“Vì ông ấy vắng mặt trong nước, Tổng thống Rajapaksa đã nói với tôi rằng ông ấy bổ nhiệm thủ tướng làm quyền tổng thống, theo như hiến pháp quy định”, Chủ tịch Quốc hội Abeywardana tuyên bố ngày 13/7 trên truyền hình.
Theo AFP, hàng nghìn người biểu tình đã xông vào văn phòng của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe sau khi ông được chỉ định làm quyền tổng thống.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bổ nhiệm làm quyền tổng thống Sri Lanka. Ảnh: Bloomberg. |
Các nhân chứng nói với AFP rằng hàng nghìn người biểu tình đã xông vào văn phòng thủ tướng để giương cao quốc kỳ sau khi cảnh sát và quân đội không thể kiềm chế đám đông dù đã bắn hơi cay và vòi rồng.
Trước đó, người biểu tình bao vây văn phòng thủ tướng Sri Lanka, trong khi nhóm khác tụ tập trên đường phố Colombo trong ngày 13/7, ngay cả khi tổng thống tuyên bố sẽ sớm từ chức.
Lực lượng an ninh đã phải xịt hơi cay để đẩy lùi đám đông tụ tập bên ngoài văn phòng thủ tướng. Tuy nhiên, người biểu tình tiếp tục hô vang khẩu hiệu "đấu tranh để chiến thắng" và kéo đến ngày càng đông, đông hơn nhiều so với các sĩ quan mặc đồ chống bạo động, Washington Post đưa tin.
Nhân viên an ninh đẩy một người đàn ông khi đám đông biểu tình bên ngoài văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ngày 13/7. Ảnh: Reuters. |
Nilan Chamod, 22 tuổi, đã bị trúng hơi cay. Anh cho hay nếu chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp, số người biểu tình sẽ càng tăng lên.
Trong khi đó, Sandun Ravihar - 23 tuổi, người đang tiến tới cuộc biểu tình tại văn phòng thủ tướng - cho biết: “Chúng tôi cần sự thay đổi mang tính hệ thống, không chỉ là thay đổi người nắm quyền”.
Trong khi đó, một người đàn ông đã trèo lên cây trong dinh thự thủ tướng và dọa sẽ tự vẫn nếu giới lãnh đạo không từ chức sớm.
Văn phòng thủ tướng Sri Lanka đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Cảnh sát cũng áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên khắp tỉnh miền Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo, để ngăn chặn các cuộc biểu tình ngày càng tăng.
Người dân nằm dài trong nhà tổng thống ở Colombo ngày 13/7. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, lực lượng Không quân Sri Lanka xác nhận Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước và tới Maldives.
Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ và một người thân cận với ông Rajapaksa cho biết tổng thống đang ở Male, thủ đô của Maldives. Nguồn tin này cho hay khả năng cao tổng thống sẽ tới một quốc gia châu Á khác từ Male.
“Ông ấy (tổng thống - PV) chạy trốn như một kẻ hèn nhát mà không mở lời xin lỗi đất nước này”, Hirushi Lakshika - 25 tuổi, người biểu tình gần dinh thủ tướng - nói.
Ông Gotabaya Rajapaksa thông báo sẽ từ bỏ quyền lực vào ngày 13/7 "để nhường chỗ cho một chính phủ đoàn kết" sau khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào dinh thự tổng thống cuối tuần trước.
Gia tộc Rajapaksa vốn đã thống trị nền chính trị Sri Lanka trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và chính sách kinh tế sai lầm. Đất nước 22 triệu dân đang chứng kiến lạm phát phi mã, tình trạng thiếu thuốc men, thực phẩm và gần như cạn kiệt nhiên liệu.
Nhiều người yêu cầu xét xử ông Gotabaya và gia đình vì tội tham nhũng. Hiện ông đang được hưởng quyền miễn trừ với tư cách là tổng thống đương nhiệm.
Trước đó một ngày, em trai tổng thống là cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa đã bị cấm xuất cảnh. Một báo cáo cho hay Mỹ đã từ chối yêu cầu thị thực gần đây của tổng thống.