Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ngày sách Việt Nam' chấn hưng nét đẹp văn hóa lâu đời

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam diễn ra sáng nay, với nhiều câu chuyện sâu sắc, truyền cảm hứng về sách.

Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2 của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam diễn ra sáng 18/4 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Tham dự hội nghị có ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ,  ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Đức Đam - Phó thủ tướng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam...

'Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm'

“Cách đây 200 năm, Cao Bá Quát từng nói ‘Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đã mở đầu bài phát biểu khai mạc. Bộ trưởng khẳng định, ham đọc sách, hiếu học vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt.

Theo ông Hùng, mấy chục năm gần đây, cùng với những lo toan vật chất, kinh tế, lượng người đọc sách ở Việt Nam ngày càng ít. Chỉ 30% người dân thường xuyên đọc sách, 26% không đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian đọc sách hàng tuần cao nhất ở Ấn Độ gần 11 giờ, Nhật Bản 4 giờ, Hàn Quốc 3 giờ, Việt Nam khoảng 1 giờ. Người Việt Nam thụ hưởng khoảng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng 2,3 trong đó là sách giáo khoa.

Ngay Sach Viet Nam anh 1
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị.

Năm 2014, Chính phủ lấy ngày 21/4 để tôn vinh giá trị sách, nâng cao trách nhiệm, vai trò các tổ chức, cá nhân với đọc sách. Một cá nhân, một dân tộc muốn phát triển cần thích ứng với nhịp sống tăng tốc, thay đổi từng ngày ấy bằng một cách đơn giản: liên tục học, liên tục đọc cả đời.

Ngày sách Việt Nam ra đời, được lấy cảm hứng từ ngày 21/4 - ngày xuất bản cuốn sách Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Tác phẩm với sức vóc lớn lao đã vượt qua lãnh thổ nước Việt vươn ra thế giới, lan tỏa sự ảnh hưởng đến khắp những đất nước, những dân tộc cùng khổ, vùng lên.

Tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Với việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này còn thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại.

Phát triển xuất bản phẩm điện tử

Ngay từ năm đầu tiên thực hiện Ngày Sách Việt Nam, 21/4/2014, Bộ Thông tin Truyền thông đã triển khai nhiều kế hoạch với quy mô rộng khắp cả nước. Bên cạnh việc tổ chức ngày sách trong các tổ chức, đoàn thể từ trung ương đến địa phương dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, Bộ còn chú trọng các kế hoạch bảo tồn, lưu giữ, truyền cảm hứng về tình yêu sách đến mọi đối tượng, từ những em bé mới cắp sách đến trường đến những cụ già ở nông thôn, từ người lính đảo xa đến cả những phạm nhân đang cải tạo…

5 năm qua Việt Nam đã tăng 22% số cuốn sách, số bản sách tăng 25%. Tuy chưa phổ cập, nhưng sách đã đến từng lớp học, từng tủ sách từ nông thôn đến thành thị, Tết đến đã có phong trào lì xì sách, giải thưởng sách quốc gia tôn vinh những người viết sách, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã có đường sách, phố sách…

Ngay Sach Viet Nam anh 2
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản.

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản, qua 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng, 96% tỉnh thành đã tổ chức Ngày sách, xây dựng trên 30.000 tủ sách phụ huynh. Mô hình tủ sách cho phạm nhân, đưa sách vào trại giam để lại những dấu ấn mạnh mẽ. Số triển lãm, hội chợ sách tăng nhanh, trong 5 năm đã tăng gấp 30 lần…Bộ Thông tin Truyền thông đã tham gia các hội chợ sách quốc tế, tổ chức trưng bày sách ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ấn Độ, Cuba, Lào…”.

Những gì làm được trong 5 năm qua đã tạo tiền đề mạnh mẽ cho ngày Sách Việt Nam 5 năm tới. Mục tiêu 5 năm tới của Bộ Thông tin Truyền thông là tập trung mọi nguồn lực phát triển văn hóa đọc, tăng mức hưởng thụ xuất bản phẩm trên đầu người (không tính sách giáo khoa) sẽ tương đương với các nước trong khu vực, đạt chỉ số 4 bản sách/người/năm.

Cũng trong 5 năm tới, ngành xuất bản đặt mục tiêu phát triển xuất bản phẩm điện tử, chuyển đổi từ hình thức phát hành truyền thống sang phát hành trên mạng Internet. Phát triển thị trường thương mại điện tử, kết nối thị trường xuất bản phẩm trong và ngoài nước, giữa tác giả - nhà xuất bản và bạn đọc.

'Văn hóa là thứ duy nhất còn lại'

Cựu tổng thống Barack Obama từng nói, “Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta đã thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.

Tại hội nghị Toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam, các đại biểu nhắc đến nhiều lần về tình yêu dành cho sách. Điều đẹp nhất của văn hóa đọc, đó là được hình thành từ tình yêu. Không thể đọc hết một cuốn sách, nếu như ta không thực sự yêu thích nó, và yêu thích những gì chứa đựng trong nó.

Ngay Sach Viet Nam anh 3
Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen của Thủ tướng cho 8 đại diện tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện ngày Sách Việt Nam 5 năm qua.

Câu chuyện của ông thủ thư 86 tuổi ở Bắc Giang khiến nhiều người xúc động. Ông lão 86 tuổi đến hội nghị từ rất sớm, ở tuổi xưa nay hiếm, ông sang sảng nói về tình yêu dành cho sách, về những ngày tháng cần mẫn trong cuộc đời mình ông đi sưu tầm sách, dành dụm tiền mua sách, và giữ gìn từng cuốn sách như báu vật.

Ông thủ thư 86 tuổi kể, đôi mắt ông dường như ngày càng sáng hơn nhờ đọc sách. “Bây giờ tôi đọc sách không cần kính nữa, và vẫn đọc sách mỗi ngày”. Ông thủ thư già tâm niệm: “Hãy đọc sách mỗi ngày, để đến cuối đời, chính bản thân bạn đã là một thư viện khổng lồ”.

Kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kể câu chuyện khiến ông nhớ nhất và xúc động nhất, đó là về một chị bán giấy vụn (Phó thủ tướng xin lỗi và xin phép được gọi là “chị bán đồng nát”). Trong những ngày làm việc vất vả, chị đã luôn nhặt nhạnh, gom lại từng cuốn sách còn lành lặn, còn rõ chữ, để đưa về cho con chị đang học đại học.

Phó thủ tướng mong muốn phong trào đọc sách, văn hóa đọc của người Việt phải đi vào thực chất, được lan tỏa, truyền cảm hứng đến từng con người, từng ngõ ngách, từng cơ quan ban ngành, bằng tình yêu thực sự.

Văn hóa của một con người, hay văn hóa của một dân tộc được thể hiện rõ nhất qua tâm hồn và trí thức của họ. Những điều đó sách sẽ mang lại cho chúng ta. "Và đừng quên, văn hóa là thứ duy nhất còn lại khi tất cả những thứ khác không còn" - Phó thủ tướng nói.


Ngày sách Việt Nam và hành trình 5 năm tôn vinh văn hóa đọc

Ngày sách đã góp phần thúc đẩy đọc sách, tuy vậy, nhiều nơi cần đưa chương trình vào chiều sâu, mang lại kết quả thực chất, để 91% người dân biết chữ trở thành người đọc sách.


Hiền Hương

Ảnh: Hoàng Đông

Bạn có thể quan tâm