Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tháng 10 hy vọng của người TP.HCM

Hàng rào chắn được tháo dỡ, đường phố trở nên đông đúc hơn, quán xá được mở cửa... sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, thành phố từng bước trở lại nhịp sống trước đây.

Binh thuong moi anh 1

Sáng đầu tháng 10, tiếng rao quen thuộc phát ra từ chiếc loa nhỏ gắn trên xe bánh mì lưu động khiến Lê Thúy bừng tỉnh giấc.

“Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm bơ”

Thúy không còn nhớ lần cuối được nghe tiếng rao này là cách đây bao lâu. Chỉ biết rằng sáng nay, khi bất chợt nghe lại âm thanh thân thuộc này, cô bỗng có nhiều cảm xúc. Tiếng còi xe lẫn trong tiếng rao được thu sẵn như một thứ tín hiệu giúp người dân nhận ra thành phố đã thức giấc sau một giấc ngủ dài.

Ngày mới ở TP.HCM

Từ chiều 30/9, khi nghe tin thành phố chuẩn bị nới lỏng giãn cách, vợ chồng anh Nam (quận Phú Nhuận) đã tất bật dọn dẹp vệ sinh tiệm sửa xe để chuẩn bị đón khách vào những ngày đầu tháng 10.

Trước đó vài hôm, anh Nam trăn trở: “Nếu tình hình cứ kéo dài như thế này, chắc tháng sau vợ chồng anh trả mặt bằng chứ không đủ sức để chi trả nữa rồi”. Sáng ngày 1/10, anh Nam đến tiệm từ sớm, chỉ vài phút sau khi mở cửa những khách quen đã lần lượt tìm đến tiệm để sửa xe.

Sau 4 tháng đóng cửa im lìm, sáng hôm nay, cửa tiệm đã tất bật trở lại. Nhìn hàng dài những chiếc xe đang đợi tới lượt, người thợ không giấu được niềm hạnh phúc.

Binh thuong moi anh 2

Tiệm sửa xe của anh Nam trên đường Miếu Nổi (Phú Nhuận) hoạt động trở lại sau nhiều tháng đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Toàn.

“Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chưa?”, những vị khách hỏi thăm nhau trong lúc đợi lấy xe. Câu chuyện về dịch bệnh, vaccine và chuỗi ngày giãn cách được bàn tán rôm rả. Có người sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, có người vào học tập rồi ở lại làm việc, nhưng tất cả đều hân hoan khi thấy thành phố dần trở lại nhịp sống trước đây.

“Sáng nay, tôi vừa mua được một hộp cơm tấm sườn, bì, chả”, một người phụ nữ reo lên, kể về ngày mới của mình. Chuyện mua được một hộp cơm tấm ở TP.HCM vốn chẳng có gì đáng kể, thế nhưng suốt 4 tháng qua cái mùi sườn nướng thơm lừng lẫn vị khói đã trở thành giấc mơ của nhiều người.

Buổi sáng trên những con phố đã không còn lặng lẽ. Dòng người và xe trở nên đông đúc hơn. Nếu nhiều năm trước đây, người tham gia lưu thông phải làm quen với chiếc nón bảo hiểm, thì giờ đây họ làm quen thêm với chiếc kính chống giọt bắn và khẩu trang mỗi khi ra đường.

Và chẳng ai còn bận tâm đến những tiếng ồn của còi xe. Mỗi người đều có cách riêng tận hưởng ngày đầu nới lỏng giãn cách.

Từng bước đến bình thường mới

Khoảng 9h sáng, ông Lê Vĩnh (88 tuổi) đội nón lưỡi trai, mang kính râm và khẩu trang xuống sân để tự chơi tennis. Quả bóng được cột vào một đầu dây, đầu còn lại cột vào cổ tay trái của ông để luôn trong tầm kiểm soát.

