Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở các thành phố Tây An và Vũ Châu của Trung Quốc đang ảnh hưởng nặng nề đến người dân và hệ thống chăm sóc sức khỏe, Guardian dẫn chia sẻ của nhiều cư dân cho biết.
Nhiều người đã phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực và sự chậm trễ nguy hiểm trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Tây An, một thành phố với 13 triệu dân, đã bị phong tỏa trong gần hai tuần. Trong khi đó, 1,2 triệu cư dân của Vũ Châu đã được lệnh ở trong nhà kể từ tối 3/1 sau khi phát hiện 3 ca mắc không triệu chứng. Giao thông công cộng và các cửa hàng không thiết yếu đều phải dừng hoạt động.
Người dân bất bình
Trên các nền tảng truyền thông xã hội, bên cạnh sự ủng hộ rộng rãi đối với phản ứng nhanh chóng của chính quyền, nhiều người dân đã đăng tải về những lo lắng và băn khoăn của họ trong đợt bùng dịch.
Trong hơn 10 ngày của đợt phong tỏa lớn nhất ở Trung Quốc, cư dân Tây An đã bày tỏ sự tuyệt vọng trên mạng xã hội về những khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm và dịch vụ chăm sóc y tế.
Các phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin về sự chậm trễ ở nhiều bệnh viện lớn của thành phố, nơi yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm âm tính trước khi nhập viện.
Một bài đăng cho biết một người đàn ông và người cha ốm yếu của mình đã bị bệnh viện Tây An từ chối tiếp nhận do họ đến từ một khu vực được coi là có nguy cơ cao hơn. Bài đăng cho biết cha của người đàn ông này bị đau tim, nhưng đã qua đời vào thời điểm ông nhập viện để điều trị.
Nhân viên y tế làm việc trong một phòng thí nghiệm được thiết lập ở Tây An. Ảnh: Reuters. |
Các báo cáo về tình trạng thiếu lương thực ở Tây An cũng liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, bất chấp lời hứa của nhà chức trách rằng sẽ cung cấp thực phẩm đến tận nhà. Nhiều nguồn tin còn cho biết những người hàng xóm phải đổi thuốc lá và đồ dùng cá nhân để lấy thức ăn.
“Đến nay, tôi mới chỉ nhận rau miễn phí một lần, mỗi hộ một gói. Giá thực phẩm ở thành phố này rất cao, không có ai quản lý”, một người dân cho biết.
Các quy tắc nghiêm ngặt cũng đã ngăn cản người dân ra vào thành phố. Sixth Tone đưa tin nhà chức trách đã bắt giữ một số người cố gắng trốn các đợt phong tỏa và trở về quê mà không bị cách ly, trong đó có một người đàn ông đã đạp xe 100 km qua núi và một người khác bơi qua con sông băng giá.
Giống như ở Vũ Hán vào đầu năm 2020, không ai được phép ra vào Tây An. Hầu hết trong số 13 triệu cư dân của thành phố này chỉ có thể rời khỏi nhà để xét nghiệm Covid-19, theo Wall Street Journal.
Các nhà chức trách cũng thừa nhận đã có nhiều vấn đề, bao gồm cả các cơ sở cách ly tập trung kém chất lượng, nơi hàng chục nghìn người được đưa đến.
"Thấm đòn" Zero Covid-19
Các phàn nàn trên mạng xã hội của hàng chục nghìn cư dân mắc kẹt cho thấy quan chức địa phương phải cân nhắc cái giá của những hạn chế, chẳng hạn phong tỏa và cách ly bắt buộc, trước lợi ích của việc giữ số ca nhiễm ở mức thấp.
Jiang Xue, một nhà báo độc lập tại Tây An, cho biết trên WeChat rằng cô không nghi ngờ gì về việc thành phố sẽ đánh bại được virus, nhưng lại băn khoăn về “cái giá phải trả của việc này”.
"Nếu sau đó, không có phản ánh và không có bài học kinh nghiệm… thì mọi khó khăn sẽ trở nên vô ích", cô cho biết.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số người đã cảnh báo không nên chỉ trích việc phong tỏa ở Tây An. Họ cho biết điều đó có thể làm hỏng hình ảnh của cả thành phố này và Trung Quốc.
Các quan chức địa phương đã bị phạt hoặc cách chức vì không ngăn chặn được đợt bùng dịch. Mới đây, hai quan chức cấp cao ở Tây An đã bị cách chức vì “không đủ nghiêm ngặt trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bùng phát”.
Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero Covid-19. Ảnh: AP. |
Hôm 3/1, giới chức Tây An cho biết thành phố đã chi khoảng 1 triệu USD để hỗ trợ những người gặp khó khăn và đưa khoảng 200 người mắc kẹt vào những nơi ở tạm. Họ cũng hứa thiết lập đường dây nóng và các dịch vụ hỗ trợ thêm.
Tây An là tâm dịch của đợt bùng phát hiện tại. Kể từ đầu tháng 12/2021, thành phố đã ghi nhận 1.700 ca mắc - một con số tương đối thấp so với số liệu trên toàn cầu.
Giữa bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid-19, vốn đã giữ cho các ca nhiễm ở mức thấp trong suốt 18 tháng qua.
Khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 sắp diễn ra và chính quyền trung ương cam kết tiêu diệt virus, giới chức địa phương đã áp dụng các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt, dẫn đến các đợt phong tỏa gợi nhớ đến đợt ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.
Các đô thị khác, nơi những ổ dịch đã được phát hiện, cũng phải đối mặt với nhiều hạn chế. Thành phố Trịnh Châu cũng đã phải phong tỏa một phần sau khi phát hiện 4 ca nhiễm nCoV.
Còn một tháng nữa là diễn ra Thế vận hội, những rủi ro đối với Trung Quốc là rất lớn. Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron có thể làm phức tạp thêm các kịch bản phòng chống dịch tại Thế vận hội.
Đến nay, Omicron vẫn chưa thâm nhập sâu vào Trung Quốc. Khi Tây An lần đầu tiên bị phong tỏa, các quan chức cho biết làn sóng lây nhiễm gần đây là do biến chủng Delta gây ra.
Hầu hết ca nhiễm mới đã được phát hiện trong số những cư dân được cách ly. Một quan chức y tế Tây An nói với Tân Hoa xã hôm 5/1 rằng thành phố chỉ có thể giảm bớt các hạn chế khi “các ca nhiễm trong cộng đồng giảm xuống 0”.
Ma Guanghui, phó Giám đốc Ủy ban Y tế Thiểm Tây, nói trong một cuộc họp báo rằng đợt bùng phát “đang cho thấy xu hướng giảm”.