"Vì tổng thống đang ở nước ngoài, (chính phủ) đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình hình trong nước", ông Dinouk Colombage, phát ngôn viên của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, nói với AFP.
Đây là lần thứ ba trong hơn 3 tháng trở lại đây quốc gia Nam Á phải dùng quyền hạn khẩn cấp, lần gần nhất là ngày 6/5.
Cảnh sát cũng cho biết đang áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên khắp tỉnh miền Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo, để ngăn chặn các cuộc biểu tình ngày càng tăng sau khi Tổng thống Rajapaksa bay đến Maldives bằng máy bay quân sự.
Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung quanh văn phòng thủ tướng, buộc cảnh sát phải dùng súng hơi cay để ngăn họ không tràn vào khu nhà.
"Có những cuộc biểu tình đang diễn ra bên ngoài văn phòng thủ tướng ở Colombo và chúng tôi cần lệnh giới nghiêm để kiềm chế tình hình", một cảnh sát cấp cao nói với AFP.
Tổng thống Sri Lanka đã rời khỏi đất nước hôm 13/7. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, ông Rajapaksa cùng vợ, vệ sĩ rời quốc đảo trên chiếc máy bay quân sự Antonov-32 và đáp ở Maldives vào sáng ngày 13/7 (giờ địa phương), theo các nguồn thạo tin.
"Hộ chiếu của họ đã được đóng dấu để lên chuyến bay của lực lượng không quân đặc biệt", một quan chức tham gia vào quá trình này nói với AFP.
Lực lượng Không quân Sri Lanka ngày 13/7 xác nhận Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước và tới Maldives.
Ông Rajapaksa bị cáo buộc phạm sai lầm trong quản lý kinh tế, khiến đất nước cạn kiệt ngoại hối để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, đẩy 22 triệu dân Sri Lanka vào tình trạng khó khăn.
Người biểu tình bên ngoài văn phòng của ông Gotabaya Rajapaksa ở Colombo ngày 13/7 giữa lúc đám đông chờ ông chính thức từ chức. Ảnh: AP. |
Nếu ông Rajapaksa từ chức như đã hứa, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sẽ tự động trở thành tổng thống lâm thời, sau đó nghị viện sẽ bầu một nhà lập pháp đảm nhiệm vị trí ấy đến khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào tháng 11/2024.
Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cũng đã thông báo ý định từ chức. Cơn phẫn nộ của công chúng lên cao tới mức họ phóng hỏa cả nhà riêng của ông.
Do đó, khả năng cao ông Abeywardena, 76 tuổi, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời.
“Trường hợp hợp hiến là nếu tổng thống từ chức và không có thủ tướng, chủ tịch Quốc hội có thể nắm quyền tổng thống trong thời hạn một tháng”, Jayadeva Uyangoda - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Colombo - cho biết.