Chơi thể thao theo kiểu không giống ai, ông Vĩnh bảo trong mọi tình huống con người rồi sẽ tự thích nghi, thời dịch bệnh cũng không ngoại lệ. Ông cụ cho biết nhiều người bạn của ông đã không may qua đời vì mắc Covid-19. “Bước qua giai đoạn khốc liệt này, mỗi người sẽ trân trọng hơn cơ hội được sống”, ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh cho rằng chiến dịch tiêm vaccine của thành phố đang giúp người dân đến gần hơn với cuộc sống bình thường mới. Vaccine không chỉ mang lại kháng thể, mà còn là tấm thẻ xanh giúp người dân trở lại lao động, sản xuất.

Binh thuong moi anh 7

Ông Vĩnh chơi thể thao để giúp tinh thần thoải mái và nâng cao sức khỏe trong mùa dịch. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Nhiều ngày nay, chị Minh Tuyết (31 tuổi) vẫn thường xuyên kiểm tra thông tin trên app Sổ tay sức khỏe để cập nhật thông tin tiêm chủng. Người phụ nữ cho biết phía công ty đã có kế hoạch cho công nhân trở lại công ty làm việc, nên chị đang cần xác nhận thông tin tiêm đủ 2 mũi trên app.

Không chỉ riêng chị Tuyết, nhiều người lao động ở TP.HCM cũng hy vọng chiếc thẻ xanh Covid-19 có thể giúp họ sớm trở lại công việc sau một thời gian dài bị đình trệ. “Dù nhận được trợ cấp nhưng thật sự gia đình tôi rất chật vật để trang trải trong thời điểm dịch bệnh. Vậy nên tôi rất mong được sớm trở lại làm việc khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine”, chị Tuyết nói.

Tính đến đầu tháng 10, TP.HCM đã công bố có 12 địa bàn kiểm soát được dịch. Đồng thời, các chốt chặn, hàng rào chắn tại khu dân cư cũng lần lượt được tháo dỡ, đem lại một luồng sinh khí mới cho thành phố.

Tối 1/10, người dân TP.HCM tranh thủ chút thời gian ra ngoài để cảm nhận không khí của thành phố. Ảnh: Duy Hiệu.

Chiều ngày 1/10, Lê Thúy và người dân trong hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) đã chứng kiến cô tổ trưởng cắt bỏ sợi dây cột ngang lối ra vào vùng xanh.

Một tiếng pháo nổ vang lên từ nhà ai đó, mọi người đứng trước cửa reo hò. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhưng khi sợi dây được tháo xuống tâm trạng ai cũng ngập tràn hy vọng.

Thúy dẫn chiếc xe máy ra tiệm sửa xe ở đầu hẻm, để chuẩn bị cho ngày đi làm đầu tiên vào thứ 2 tuần tới. Sau khi trao đổi với anh chủ tiệm, cô rảo bước sang tiệm làm tóc cách đó chừng 500 m, sẵn sàng cho bản thân một diện mạo mới.

Tái bùng phát từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và tinh thần của người dân TP.HCM. Khoảng 1,7 triệu người lao động mất việc làm. Hơn 380.000 người nhiễm bệnh và gần 15.000 người tử vong, khiến hàng nghìn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ.

Thời điểm hiện tại, các gia đình có người thân qua đời vì Covid-19 vẫn cố gắng từng ngày vượt qua nỗi mất mát để bắt đầu cuộc sống mới.

Tháo dỡ chốt chặn, dấu hiệu hồi sinh của TP.HCM

Người dân TP.HCM vui mừng khi nhìn thấy chốt chặn ở khu dân cư được tháo dỡ, trả lại không gian thoáng đãng cho đường phố.

Những dòng chữ viết tay trên hộp cơm gửi F0 và lực lượng tuyến đầu

Đằng sau dòng chữ nắn nót trên hộp cơm là tình cảm, sự sẻ chia của các giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành với bệnh nhân và lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM.

TP.HCM lập danh sách chăm lo người cao tuổi và trẻ mồ côi vì Covid-19

Nắm bắt nguyện vọng của trẻ mồ côi, người cao tuổi không có người chăm sóc vì Covid-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM và các quận, huyện sẽ có kế hoạch chăm lo cụ thể.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm