Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khuyến khích trẻ đọc sách để giảm bạo lực học đường và vô cảm

Nhà văn của thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh, tác giả sách Nguyễn Thị Ngọc Minh cùng các nhà báo và nhà giáo đóng góp ý kiến giúp trẻ em có thói quen đọc sách tại tọa đàm sáng 19/4.

Tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?" diễn ra tại TP.HCM vào sáng 19/4. Đây là hoạt động nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị với UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Tọa đàm có sự chủ trì của ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và ông Đỗ Văn Dũng - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

ngay sach viet nam anh 1
Ban chủ trì tại tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?" tại TP.HCM vào sáng 19/4.

Thói quen đọc của Nguyễn Nhật Ánh thời thơ ấu

Tại tọa đàm, nhiều người tâm đắc với nhận định của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi suốt ngày chỉ cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả 'khám phá kho báu tri thức' hay 'nâng cao văn hóa đọc' giống như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không".

Chính vì vậy, theo nhà văn, thói quen đọc sách cần được xây dựng trong gia đình, từ thời thơ ấu. Vừa trở về từ Hội sách Hải Châu ở Đà Nẵng, Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông rất xúc động trước hình ảnh trẻ em Đà Nẵng được bố mẹ, anh chị đưa đi hội sách.

Ở các địa phương, văn hóa đọc chưa phát triển như ở những thành phố lớn, nhưng “nhà văn của tuổi thơ” tin thói quen nào cũng sẽ có thời gian để học cách bắt đầu.

ngay sach viet nam anh 2
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tin vào giá trị của việc xây dựng thói quen nghe kể chuyện và đọc ngay từ trong gia đình.

Nguyễn Nhật Ánh kể lại câu chuyện về chính ông thời thơ ấu. Mỗi tối trước khi đi ngủ, các anh em ông chen chúc giành giật nhau để được nằm cạnh bà nghe kể chuyện. Nếu người bà kể Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hia bảy dặm thì người chú lại kể chuyện về Tôn Ngộ Không, Na Tra, Aladin và cây đèn thần, Alibaba và bốn mươi tên cướp…

Từ việc nghe kể chuyện, trẻ em sẽ tìm đến sách để tự đọc như một hoạt động nối dài, một nhu cầu tự nhiên. Bản thân nhà văn được người chú khuyến khích, tự học chữ để đọc sách. Đến khi lên lớp 9, cậu thiếu niên Nguyễn Nhật Ánh lại trở thành người kể chuyện cho đàn em nhỏ.

"Trẻ em đến với sách trước hết vì niềm vui. Các em đọc sách là do thích thú chứ không phải do nghĩa vụ. Từ xưa, chúng ta vẫn nói 'thú đọc sách’ đó thôi", Nguyễn Nhật Ánh nhận định.

"Ngay cả khi các em lớn lên, trở thành các nhà nghiên cứu, tôi tin rằng trước khi khai quật các vỉa chữ bằng thao tác khoa học, các nhà nghiên cứu đó vẫn tiếp cận sách bằng thái độ thích thú thơ trẻ của đứa bé năm xưa", nhà văn nói thêm.

Thêm thấu cảm, đẩy lùi bạo lực học đường

Lý giải về việc sách làm tăng thấu cảm, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội) kiêm người sáng lập dự án "Sách ơi mở ra", dẫn nghiên cứu của 2 nhà tâm lý học Raymond Mar và Keith Oatley (Canada).

Nghiên cứu này chỉ ra: "Việc đọc, đặc biệt là đọc văn chương hư cấu có khả năng làm gia tăng năng lực thấu cảm của con người, giúp con người hiểu hơn về chính mình cũng như về người khác, từ đó có cách ứng xử tử tế hơn".

ngay sach viet nam anh 3
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, tác giả cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon.

Song song với các phương pháp khác, hoạt động khuyến đọc của nhà trường mang lại hiệu quả lớn. "Giá trị bản thân của học sinh có chuyển biến rõ rệt", cô Chinh khẳng định, "Thái độ, hành vi, cách cư xử của học sinh hòa nhã, thân thiện hơn, giảm bớt vấn đề bạo hành giữa học sinh với học sinh".

Đồng quan điểm là cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, thủ thư trường tiểu học Trần Văn Ơn (TP.HCM), cho biết thư viện tổ chức nhiều chuyên đề đọc để giúp học sinh vừa đọc, vừa thảo luận về kiến thức mới.

Trong số đó, có chuyên đề "Một góc nhìn" với nhiều đầu sách về những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, giúp gieo mầm tính cách, giáo dục đạo đức và đưa ra những bài học về lòng nhân ái, sự chia sẻ với cộng đồng.

