Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Sydney trước cuộc phong tỏa dài chưa từng có

Việc lệnh phong tỏa được gia hạn thêm 4 tuần, triển khai vaccine chậm chạp, cùng với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh khiến người dân Sydney lo lắng về triển vọng phục hồi.

Sau năm tuần trong tình trạng phong tỏa, cư dân Sydney tiếp tục nhận được tin không vui. Nhà lãnh đạo của bang New South Wales tuyên bố sẽ kéo dài thời gian phong tỏa thêm một tháng. Bà cảnh báo tiểu bang có thể phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn, theo Guardian.

Mặc dù thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Australia vẫn ghi nhận số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Đến ngày 3/8, Australia có hơn 34.600 ca nhiễm Covid-19 và 924 người tử vong.

Gladys Berejiklian, thủ hiến New South Wales, cho biết việc phong tỏa Sydney sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng 8.

Thành phố này đang ở giữa đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Nhiều cư dân của thành phố lớn nhất Australia tự hỏi cuộc sống có thể trở lại bình thường trước Giáng sinh hay không.

Australia phong toa anh 1

Cảnh sát Sydney kiểm tra những chiếc xe tiến vào thành phố trong thời gian phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Tình hình khó khăn

“Chúng tôi biết người dân Sydney rất khó khăn trong 5 tuần qua. Tuy nhiên, chúng tôi không thể mở cửa quá sớm. Điều đó có thể hủy hoại những nỗ lực đã triển khai để ngăn chặn Covid-19. Nếu mở cửa, virus sẽ lây lan trở lại”, bà Berejiklian cho biết.

Các quy tắc phức tạp và thay đổi liên tục khiến người dân Sydney bối rối, trong khi biến chủng Delta đang đẩy Australia vào tình trạng khó khăn.

Chính quyền nước này bất đắc dĩ phải áp đặt các biện pháp hạn chế. Con đường duy nhất có thể giúp Australia thoát khỏi các hạn chế chính là việc triển khai vaccine càng nhanh càng tốt.

“Tôi nghĩ không ai có thể phủ nhận rằng vaccine là chìa khóa duy nhất giúp người dân New South Wales trở lại cuộc sống bình thường”, bà Berejiklian nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở Australia chậm thứ hai trong nhóm các nước phát triển thuộc OECD. Chỉ khoảng 18% dân số trưởng thành tại Australia được tiêm phòng đầy đủ. Đất nước 25 triệu người chỉ tiêm vaccine cho 200.000 người mỗi ngày.

Các nguồn cung cũng thiếu hụt vì chính phủ của ông Scott Morrison không ký đủ các thỏa thuận mua vaccine ngay từ đầu.

Australia phong toa anh 2

Cảnh sát kiểm tra danh tính những người đi đường nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình chống lại lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters.

AstraZeneca, loại vaccine Australia có nhiều nhất, chỉ được chính phủ chỉ định cho người trên 60 tuổi. Lượng vaccine Pfizer cũng không đủ để triển khai trên diện rộng.

Hôm 28/7, các nhà kinh tế tại ngân hàng ANZ đự đoán rằng việc phong tỏa có thể tiếp tục “ít nhất cho đến tháng 9”. Thủ tướng Scott Morrison hy vọng rằng Australia sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine trước khi bước vào dịp Giáng sinh.

“Chúng ta sẽ thấy một Australia rất khác so với bây giờ. Phong tỏa sẽ trở thành quá khứ”, ông Morrison nói.

Nhưng trong khi đó, hàng nghìn sĩ quan cảnh sát và hàng trăm binh vẫn sẽ đã được triển khai trên khắp Sydney và vùng lân cận nhằm đảm bảo các biện pháp hạn chế được thực thi chặt chẽ.

Cuộc sống thời phong tỏa

Hiện tại, cư dân Sydney được ra ngoài để mua thực phẩm hoặc hàng hóa cơ bản quan trọng. Ngoài ra, tập thể dục, thực hiện các công việc thiết yếu và chăm sóc y tế cũng được cho phép. Mọi người chỉ được phép di chuyển trong phạm vi 10 km.

