Phát triển văn hóa đọc luôn có ý nghĩa chiến lược đối với mỗi quốc gia. Song, bản thân văn hoá đọc, để có thể duy trì và phát triển lại cũng cần những điều kiện xã hội của nó.
Trước hết, cần khẳng định một quốc gia muốn có nền văn hóa đọc phát triển không thể tách rời yêu cầu xây dựng một nền xuất bản phát triển. Nếu tạm thời lấy nhu cầu đọc của người dân một quốc gia là tiêu chí định lượng quan trọng đánh giá sự phát triển của văn hóa đọc thì gần đây, Ấn Độ nổi lên là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển văn hóa đọc cao hàng đầu, nơi mà thời lượng dành cho đọc sách cao nhất thế giới.
Ông Nguyễn Nguyên, Vụ phó Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ góc nhìn về phát triển văn hóa đọc. |
Trung Quốc cũng có thể coi là ví dụ khác cho sự gắn kết giữa nền xuất bản mạnh và nền văn hóa đọc phát triển. Theo NOP World Culture Score Index, thời gian trung bình đọc sách của người dân Trung Quốc khoảng 8 giờ/tuần, là quốc gia đứng thứ ba về thời gian đọc sách.
Một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á có văn hóa đọc đang vươn lên rất mạnh mẽ là Thái Lan. Theo thống kê của NOP World Culture Score Index, người Thái trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về đọc sách với bình quân giờ đọc là 9 giờ 24 phút/tuần.
Nhiều chỉ đạo thúc đẩy văn hóa đọc
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành xuất bản không đồng nghĩa hoàn toàn với sự phát triển văn hóa đọc. Trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng lên ngôi, thì ngay cả ở một số quốc gia phát triển, văn hóa đọc vẫn có thể bị mai một nếu không có chính sách khuyến đọc phù hợp.
Phát triển văn hóa đọc luôn có ý nghĩa chiến lược đối với mỗi quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà. |
Rõ ràng, sẽ khó có một nền văn hóa đọc phát triển nếu không quan tâm, xây dựng nền xuất bản mạnh, đồng thời có hệ thống chính sách khuyến đọc phù hợp. Nhìn trên phương diện này, những năm qua, Đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng để xuất bản phát triển, đồng thời qua đó tạo điều kiện thúc đẩy văn hóa đọc.
Năm 2004, Đảng đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, là văn bản thể hiện sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về xuất bản. Có thể nói nội dung của Chỉ thị 42-CT/TW cho thấy sự phát triển nhận thức và lý luận của Đảng về xuất bản, chỉ ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển xuất bản trong thời kỳ mới, và cũng chính qua đó khẳng định vai trò của xuất bản đối với văn hóa đọc và văn hóa đọc đối với sự phát triển của đất nước.
Tiếp nối tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW, Thông báo Kết luận 19-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 nêu rất rõ các yêu cầu, trong đó có xác định vai trò đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như trách nhiệm phối hợp của các bộ ngành liên quan trong triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, khắc phục những bất cập trong chính sách xuất bản.
Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ban hành một hệ thống văn bản pháp luật, tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản và việc duy trì, phát triển văn hóa đọc.
Luật Xuất bản năm 2004, sửa đổi năm 2008, Luật Xuất bản năm 2012 đều có những quy định liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc, thể hiện rõ nhất trong Điều 7, Luật Xuất bản 2012 về chính sách Nhà nước đối với hoạt động xuất bản ghi rõ nhiều chính sách hỗ trợ gắn ngành xuất bản với yêu cầu thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Cùng với Luật Xuất bản, ngày 6/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có nhiều nội dung về việc phát triển văn hóa đọc. Ngày 15/3/ 2017, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030.
Bên cạnh đó, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm công tác xuất bản và khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Triển khai các văn bản trên, ngành xuất bản và văn hóa đọc có bước phát triển đáng khích lệ. Tỷ lệ sách năm 2018 đạt 4,5 bản sách/người/năm, tăng 160% so với 2004. Doanh thu toàn ngành khoảng 3.000 tỷ, gấp 6 lần về quy mô so với 2004. Lực lượng phát hành sách phát triển mạnh với gần 17.000 cơ sở phát hành trên cả nước.
Hoạt động liên doanh, liên kết của nhà xuất bản với sự tham gia hiệu quả của lực lượng phát hành sách tư nhân, trở thành động lực huy động các nguồn lực xã hội,...
Nhìn sang bình diện văn hóa đọc, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 42 CT/TW nhận thức của các cấp lãnh đạo về chức năng, vai trò xã hội của thư viện đối với công tác phát triển văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập, nhiều thư viện ở mọi loại hình được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, ngân sách dành cho bổ sung tài liệu được duy trì và gia tăng hàng năm.
Một số điểm hạn chế
Tuy nhiên, cùng với những kết quả quan trọng đạt được, ngành xuất bản và việc phát triển văn hóa đọc còn bộc lộ không ít hạn chế yếu kém. Số lượng và chất lượng sách chưa như kỳ vọng. Chất lượng một số mảng sách chưa cao. Sách văn hóa-xã hội, văn học, nghệ thuật còn rất thiếu các công trình nghiên cứu, các tác phẩm có giá trị đỉnh cao.
Sách khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng tốt yêu cầu cao cung cấp tri thức mới, tiên tiến của khoa học kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế,...
Năng lực và tiềm lực của ngành nhìn chung yếu, đặc biệt là các nhà xuất bản. Hệ thống phát hành dù phát triển nhanh nhưng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề mà rõ nét nhất là tình trạng “trắng” sách ở một số địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn sau khi hệ thống nhà sách nhân dân tan vỡ.
Bên cạnh đó, mạng lưới xuất bản, in và phát hành còn chưa rộng khắp. Giá thành xuất bản phẩm còn cao.
Đối với công tác quản lý nhà nước, dù có nhiều tiến bộ song cũng còn những mặt tồn tại. Một số chủ trương quan trọng, có tính quyết định đến việc tháo gỡ khó khăn cho ngành chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa.
Rõ ràng là, giải quyết những vấn đề của xuất bản cũng như xây dựng các chính sách khuyến đọc nhằm tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển không phải và không thể là câu chuyện “ngày một ngày hai”. Đó phải là một quá trình lâu dài với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội.
Bản thân văn hoá đọc, để có thể duy trì và phát triển lại cũng cần những điều kiện xã hội của nó. |
Thứ nhất, thực hiện chuyển đổi loại hình hoạt động nhà xuất bản theo đúng tinh thần trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nghị quyết của Chính phủ.
Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển xuất bản điện tử bởi sách điện tử vừa là xu hướng phát triển chung của xuất bản thế giới, đồng thời cũng là phương thức hiệu quả nhất để công chúng dễ dàng tiếp cận sách.
Thứ ba, nghiên cứu, luật hóa các quy định về khuyến khích đọc sách, nhất là khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (có thể là có riêng đạo luật hoặc lồng ghép trong quy định pháp luật về giáo dục và thư viện).
Thư tư, tăng cường đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác.
Thứ năm, hoàn thiện quy định, tăng cường mức đầu tư để nâng cao chất lượng Giải thưởng Sách Quốc gia.