"Mong rằng những cuốn sách này sẽ góp phần đẩy lùi nạn bạo lực học đường, lối sống vô cảm của trẻ em hiện nay", cô Tuyết bày tỏ.

Kinh nghiệm Singapore: Kỳ nghỉ 35 ngày đọc 25 cuốn sách

Nhà báo Lê Nam, người đang định cư tại Singapore cùng gia đình, chia sẻ kinh nghiệm từ việc khuyến đọc ở trường tiểu học Farrer Park của con trai anh, cậu bé Nguyễn Tri Hà Quang, tại Singapore.

Cụ thể, mỗi học kỳ, các học sinh buộc phải hoàn tất reading log (bảng thông tin sách đã đọc) gồm tối đa 25 cuốn. Điều bắt buộc là trong cặp học sinh luôn có ít nhất một cuốn sách để đọc khi rảnh ở trường.

"Mỗi sáng, trước khi chào cờ, học sinh ngồi ở hành lang mở sách đọc", anh Nam mô tả, "Hình ảnh học sinh tay cầm cuốn sách nhỏ không hiếm thấy trong sân trường. Học sinh đọc sách và yêu thích nhân vật nào đó sẽ được thầy cô, phụ huynh hỗ trợ hóa trang thành nhân vật đó và tham gia sự kiện Character Day của lớp và trường".

ngay sach viet nam anh 4
Nhà báo Lê Nam chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của con trai đang học tiểu học ở Singapore.

Ở trường Farrer Park, học sinh được chia thành 4 nhà: nhà chim ưng, chim cắt, nhà chim bói cá, nhà đại bàng. Việc mỗi học sinh đọc sách sẽ được cộng điểm cho mỗi nhà và trở thành điểm thi đua trong cả năm. Học sinh đọc nhiều sách được tuyên dương trước toàn trường và có quà tặng.

Đặc biệt, ở Singapore, trường học có đặt ra số lượng sách cần đọc trong các kỳ nghỉ. Cụ thể, một năm học có 2 kỳ nghỉ ngắn (10 ngày) và 2 kỳ nghỉ dài (5 tuần, tức 35 ngày). Khi nghỉ ngắn, học sinh phải đọc ít nhất 10 cuốn sách, còn khi nghỉ dài phải đọc ít nhất 25 cuốn sách.

Trong tham luận gửi đến tọa đàm, nhà báo Nguyễn Thanh Tuấn - thư ký tòa soạn Zing.vn, cho biết Singapore đứng thứ nhì thế giới về kỹ năng đọc, theo xếp hạng của tổ chức IEA về Tiến bộ đọc quốc tế năm 2016.

"Mấu chốt của văn hóa đọc thành công ở Singapore xuất phát nhiều từ trường học", nhà báo Thanh Tuấn viết. Có các phương pháp như: "Silent reading", tức 15 phút đọc im lặng trước giờ học; yêu cầu học sinh đọc sách mỗi khi rảnh và phong trào đọc toàn quốc.

Phong trào đọc toàn quốc của Singapore bắt đầu từ 2016 và thực hiện trong 5 năm với mục tiêu giúp người dân “Đọc nhiều, đọc rộng và đọc cùng nhau” (Read More, Read Widely and Read Together). Phong trào này khuyến khích người dân đọc thường xuyên hơn, đọc nhiều thể loại, ngôn ngữ mới và đọc cùng gia đình, bạn bè.

Thậm chí, người Singapore còn sáng tạo chương trình "Books and Beer" nhắm vào người lớn: trao đổi sách cũ khi uống bia với nhau trong nhóm khoảng 35 người.

Nhà trường Việt cần tiết đọc sách chính thức

Kết lại tọa đàm, ông Lê Hoàng kêu gọi các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại bên cạnh những thành tựu đạt được. Vấn đề chính sách và sự chung tay của Bộ Giáo dục Đào tạo cũng được đặt ra.

Ông Lê Hoàng nhận định: "Các nước phát triển trên thế giới hay trong khu vực như Singapore và Malaysia đều có tiết đọc sách trong khung giờ chính thức ở trường học. Nhưng tại Việt Nam, đa số trường không có tiết đọc sách, một số trường phải tự thân tổ chức. Có phải đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở thói quen đọc sách của trẻ?".

Do đó, hầu hết tham luận thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình học có tiết, giờ đọc sách chính thức, áp dụng cho tất cả trường phổ thông trên cả nước.

'Ngày sách Việt Nam' chấn hưng nét đẹp văn hóa lâu đời

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam diễn ra sáng nay, với nhiều câu chuyện sâu sắc, truyền cảm hứng về sách.







Mi Ly

Ảnh: Mi Ly

Bạn có thể quan tâm