Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người dân TP.HCM gượng dậy sau 'cơn bão' Covid-19

Trong con hẻm nhỏ ở quận 1, hầu hết người dân đã nhiễm nCoV. Thoát khỏi dịch bệnh, họ đối mặt với nhiều mất mát, chật vật để tái thiết cuộc sống.

Hau covid-19 anh 1

Chị Ngọc ơi! Trúng số! Trúng số!

Nghe người hàng xóm gọi, bà Thủy Ngọc vội chạy sang hỏi: “Có chuyện gì vậy Thiện?”. Anh Chí Thiện hóm hỉnh khoe xấp tiền trên tay: “Có tiền cho chị tái khởi nghiệp".

7 triệu đồng là số tiền mà anh Thiện vừa quyên góp từ bạn bè, người thân để bà Ngọc tái khởi động xe bánh tráng trộn sau một thời gian dài thất nghiệp và mắc Covid-19. Số tiền không lớn nhưng đã trở thành tấm phao cứu sinh cho cả gia đình bà Ngọc.

Cơn bão kinh hoàng

Ngày 7/7, hẻm 214 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP.HCM), xôn xao khi lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa và thông báo phát hiện một ca F0.

Con rể của bà Phan Thị Thủy Ngọc (48 tuổi) được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Ngay cạnh nhà bà Ngọc, gia đình anh Trần Chí Thiện được y tế phường yêu cầu chuẩn bị tư trang để cách ly tập trung vì tiếp xúc gần với người bệnh.

Hau covid-19 anh 2

Người trong hẻm lần lượt nhiễm bệnh và được đưa đi điều trị. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trước đó 2 hôm, một số thành viên trong gia đình anh Thiện có dấu hiệu cảm, sốt. Ngay khi nhận thông tin về F0, anh nhanh chóng kiểm tra các triệu chứng của mẹ và phát hiện bà mất khứu giác. Đêm 7/7, Chí Thiện và mẹ được đưa đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị Covid-19.

Tôi sợ. Mọi thứ ập đến như một cơn bão kinh hoàng.

Bà Phan Thị Thủy Ngọc

Những ngày sau đó, toàn bộ thành viên trong gia đình bà Ngọc và anh Thiện được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, các bệnh viện dã chiến tại TP Thủ Đức, Củ Chi, và Cần Giờ.

Trong thời gian ngắn, dịch Covid-19 nhanh chóng lây lan sang nhiều hộ dân khác. Hơn một nửa nhân khẩu trong hẻm đã nhiễm bệnh và được đưa đi điều trị.

Trung tuần tháng 7, khi dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp trên toàn thành phố, người dân ở hẻm 214 Nguyễn Trãi cũng chìm trong khủng hoảng.

“Bầu không khí trong bệnh viện thì nặng nề. Bệnh nhân buộc phải đeo khẩu trang 24/7. Không ai dám tiếp xúc với ai. Giấc ngủ cũng không bao giờ được yên vì cứ chút là nghe tiếng xe đẩy lấy máu, chích thuốc hay tiếng cầu cứu của bệnh nhân. Những thứ diễn ra trước mắt đang rút cạn sức sống, không phải từ từ mà rất thô bạo”, anh Chí Thiện nhớ lại.

Hau covid-19 anh 3

Dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong thời gian ngắn, khiến người dân không kịp ứng phó. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Tâm lý của anh Thiện ngày càng bất ổn hơn khi người mẹ chuyển nặng và phải thở máy. Không lâu sau đó, cha của anh qua đời tại Bệnh viện dã chiến huyện Cần Giờ. Ông ra đi đơn độc, không người thân bên cạnh, không lời sau cuối với người thân.

“Mẹ chị mất rồi!”, bà Ngọc thông báo cho Chí Thiện khi họ đứng cạnh nhau ở hành lang bệnh viện. Giữa tiếng còi cấp cứu inh ỏi, hai người con chết lặng trong lòng. Sự ra đi lặng lẽ trong mùa dịch, khiến người ở lại rơi vào cảm giác bất lực đến suy sụp.

