Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sự nghiệp văn học của Bác là kết tinh văn hóa dân tộc'

GS Phong Lê nói hạnh phúc của những người làm nghiên cứu như ông là được tìm hiểu về các giá trị trong tác phẩm do Bác viết.

Trong khuôn khổ triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (khai mạc sáng 19/5), GS Phong Lê giao lưu với bạn đọc qua mạng với chủ đề thơ văn Hồ Chí Minh.

GS Phong Lê nhấn mạnh Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là danh nhân văn hóa thế giới. Khi nói về Bác, chúng ta không chỉ nhắc tới khía cạnh cách mạng là người yêu nước, luôn nghĩ tới tự do, hạnh phúc cho nhân dân, Người còn là danh nhân văn hóa.

Nửa thế kỷ thơ văn Hồ Chí Minh

Theo GS Phong Lê, rất nhiều điều có thể nói về tư chất văn hóa của Hồ Chí Minh, càng theo thời gian, càng thấy được tầm cao của sự nghiệp văn hóa mà Người để lại. Tuy nhiên, trong khuôn khổ buổi tọa đàm, ông chọn nhắc tới khía cạnh tác phẩm văn học, báo chí, chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây cũng là khía cạnh mà GS Phong Lê dày công nghiên cứu, kết quả được trình bày trong cuốn Nửa thế kỷ thơ văn Hồ Chí Minh. Công trình vừa được trao giải A tại Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cuốn sách mang chủ đề xuyên suốt trong sự nghiệp nghiên cứu của GS Phong Lê: Các giá trị vừa thời sự, vừa vĩnh cửu của thơ văn Hồ Chí Minh. Qua nghiên cứu thơ văn, tác giả làm sáng tỏ nguồn sức mạnh tinh thần vĩ đại Hồ Chí Minh đã đem lại cho dân tộc Việt Nam.

Cùng sự nghiệp cách mạng, Bác có sự nghiệp viết trải dài 50 năm, tính từ bài đầu tiên mang tên Nguyễn Ái Quốc năm 1919 tới bản Di chúc năm 1969.

Su nghiep tho van Ho Chi Minh anh 1

Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập tập hợp những bài viết, tác phẩm của Người.

Năm 1919, người thanh niên yêu nước ký tên “Nguyễn Ái Quốc” thay mặt Hội những người An Nam yêu nước gửi bản yêu sách 8 điểm viết bằng tiếng Pháp tới hội nghị Versailles.

Từ đó cho tới văn bản cuối cùng Người để lại (bản Di chúc năm 1969), thời gian tròn 50 năm. Trong 50 năm ấy, có bao bài viết chính luận sắc sảo, tác phẩm văn chương ra đời.

Những năm 1917-1923, Bác ở châu Âu viết báo, làm báo Người cùng khổ. Bác có nhiều tác phẩm có giá trị văn học. Đó có thể là Bản án chế độ thực dân Pháp, những tiểu phẩm, ký, truyện ngắn với phong cách hiện đại.

Người cũng sáng tác truyện ngắn như: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922, đăng trên báo Nhân Đạo), Con người biết mùi hun khói (1922, Nhân Đạo), Vi hành (1923, Nhân Đạo), Đoàn kết giai cấp (1924, Người cùng khổ), Con rùa (1925, Người cùng khổ), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925, Người cùng khổ)…

Những năm 1941-1945, Bác về nước. Tác phẩm của Người ở giai đoạn này mở đầu với những bài thơ viết ở hang Pác Bó và kết thúc bằng Tuyên ngôn độc lập.

Năm 1942-1943, Người viết Nhật ký trong tù. Tập thơ viết trong tù là bức chân dung tự họa chân thực nhất về Hồ Chí Minh. 17 năm sau, chúng ta phát hiện ra, Viện Văn học đã dịch và xuất bản tác phẩm.

Sau này, Bác còn có những văn bản như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, lời kêu gọi Không có gì quý hơn Độc lập Tự do, Di chúc... Trong các văn bản ấy, ta có thể rút ra những giá trị văn học.

Su nghiep tho van Ho Chi Minh anh 2

GS Phong Lê. Ảnh: Lê Phú/Tin Tức.

Sự nghiệp văn chương song hành cách mạng

Suốt 30 năm xa xứ và khi trở về Tổ quốc, Bác luôn viết không ngừng nghỉ, tạo ra những sản phẩm lớn không chỉ với Việt Nam, mà với cả nhân loại. Bác sử dụng nhiều ngôn ngữ: Tiếng Pháp, tiếng Việt, Hán văn, và trong những giờ phút trọng đại nhất, Bác viết những áng thiên cổ hùng văn.

GS Phong Lê nói sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh lớn lao ở tầm thế giới, được thế giới am hiểu, và tôn vinh “Danh nhân văn hóa”.

“Bác có sự nghiệp văn hóa được thế giới am hiểu, là bài học lớn cho họ. Những người biết về Bác, đánh giá đúng về Bác là những trí thức lớn thế giới. Tại Pháp, Bác là bạn của những nhà văn hóa thời đó. Tầm của Bác là tầm của nhân loại”, GS Phong Lê nói.

Sự nghiệp văn thơ của Hồ Chí Minh luôn song hành sự nghiệp cách mạng. Người hoạt động cách mạng mưu cầu độc lập, tự do dân tộc thì cần vũ khí, ai có giáo cầm giáo, ai có gươm cầm gươm. Nhưng bên cạnh khí giới, Người còn sử dụng “vũ khí của tiếng nói” như lời Karl Marx.

Thơ văn Bác soi sáng tư tưởng, nghề nghiệp của chúng ta.

GS Phong Lê

Thơ văn Hồ Chí Minh không chỉ cho thấy thế giới nội tâm, tư tưởng nhân văn của Người; ở đó luôn có bài học cho muôn đời.

“Vì thế, nghiên cứu thơ văn về Bác không bao giờ hết. Thơ văn Bác soi sáng tư tưởng, nghề nghiệp của chúng ta”, GS Phong Lê đúc kết.

Về thơ văn Hồ Chí Minh, GS Phong Lê cho rằng đó là thế giới khôn cùng cho người đọc khám phá. Với ông, mỗi lần nói đến thơ văn của Bác là một lần xúc động. Nghiên cứu thơ văn Hồ Chí Minh là đề tài mà ông theo đuổi 40 năm.

“Tôi chọn thơ văn của Bác để nghiên cứu bởi Người có sự nghiệp văn học đồ sộ, kết tinh cao nhất, tinh hoa văn hóa dân tộc”, GS Phong Lê nói.

Với cá nhân GS Phong Lê, ông được tiếp xúc Bác khi còn là sinh viên khóa đầu tại Đại học Tổng hợp, Bác đến nói chuyện tại trường. Có những lần ông được đứng xa nghe, nhìn Bác. Khi làm ở Viện Văn học, ông được chứng kiến những nhà phê bình, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nam Trân, Tố Hữu… thực hiện dịch cuốn Ngục trung nhật ký ra tiếng Việt.

Ông nói: “Xung quanh tác phẩm của Bác tỏa ra nhiều giá trị mà ta có thể học hỏi được. Hạnh phúc của một người nghiên cứu, làm nghề như chúng tôi là được suy nghĩ, nghiền ngẫm, tìm hiểu tác phẩm của Người”.

'Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn'

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng lớn cho văn nghệ sĩ, vấn đề là tạo ra môi trường, kiến thức để có tác phẩm xứng tầm.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm