đổi tên thành “Thư viện quốc gia” và đến 1949 thì trở thành “Thư viện Quốc hội Nhật Bản” và tồn tại, hoạt động cho tới tận ngày nay.