“Tôi sợ. Mọi thứ ập đến như một cơn bão kinh hoàng. Không biết những người còn lại có vượt qua được hay không?”, bà Ngọc nói.

Ngày trở về

Ngày 24/7, sau 17 ngày điều trị tại bệnh viện, Chí Thiện và mẹ được về nhà. Hẻm 214 Nguyễn Trãi phủ trùm một màu ảm đạm. Đa phần người trong xóm đang điều trị Covid-19, hoặc đi cách ly tập trung, một số người vì sợ lây nhiễm nên khóa kín cửa, không bước ra ngoài. Hàng rào chắn được thiết lập ngay đường lớn, các biện pháp giãn cách ngày một siết chặt.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, gia đình bà Ngọc và hàng xóm cũng lần lượt được xuất viện. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở về. Cha của anh Thiện, mẹ của bà Ngọc, nữ công nhân xây dựng ở trọ trong hẻm, cô nha sĩ nhà ở cuối hẻm, hay anh thanh niên chỉ mới 26 tuổimãi mãi ra đi.

Có người thân tử vong vì Covid-19, bà Út Trang có lúc đã không kiềm được cảm xúc khi chia sẻ về những ngày đã qua. Người phụ nữ bảo chỉ có những ai từng trải nghiệm sinh tử với Covid-19, trải qua nỗi đau mất đi người thân thì mới thấu hiểu trận dịch bệnh này khốc liệt đến chừng nào.

Hau covid-19 anh 4

Những lao động thất nghiệp trong xóm gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Họ trở về cuộc sống thường nhật với bao mất mát lẫn khó khăn. Bà Ngọc giảm hơn 10 kg kể từ khi điều trị. Người phụ nữ cho biết tình trạng mất ngủ vẫn kéo dài nhiều tuần sau đó. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai những lao động thất nghiệp trong hẻm.

“May mắn có bạn bè của Thiện nhiệt tình giúp đỡ. Họ mua thuốc men, lương thực rồi gửi vào cho chúng tôi”, bà Út Trang chia sẻ. Nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, anh Thiện cũng thường xuyên san sẻ lại cho những hộ lao động khó khăn trong xóm.

Gạo, mì gói hay rau củ, dầu ăn... mỗi lần nhận được nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm, anh Thiện đều phân phát đến từng gia đình trong hẻm. Chút tình giữa những người đồng cảnh ngộ như điểm tựa để mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngồi trong căn nhà tạm bợ, vỏn vẹn vài m2, bà Nguyễn Thị Thu Loan (62 tuổi, làm nghề lao công) nói: “Nếu không nhờ sự giúp đỡ của mọi người, gia đình tôi không biết phải xoay xở ra sao”.

Mất việc

Trong hẻm 214 Nguyễn Trãi, có không ít người lao động xa xứ. Họ đến thành phố làm việc và cũng bị cuốn vào làn sóng dịch bệnh.

18 công nhân xây dựng và 2 đứa trẻ sống trong căn nhà trọ của gia đình anh Thiện đều nhiễm bệnh. Một người đã qua đời, những người còn lại sau khi xuất viện phải đối mặt với nhiều thiếu thốn. Họ bị công ty nợ lương nhiều tháng liền. Mất việc nhưng không thể về quê, 19 con người sống lay lắt nhờ vào sự giúp đỡ của dân trong xóm.

Đầu tháng 10, khi dòng người hồi hương ngày một đông, những công nhân ở xóm cũng đứng ngồi không yên. Họ sẽ về, vì không còn khả năng bám trụ ở thành phố.