Đối với 2 triệu người dân tại 8 khu vực có nguy cơ cao ở phía tây Sydney, phạm vi di chuyển bị giới hạn xuống 5 km và bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Tuy nhiên, một tháng áp dụng biện pháp hạn chế vẫn chưa mang lại kết quả tích cực cho Sydney. Số trường hợp dương tính với Covid-19 vẫn tăng nhanh chóng.

Nhiều người trông đợi việc chấp hành nghiêm chỉ dẫn đeo khẩu trang khi ra ngoài và lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố sẽ có tác dụng hạn chế sự lây lan ở Sydney. Vào năm 2020, thành phố Melborne đã kiểm soát được dịch bệnh khi áp dụng các biện pháp trên.

Mặt khác, một số ý kiến nói vấn đề địa lý, nhân khẩu và sự lây nhiễm mạnh mẽ của biến chủng Delta có thể làm giảm tỷ lệ thành công của các biện pháp hạn chế tại Sydney.

Ngày 30/7, khi số ca nhiễm giảm đi một chút, bà Berejiklian cảnh báo con số này sẽ tăng trở lại, và một lần nữa khuyến khích mọi người đi tiêm vaccine.

“Việc mua vaccine càng nhiều càng tốt thực sự rất quan trọng. Nắm giữ nhiều vaccine trong tay có thể giúp người dân Australia được tiêm phòng nhanh hơn và trở lại cuộc sống tự do”, bà Berejiklian nói.

Viện Grattan, trụ sở tại Melbourne, cho biết Australia sẽ không thể từ bỏ các biện pháp hạn chế cho đến khi 80% dân số được tiêm vaccine. Chính quyền Australia hy vọng giải quyết được vấn đề nguồn cung vaccine và tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.

Cho dù giải quyết được nguồn cung thì chính phủ Australia vẫn phải đối mặt với vấn đề tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Australia phong toa anh 3

Chim xuất hiện tại ga tàu Circular Quay của Sydney sau khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ảnh: Reuters.

Ngày 30/7, một liên minh các tổ chức điều dưỡng cho biết các y tá và bác sĩ đã sẵn sàng. Tất cả người dân Australia có thể tiêm liều vaccine đầu tiên trong vòng chưa đầy 9 tuần.

Liều thứ hai cũng được triển khai trong vòng 2-3 tuần sau, tùy thuộc vào khoảng thời gian khác nhau cho vaccine Pfizer và AstraZeneca.

Nhóm này kêu gọi Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đưa các y tá vào chiến dịch triển khai vaccine.

“Chúng tôi có y tá và chuyên môn. Bộ trưởng Hunt hãy cho phép chúng tôi tham gia vào chiến dịch. Các y tá sẽ nhanh chóng triển khai giải pháp”, tuyên bố của nhóm cho biết.

Một nhà kinh tế của ngân hàng Khối thịnh vượng chung (CommBank) nhận định rằng Australia có thể mất đi 300.000 việc làm trong vài tháng nếu tình trạng triển khai vaccine vẫn chậm chạp và các biện pháp phong tỏa kéo dài.

Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg cảnh báo đất nước có thể rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Ông cho biết kỳ vọng đối với kinh tế Australia trong tháng 9 sẽ tiêu cực. Khả năng phục hồi vào tháng 12 sẽ phụ thuộc vào thời gian bang New South Wales thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.

WHO: Nếu không ngăn chặn kịp thời, virus sẽ biến hóa nguy hiểm hơn

Tổng giám đốc WHO cho biết biến chủng Delta là lời cảnh báo rằng thế giới phải tăng tốc kiểm soát sự lây lan của virus corona, trước khi nó đột biến thành các chủng nguy hiểm hơn.

Xác định nguồn gốc ổ dịch nghiêm trọng nhất Trung Quốc hiện nay

Chuyến bay từ Nga hạ cánh ở sân bay quốc tế Lộc Khẩu tại thành phố Nam Kinh là nguồn khởi phát của ổ dịch lây lan sâu rộng nhất Trung Quốc hiện nay.

Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm