“Xe gần như cạn xăng, chạy dọc quốc lộ 1A tôi chỉ chực khóc vì cây xăng nào cũng lắc đầu, khoát tay báo hết xăng, không bán. Chạy xe ôm mà không có xăng thì chạy kiểu gì”, chị Ngọc Ngân (tài xế xe ôm công nghệ ở TP Thủ Đức) chưa từng nghĩ có lúc chị phải “đỏ mắt” tìm nơi đổ xăng.
Nữ tài xế cho biết mỗi ngày chị chạy hết 50.000-70.000 đồng tiền xăng. Với tình cảnh này, chị Ngân buộc phải tốn thời gian đi tìm trạm khác đổ thêm, hoặc giảm cuốc xe lại, kiểu gì cũng ảnh hưởng công việc và thu nhập.
Chị Ngân là một trong nhiều người dân TP.HCM mòn mỏi đi khắp nơi đổ xăng cuối tuần qua. Họ lo đầu tuần cây xăng chen chúc, có thể muộn giờ làm hoặc tình huống tệ nhất là hết xăng phải dắt bộ xe giữa con đường ùn tắc giờ cao điểm.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết tính đến ngày 9/10 có 54/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu. Để đổ xăng, nhiều người chấp nhận xếp hàng đợi mua xăng "nhỏ giọt" hoặc mua xăng lẻ lề đường với mức giá cao gấp rưỡi.
Theo ghi nhận của Zing lúc gần 0h ngày 10/10, một cây xăng ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) vẫn đông kín người và xe chờ nạp nhiên liệu. Chỉ sau một ngày, cây xăng này đã giới hạn bán cho khách từ 30.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/xe máy.
Những ngày qua, sau những cái xua tay "hết xăng" của nhân viên ở một trạm xăng nào đó là hình ảnh người dân chật vật tìm nơi khác để nạp nhiên liệu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Quá tải
Nhiều người dân TP.HCM vài ngày qua cho biết chưa bao giờ chứng kiến tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa hàng loạt như vậy. Chị Trần Hạnh, chủ quán cà phê đối diện cây xăng Bình Thọ (đường Đặng Văn Bi, TP Thủ Đức), cho biết từ chiều thứ 7 (8/10), các phương tiện từ xe máy, ôtô, xe rác, xe chở đất cát, xe ba gác, người mang can thùng đến... đều phải xếp hàng, đợi đổ xăng tới gần 24h cùng ngày.
“Cây xăng bán đến nửa đêm, sáng chưa đến 5h đã có người vào đổ xăng. Lâu lắm rồi tôi mới thấy đông đến thế, nhiều trạm xăng dầu xung quanh ngưng bán nên người ta đổ dồn về đây. Người ta đợi lâu quá còn vào quán tôi ngồi uống nước”, chị Hạnh chia sẻ.
Chủ quán nước được nghe không ít khách kể về những lúc xe hết xăng, phải dắt bộ giữa trời mưa, than thở "có tiền cũng không mua được xăng".
“Có cậu shipper xe hết xăng, đi mấy chỗ đều bị từ chối, dắt xe tới cây xăng Bình Thọ thì đúng lúc đang tạm ngưng để nhập hàng. Vậy nên mới xin để xe nhờ ở quán tôi rồi đón xe công nghệ đi giao đồ ăn cho khách để kịp giờ”, chị Hạnh kể.
Cây xăng Bình Thọ (TP Thủ Đức) tạm ngưng bán hàng hơn 30 phút để nạp nhiên liệu vào trụ bơm vào 16h15 ngày 9/10, phương tiện phải xếp hàng dài đợi. Nhiều cây xăng xung quanh đóng cửa khiến cây xăng Bình Thọ quá tải. Ảnh: Tâm Linh. |
Ông Trần Văn Thịnh (44 tuổi, tài xế xe ba gác) cho biết xe ông có dung tích bình xăng hơn 12 lít và thường phải đi chở hàng xa nên gặp cây xăng ở đâu, ông đều tranh thủ đổ đầy bình xăng ở đó.
“Tôi rất khó hiểu khi từ hôm qua đến nay, nhiều cây xăng đều không bán. Tôi đi chở hàng mà không tìm được chỗ đổ xăng, phải chạy vòng vòng, quay đầu xe liên tục”, ông Thịnh bày tỏ.
Trên đường đi đón con, chị Yến Nhi (TP Thủ Đức) vào một cây xăng ở khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) thì bất ngờ được thông báo mỗi khách hàng chỉ được đổ tối đa 20.000 đồng.
“Cây xăng đông mà chỉ được đổ 20.000 đồng nên tôi đi cây xăng khác để đỡ mất thời gian, ai dè một loạt cây xăng báo không còn hàng. Đến cây xăng Bình Thọ, xe hết xăng nên dù đông cũng phải đợi. Vừa đợi vừa lo trễ giờ, lo con đợi không thấy mẹ đến đón”, chị Nhi thở dài.
Ông Tuấn mua xăng lẻ ở lề đường với giá 50.000 đồng được một chai khoảng 1,5 lít. Ảnh: Tâm Linh. |
Trong khi hàng chục người vẫn đang đứng đợi “xăng về”, ông Nguyễn Đình Tuấn quyết định mua xăng bán lẻ ở ngoài với mức giá cao gấp rưỡi.
“Tôi mua xăng cho con gái chạy xe về Củ Chi với giá 35.000 đồng một lít. Biết đắt hơn và cũng không chắc chắn về chất lượng nhưng mình mua tạm thời”, ông Tuấn nói.
Tương tự, anh Tuấn Anh (quận 8) cũng chung nỗi lòng chật vật đổ xăng đi làm. Anh cho biết đã đi 4 cửa hàng nhưng chỗ nào cũng giới hạn, chỉ đổ được 30.000 đồng/xe máy. Đi mãi, cuối cùng anh cũng tìm được nơi cho đổ đầy bình nhưng phải chờ rất mất thời gian, 20-30 phút.
"Tôi suýt nghỉ làm khi không đổ được xăng. Hên không phải dắt bộ vì tôi đã cố gắng tới 'giọt cuối cùng'. Bây giờ đi làm không sợ đi muộn, mà chỉ sợ không có xăng di chuyển thôi", người đàn ông chia sẻ câu chuyện éo le lên trang cá nhân.
Hàng loạt cây xăng ở TP Thủ Đức, quận Tân Bình, 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh... đều thông báo hết hàng khiến những cây xăng còn hoạt động quá tải. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Truyền miệng chỗ đổ xăng
Mới tối hôm trước cây xăng còn bán, hôm sau đã dựng rào chắn, người dân lại hoang mang ra về. Không có cập nhật chính xác và chính thống, vì thế mấy ngày này chủ phương tiện tìm đến mạng xã hội để hỏi và truyền tai về những cây xăng còn mở cửa hay được bán đầy bình.
"Quận 4 thì đổ xăng ở đường Nguyễn Khoái giáp với bến Vân Đồn. Ở quận 7 thì chạy qua đường Nguyễn Thị Thập với Lê Văn Lương. Lúc nào cũng có xăng, bất kể giá xăng lên hay xuống" - nhiều dân mạng chia sẻ những dòng trạng thái tương tự trên trang cá nhân về những trạm xăng dầu còn mở bán trên địa bàn.
"Đoạn qua phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức vẫn hoạt động bình thường nhé. Đường tỉnh lộ 43 có hai cây đổ 30.000 đồng, một cây vẫn đổ đầy bình". Tuy nhiên, đi theo lời chỉ dẫn từ cộng đồng mạng, Phương Linh (23 tuổi, phường Tân Hưng, quận 7) tìm mỏi mắt nhưng vẫn không thấy cây xăng nào mở cửa. Phương Linh lo lắng khi nhà cách công ty 12 km, tín hiệu thông báo đã nhấp nháy một vạch đỏ.
Khi nghe những thông tin về việc khó đổ xăng, anh Thanh Bình (TP Thủ Đức) đã dự định đổ đầy bình sẵn sàng cho cả tuần sau.
Không hỏi được ai về tình hình cây xăng gần nhà, trong khi xe gần hết xăng, anh đành ráng ra ngoài, nhưng ghé mấy nơi đều đóng cửa không bán. Anh này tính đến việc đặt xe ôm đi làm hôm sau.
"Tôi nghe thông tin giá xăng dầu sắp tăng nên cũng nôn nóng mang xe ra ngoài. Cứ tình hình đổ lèo tèo thế này thì 2-3 hôm nữa tôi lại phải đi đổ xăng mất", anh Bình lắc đầu.
Một khu dân cư dọc Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) có khoảng 20 điểm bán xăng dầu (một số không hiển thị trên bản đồ). Tuy nhiên, một nửa số này tạm ngưng bán xăng tính đến sáng 10/10. Ảnh: Google Maps. |
Để khắc phục tình trạng, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Đêm 9/10, Petrolimex TP.HCM huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình để tăng cường nguồn cung bù đắp cho các cửa hàng lân cận đóng cửa hoặc bị gián đoạn nguồn cung cục bộ.
Với khoảng 500 cửa hàng bán lẻ vẫn duy trì hoạt động và cung ứng đầy đủ xăng dầu ra thị trường, Sở Công Thương sẽ công bố danh sách này để doanh nghiệp và người dân có thể yên tâm và thuận tiện trong việc mua và đổ xăng.