Hau covid-19 anh 5

Ông Thạch ở lại một mình trong căn nhà, vì không kịp đăng ký chuyến xe về quê. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Sáng 4/10, bà Út Trang sang nhà trọ tìm người cai thầu để hỏi về tiền thuê trọ và điện nước 3 tháng qua. Công nhân cho biết ông này đã âm thầm bỏ đi từ rạng sáng, nói rồi họ cũng thu dọn hành lý rồi rời khỏi căn nhà trọ.

Những công nhân chỉ lấy đủ quần áo chất lên xe máy rồi chạy về quê

Bà Út Trang

“Một cách nôm na thì họ bỏ của chạy lấy người. Những người công nhân chỉ lấy đủ quần áo chất lên xe máy rồi chạy về quê. Họ để lại ngổn ngang mọi thứ”, bà Út Trang kể. Việc những người công nhân rời đi, khiến gia đình bà thiệt hại một số tiền lớn, nhưng người phụ nữ cho biết bà không trách, bởi họ không còn lựa chọn.

Cạnh căn nhà trọ của nhóm công nhân là nơi ở trọ của hơn 20 người bán vé số dạo đến từ miền Trung. Họ cũng đã mắc Covid-19. Nhưng may mắn hơn nhóm công nhân, sau khi khỏi bệnh, những người bán vé số này được hội đồng hương hỗ trợ chuyến xe miễn phí để trở về quê.

Giờ đây trong "căn nhà vé số" chỉ còn một người ở lại - ông Ngô Như Thạch (57 tuổi). Là bệnh nhân có triệu chứng nặng, ông Thạch phải điều trị hơn một tháng ở bệnh viện, và không kịp đăng ký chuyến xe về quê.

Ngồi thẫn thờ trong căn nhà trống trải, ông Thạch nói: “Tôi đang đợi đến cuối tháng 10, nếu đến đó vẫn chưa được đi bán thì tôi sẽ về quê”.

Phải bước tiếp

Đầu tháng 10, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM dần được kiểm soát, rào chắn ở hẻm 214 Nguyễn Trãi cũng được tháo dỡ giúp tâm lý người dân bớt ngột ngạt.

Một số người trong hẻm đã trở lại với công việc trước đây. Những bệnh nhân lớn tuổi như bà Út Trang dần phục hồi di chứng hậu Covid-19. Tro cốt của người quá cố đã được đón về bên gia đình.

Nhằm hỗ trợ gia đình bà Ngọc phục hồi kinh tế, anh Chí Thiện đã kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ một số vốn giúp chị tái khởi nghiệp xe bánh tráng trộn.

Người phụ nữ hào hứng nói: “Mấy hôm rồi tôi trăn trở, không biết lấy đâu ra tiền để buôn bán lại. May mắn được mọi người thương, tôi mừng như trúng số”.

Hau covid-19 anh 6

Bà Thủy Ngọc được mọi người hỗ trợ vốn để kinh doanh sau thời gian thất nghiệp và nhiễm bệnh. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Bánh mì nóng đây! Bánh mì đặc ruột đây!

Chiếc xe bán bánh mì chạy vào trong hẻm 214 Nguyễn Trãi, len qua từng ngõ ngách.

Bà Út Trang nhìn theo người hàng rong rồi nói: “Cũng mấy tháng rồi mới được nghe lại tiếng rao quen thuộc này. Giờ đây, tôi cảm tưởng như mình vừa trải qua một trận bão kinh hoàng, có mất mát, có đau thương nhưng dẫu sao vẫn phải bước tiếp”.

Tháng 10 hy vọng của người TP.HCM

Hàng rào chắn được tháo dỡ, đường phố trở nên đông đúc hơn, quán xá được mở cửa... sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, thành phố từng bước trở lại nhịp sống trước đây.

Tháo dỡ chốt chặn, dấu hiệu hồi sinh của TP.HCM

Người dân TP.HCM vui mừng khi nhìn thấy chốt chặn ở khu dân cư được tháo dỡ, trả lại không gian thoáng đãng cho đường phố.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm