Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày sách Việt Nam và hành trình 5 năm tôn vinh văn hóa đọc

Ngày sách đã góp phần thúc đẩy đọc sách, tuy vậy, nhiều nơi cần đưa chương trình vào chiều sâu, mang lại kết quả thực chất, để 91% người dân biết chữ trở thành người đọc sách.

Năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 5 năm Ngày sách Việt Nam (21/4/2014-21/4-2019). Để có Ngày sách Việt Nam ra đời từ quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 25/12/2014, cả nhà nước và người dân, đặc biệt là những người hoạt động khuyến đọc, phát triển văn hóa đã phải nỗ lực thay đổi tư duy và hành động không ngừng. Sự có mặt của Ngày sách Việt Nam là điểm tựa quan trọng để hoạt động khuyến đọc trên toàn quốc đi vào chiều sâu.

Có sự tăng tiến nhất định về văn hóa đọc

Trong những ngày này, hầu hết địa phương đều đưa ra báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam. Hãy thử điểm qua một số thông tin tổng kết mà các địa phương đưa ra và công bố trên các cổng thông tin điện tử của các tỉnh thành, địa phương.

Sự ra đời và tồn tại của Ngày sách Việt Nam mang tính biểu tượng lớn lao và có ý nghĩa chiến lược.

Đối chiếu với những mục tiêu của Ngày sách Việt Nam được nêu ra trong Quyết định số 284/ QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trên cả nước thông qua tổ chức Ngày sách Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đấy là nhìn từ những con số báo cáo. Vậy trên thực tế thì sao? Là người dịch sách, viết sách, bán sách và tiến hành các hoạt động khuyến đọc, bằng quan sát, trải nghiệm cá nhân tôi nhận thấy, có một sự tăng tiến nhất định về văn hóa đọc trong khoảng hai năm trở lại đây (tôi về nước năm 2017).

Những lời mời nói chuyện, giao lưu về văn hóa đọc ở các thư viện, trường học, cơ quan, viện nghiên cứu ngày càng tăng lên. Chỉ riêng trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, tôi đã tiến hành khoảng hơn 10 cuộc giao lưu, nói chuyện về văn hóa đọc ở các trường đại học và các thư viện cấp tỉnh và thành phố. Thú vị hơn nữa là tôi nhận được cả những lời mời tham dự Ngày sách Việt Nam ở các phường, quận trên địa bàn Hà Nội.

Như vậy, có thể thấy, từ những con số (có tính tính xác tương đối) và quan sát, trải nghiệm cá nhân có thể thấy sau 5 năm thực hiện “Ngày sách Việt Nam đã đạt được một kết quả và thể hiện được ý nghĩa của mình.

De Ngay sach di vao chieu sau anh 1
Một hoạt động sôi nổi trong sự kiện của dự án "Sách hay cho học sinh tiểu học". 

Sự ra đời của Ngày sách Việt Nam và các hoạt động đi kèm đã thể hiện nỗ lực của người dân, những người hoạt động khuyến đọc và kết quả tư duy tích cực của Nhà nước. Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Nhà nước và người dân, những người hoạt động khuyến đọc. 

Bằng việc thực hiện các hoạt động kỷ niệm Ngày sách Việt Nam trên toàn quốc, ở khắp các địa phương, cơ quan, trường học, công sở, nhận thức của lãnh đạo các cấp, người dân đối với văn hóa đọc nói chung và sách nói riêng đã có sự chuyển biến nhất định. Dần dần bằng sự hiện hữu của Ngày sách, cả lãnh đạo, người dân sẽ quen với văn hóa đọc và dần dần, sách - đọc sách sẽ trở thành một bộ phận của đời sống công sở, gia đình.

Và, thông qua tổ chức Ngày sách với các cuộc trưng bày, giao lưu, người dân có nhiều cơ hội hơn để biết đến và tiếp cận với sách, tiếp cận với những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản như tác giả, dịch giả, các nhà nghiên cứu văn hóa đọc, cán bộ, nhân viên thư viện…

Để ngày sách không còn là hình thức, phong trào

Cho dù vậy, quan sát kỹ thực tế và phân tích các số liệu do các địa phương cung cấp chúng ta sẽ thấy việc tổ chức Ngày sách Việt Nam còn có nhiều hạn chế cần khắc phục để đi vào chiều sâu.

Do bị chi phối bởi thói quen tư duy, cách làm “phong trào” thuần túy nên việc thực hiện Ngày sách Việt Nam ở nhiều nơi đã rơi vào “chủ nghĩa hình thức” và “làm cho có phong trào”.

De Ngay sach di vao chieu sau anh 2
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Huỳnh Vĩnh Bảo trao giải cho các tác giả đoạt Giải sách Quốc gia 2018. Giải sách là nơi tôn vinh những người viết sách, yêu sách.

Ở nhiều nơi do thiếu sáng tạo, các hoạt động trong Ngày sách Việt Nam chưa thật sự phong phú. Các hoạt động thường thấy trong Ngày sách ở các địa phương, cơ quan là: trưng bày sách (theo chủ đề hoặc không theo chủ đề); bán sách (mời các nhà sách, nhà xuất bản tham dự); thi xếp sách nghệ thuật; giao lưu với tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ; thi kể chuyện…

Trong các hoạt động đó có những hoạt động không thực sự có hiệu quả và mang nặng tính hình thức ví dụ như “thi xếp sách nghệ thuật”. Sách trước hết và cuối cùng phải là để đọc không phải là thứ để trưng bày ngắm cho đẹp nhất là trong “Ngày sách Việt Nam” - ngày tôn vinh văn hóa đọc.

Cần loại bỏ các hoạt động không hiệu quả và mang nặng tính hình thức này và thay bằng các hình thức khác thiết thực hơn, đơn cử “Tủ sách/thư viện đọc tại chỗ” (cho độc giả đọc các cuốn sách hay, hiếm ngay trong ngày tổ chức sự kiện), cho độc giả quan sát, trải nghiệm quy trình làm ra một cuốn sách (có thể là một vài khâu nhất định trong quy trình sáng tác/dịch, biên tập, xuất bản, phát hành) để độc giả hiểu hơn về nghề sách và những người làm việc trong lĩnh vực này; cho độc giả (nhất là độc giả nhỏ tuổi) trải nghiệm cảm giác “Tự mình viết sách”, “Tự viết cuốn sách của em” dưới sự hướng dẫn của người có nghiệp vụ…

Cần có quy chế để bớt đi phần nghi lễ rườm rà, tốn kém và không cần thiết.

“Ngày sách Việt Nam” nên được dành trọn vẹn để tôn vinh sách và văn hóa đọc. Nếu tặng quà, nên tặng bằng sách. Nếu đó là cuốn sách mà người nhận đã có, đã đọc thì họ sau đó có thể tặng lại cho thư viện nào đó hoặc một người khác. Bằng cách đó văn hóa đọc sẽ lan tỏa mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa và tính biểu tượng của nó sẽ có ý nghĩa hơn.

Một sự kiện tổ chức tôn vinh văn hóa đọc mà lại có sự xuất hiện của nhiều lẵng hoa vừa gây lãng phí vừa gây phản cảm.

Cần phải nỗ lực thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương thuộc mọi tầng lớp tham gia vào sự kiện Ngày sách Việt Nam. Nếu quan sát kỹ ta thấy người đến tham dự sự kiện ở các thư viện, công sở khi tổ chức ngày sách đa phần là “khách mời” (gần như là bắt buộc) chứ chưa phải là người dân, độc giả thông thường tự nguyện đến. Để người dân tự nguyện đến, tham gia sôi nổi thì khi tổ chức phải có kế hoạch, hoạt động truyền thông chu đáo, thân thiện và có nội dung tổ chức tốt. 

De Ngay sach di vao chieu sau anh 3
Hoạt động ngày sách cần đi vào chiều sâu, thiết thực để mọi người cùng đọc sách nhiều hơn. 

Cuối cùng, cần phải lấy Ngày sách Việt Nam làm điểm tựa để tiến hành các hoạt động khuyến học đều đặn, bền bỉ, hiệu quả trong suốt cả năm thay vì cả năm chỉ tiến hành ngày này như một sự kiện “phong trào”.

Các cơ quan văn hóa, thư viện cần phải có kế hoạch khuyến đọc chi tiết hàng năm để thực hiện, đơn cử như các thư viện cần thường xuyên thực hiện các hoạt động khuyến đọc thay vì chỉ chờ đến tháng tư. Các cơ quan, công sở cần phải có thư viện, tủ sách của riêng mình để phục vụ chính nhân viên của mình và tiến hành các hoạt động giao lưu, khuyến đọc thường xuyên.

Nếu khắc phục được các nhược điểm nêu trên và làm cho Ngày sách Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, tôi tin Ngày sách Việt Nam sẽ phát huy được tác dụng tốt góp phần xây dựng nên văn hóa đọc của Việt Nam trong thế kỉ XXI, biến hơn 90% người dân biết chữ thành người đọc sách.

Sau 5 năm, ngày sách Việt Nam đã trở thành ngày hội cộng đồng

Qua 5 năm thực hiện, Ngày sách Việt Nam không dừng lại là sự kiện văn hóa, mà trở thành ngày hội của cộng đồng.






Nguyễn Quốc Vương

Bạn có thể quan tâm