Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Trung Quốc ví 'hạn sử dụng' của bản thân thua miếng đậu phụ

Yêu cầu xét nghiệm mỗi 48-72 giờ của chính quyền các thành phố lớn ở Trung Quốc không chỉ làm gián đoạn cuộc sống của nhiều người mà còn có thể gây ra tình huống pháp lý tiêu cực.

“Một miếng đậu phụ hết hạn sau năm ngày, trong khi bạn ‘hết hạn’ sau ba ngày”, South China Morning Post trích dẫn một trong những câu đùa phổ biến nhất trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua, đề cập tới hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19.

Đây như là một “tấm vé” rất cần thiết với những người muốn sử dụng phương tiện công cộng hoặc vào không gian công cộng ở các thành phố lớn trên cả nước.

Nếu không có bằng chứng xét nghiệm PCR âm tính, người đó có thể được coi là “đã chết” về mặt xã hội, bởi họ bị cấm đi tàu điện ngầm, xe buýt, taxi, không được vào tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm, nhà hàng và các địa điểm công cộng.

Người dân ở ít nhất 50 thành phố Trung Quốc hiện nay cần phải làm xét nghiệm PCR liên tục. Họ nói đùa rằng đi làm xét nghiệm là để “làm mới ‘thời hạn sử dụng’ của bản thân". Cứ mỗi 48-72 giờ, họ lại phải cung cấp kết quả xét nghiệm theo yêu cầu của chính quyền địa phương để giới chức phát hiện ca mắc càng sớm càng tốt.

Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược xét nghiệm diện rộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại chính sách này không chỉ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày mà còn tạo ra các vấn đề pháp lý, đồng thời gây áp lực lên quỹ công.

"Thật là quá rắc rối"

Lin Xiaoping - kế toán tại Thượng Hải - cho biết cô buộc phải nghỉ phép một ngày vào tuần trước vì không kịp xét nghiệm PCR.

“Tôi đến quầy xét nghiệm gần nhà sau khi ăn tối. Có nhiều người xếp hàng đến nỗi khi tới lượt tôi thì quầy đã đóng cửa rồi”, cô kể lại.

“Thời tiết thì ngày càng nóng nực. Thật khó chịu khi vài ngày lại phải xếp hàng một lần như thế này”, cô phàn nàn.

Bản đồ trực tuyến hiển thị hàng chục nghìn gian xét nghiệm trên khắp Trung Quốc. Giới chức tìm cách đảm bảo rằng ở tất cả thành phố lớn, người dân ở bất cứ vị trí nào cũng có thể bắt gặp một gian xét nghiệm chỉ với 15 phút đi bộ.

dich covid-19 o trung quoc anh 1

Nhiều người lớn tuổi gặp khó khăn khi ra ngoài bởi không rành cách sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Reuters.

Đầu tháng 4, chỉ riêng tại Thượng Hải đã có hơn 500 gian xét nghiệm. Tuy nhiên, với yêu cầu kiểm tra chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính liên tục, cảnh tượng người dân xếp hàng dài tại các gian này là điều không khó bắt gặp.

Giới chức hy vọng các đợt xét nghiệm thường xuyên sẽ giúp họ phát hiện những ổ dịch càng sớm càng tốt để tránh cảnh phong tỏa như Thượng Hải trong suốt tháng 4 và tháng 5.

Hiện tại chưa có thông báo về thời điểm kết thúc đợt xét nghiệm diện rộng thường xuyên này. Điều “bình thường mới” này đặc biệt gây khó khăn cho người cao tuổi. Đối tượng này không rành cách sử dụng điện thoại thông minh, trong khi mã số sức khỏe trên điện thoại được cập nhật sau khi có kết quả xét nghiệm.

“Tôi từng có thói quen đi công viên, ghé chợ thực phẩm, đi xe buýt đến bệnh viện, nhưng bây giờ tôi chỉ muốn ở nhà nhiều nhất có thể. Thật là quá rắc rối”, Su Limin - một phụ nữ ngoài 70 tuổi ở Bắc Kinh - nói.

Rủi ro pháp lý

Thị trường chợ đen bắt đầu rao bán kết quả xét nghiệm giả khi có quá nhiều người phàn nàn về quy định này. Đầu tháng này, cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ ít nhất sáu người đề nghị làm xét nghiệm cho người khác hoặc trả tiền để người khác làm xét nghiệm cho họ.

Một trong số này có một người làm tài xế đi chung xe. Anh chỉ có thể đi làm nếu có kết quả xét nghiệm âm tính mỗi 48 giờ. Do đó, anh đã cung cấp thông tin cá nhân cho một người hàng xóm, nhờ người này xếp hàng và làm xét nghiệm hộ để tiết kiệm thời gian.

"Tôi tự tin tôi sẽ không mắc Covid-19", anh nói với cảnh sát sau khi bị những người đang xếp hàng xét nghiệm phát hiện hành vi này.

dich covid-19 o trung quoc anh 2

Nhiều người bắt đầu trả tiền để người khác đi xét nghiệm hộ nhằm tiết kiệm thời gian. Ảnh: Bloomberg.

Một số địa phương đang tìm cách đảm bảo người dân đi xét nghiệm đúng thời điểm.

Chính quyền thành phố Tứ Bình ở tỉnh Cát Lâm vừa qua phải thông báo hủy bỏ quy định ban hành ngày 30/5 do vấp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng.

Quy định đó ghi những ai lỡ hai đợt xét nghiệm diện rộng do thành phố tổ chức sẽ bị bỏ tù trong 10 ngày và bị phạt 500 NDT (75 USD). Họ cũng sẽ bêu tên trên các phương tiện truyền thông, đồng thời gặp khó khăn khi lên tàu hoặc nhận phòng khách sạn.

Zhao Hong - giáo sư từ Khoa Luật thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc - lưu ý những chỉ thị kiểu này là bất hợp pháp.

Bà nói theo quy định của luật pháp Trung Quốc, những quy định này là “vô căn cứ về mặt pháp lý, trong khi nhân phẩm bị xâm phạm”. Giáo sư cũng lo ngại về chi phí và số nhân lực khổng lồ được huy động để thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn trong thời gian dài.

Cho đến nay, cả gian xét nghiệm ở ven đường lẫn đợt xét nghiệm bắt buộc do chính quyền địa phương tổ chức vào những ngày được chỉ định đều lấy từ quỹ công.

“Cho đến nay, vẫn chưa có chính quyền địa phương nào đưa ra thông tin chi tiết về khoản chi này. Không biết liệu khoản chi có nằm trong ngân sách của họ hay không, và công chúng khó có thể xem xét kỹ lưỡng điều này”, bà Zhao nói.

'Ác mộng nối dài' ở Thượng Hải

Dù Thượng Hải đã gỡ phong tỏa, cuộc sống của cư dân thành phố vẫn không hề dễ dàng khi họ cần tuân theo nhiều quy tắc phòng dịch chặt chẽ, trong đó phải liên tục xét nghiệm.

Hé lộ mới về triều đại bí ẩn tại Trung Quốc

Giới khảo cổ hôm 13/6 thông báo phát hiện hàng nghìn đồ tạo tác ở khu vực phía tây nam Trung Quốc. Phát hiện mới này có thể giúp làm sáng tỏ nền văn hóa bí ẩn cách đây 3.000 năm.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm