“Chúng tôi không thích điều này. Chúng tôi muốn giữ ông ấy và đòi lại tiền, đồng thời đưa cả gia tộc Rajapaksa vào một nhà tù mở, nơi họ phải làm công việc đồng áng”, GP Nimal, một trong số những người biểu tình ở Galle Face Green (Colombo) suốt 43 ngày qua, cho biết.
“Thật không công bằng”, anh nói với BBC.
Một người đàn ông trẻ tuổi cũng tham gia cuộc nói chuyện với các phóng viên, anh cho biết đã chuyển đến Sri Lanka từ Maldives trong thời gian gần đây.
Khi được thông báo rằng ông Rajapaksa đã tháo chạy đến Maldives, anh cười nói: “Điều này thật đáng xấu hổ và không tốt chút nào. Ngay cả Maldives cũng có tham nhũng và đang đi theo hướng tương tự (Sri Lanka)".
Những người biểu tình tại dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo. Ảnh: Reuters. |
Đám đông tập trung ở Galle Face Green đang nghe những lời phát biểu nảy lửa tại một sân khấu dựng tạm cho người biểu tình, trong đó có những tiếng hô vang "chiến thắng cuộc đấu tranh", lời kêu gọi trợ giúp từ những người phản đối chính phủ và những nhà lãnh đạo mà họ cho rằng đã thất bại.
Trong khi đó, một số người dân ở hành lang dinh thự tổng thống tỏ ra vui mừng sau khi ông rời đi.
"Những người này đã cướp bóc đất nước của chúng tôi", công chức về hưu Kingsley Samarakoon, 74 tuổi, nói. "Họ đã đánh cắp quá nhiều tiền, hàng tỷ".
Tuy nhiên, ông không hy vọng về sự cải thiện ngay lập tức trong hoàn cảnh hiện tại của Sri Lanka. "Làm thế nào để quan chức điều hành đất nước mà không có tiền?", ông hỏi. "Đó là một vấn đề”.
Hôm 13/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và lệnh giới nghiêm ở tỉnh phía tây, chỉ vài giờ sau khi tổng thống rời đất nước bằng máy bay quân sự. Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán một nhóm người biểu tình vây quanh văn phòng thủ tướng.