Nhà vật lý thực nghiệm Mỹ Luis Alvarez đoạt giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu các hạt hạ nguyên tử. Ông cũng là người đầu tiên đặt ra giả thuyết khủng long tuyệt chủng vì thiên thạch.
Sau khi được Đại học Chicago cấp bằng tiến sỹ vật lý, Luis Alvarez vào làm việc tại Phòng thí nghiệm Phóng xạ thuộc Đại học California, Berkeley, với tư cách vật lý gia thực nghiệm.
Chuyên nghiên cứu các hạt hạ nguyên tử, năm 1937, ông khám phá quá trình một nguyên tử phóng xạ chuyển hóa thành nguyên tố mới (sự bắt electron-K: nguyên tố mới được tạo ra khi hạt nhân nguyên tử “bắt” một electron quay trong quỹ đạo, khiến cấu trúc nguyên tử thay đổi).
Ngoài ra, sử dụng máy gia tốc hạt, ông còn chứng minh sự bền vững (không phóng xạ) của đồng vị heli-3. Thời Thế chiến II, Alvarez phát triển các hệ thống radar và thiết bị kích nổ bom plutoni.
Ảnh: old.saednews.com |
Cuối thập niên 1950, ông thiết kế buồng bọt hydro giúp quan sát và phân tích hạt hạ nguyên tử ở bên ngoài máy gia tốc. Buồng này đem về cho ông giải Nobel Vật lý; cũng nhờ nó, ông và nhiều nhà khoa học khác phát hiện thêm những loại hạt mới.
Năm 1980, ông tìm thấy iridi (một nguyên tố kim loại có trong thiên thạch) trong địa tầng đá 65 triệu năm tuổi và dựa vào đó để nêu giả thuyết thiên thạch rơi xuống Trái Đất, khiến loài khủng long tuyệt chủng. Một thập niên sau, xuất hiện các bằng chứng ủng hộ giả thuyết trên.
Alvarez nêu giả thuyết về sự tuyệt chủng của khủng long, dựa trên kết quả phân tích địa tầng tại Italy. Năm 1990, một hố thiên thạch khổng lồ được phát hiện ở Mexico, khẳng định giả thuyết này.
Cột mốc
Sự nghiệp ban đầu: Làm việc tại Đại học California từ năm 1936, nghiên cứu các hạt hạ nguyên tử, có nhiều đóng góp quan trọng.
Danh tiếng quốc tế: Năm 1968, nhận giải Nobel Vật lý cho những khám phá liên quan đến hạt cơ bản.
Lý thuyết tuyệt chủng: Năm 1980, cùng con trai là Walter đề xướng giả thuyết giải thích sự tuyệt chủng của khủng long.