Tính trong 6 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã phát hiện 74,178 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác), tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông cũng chặn 113.416 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đề nghị của Bộ Công an (Cục A05), Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp chặn dịch vụ của SIM có dấu hiệu sử dụng, tham gia tuyên truyền hành vi vi phạm pháp luật như game bài, cờ bạc, mua bán vật liệu nổ, văn bằng giả…
Tổng cộng, các doanh nghiệp đã chặn 1.043/1.465 đơn vị SIM, thực hiện hủy, chuyển quyền, tái đấu nối hoặc chuyển sang mạng khác 430 SIM.
Xử lý tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác
Bộ này cũng tổ chức cuộc họp với Bộ Công an (Cục A05) và các doanh nghiệp viễn thông di động gồm VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile về xử lý số điện thoại quảng cáo cho các hành vi vi phạm pháp luật và quy trình xử lý thuê bao có khiếu nại.
Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện và đơn vị trực thuộc Bộ Công an xử lý những đối tượng sử dụng BTS giả mạo, phát tán tin nhắn rác.
Để hạn chế thuê bao phát tán cuộc gọi rác, Bộ TT&TT cho biết sẽ thúc đẩy việc cấp tên định danh cho các thuê bao thực hiện quảng cáo, đồng thời tuyên truyền, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
SỐ LƯỢNG PHẢN ÁNH TIN NHẮN RÁC TỪ ĐẦU NĂM | ||||||
Nhãn | Tháng 1/2022 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | |
lượt phản ánh | 3051 | 2349 | 3544 | 2303 | 3179 |
Cơ quan chức năng cũng xem xét đưa tiêu chí phản ánh cuộc gọi rác từ người dùng là một trong các chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ QoS (Quality of Service - chất lượng dịch vụ truyền thông) của nhà mạng.
Để xử lý SIM rác, Bộ TT&TT đã triển khai hàng loạt biện pháp tăng cường quản lý thông tin thuê bao. Trong đó, yêu cầu xử lý SIM có thông tin không đúng quy định; nhà mạng phải rà quét thông tin thuê bao theo các tiêu chí (số CMND/CCCD), xác định các thuê bao nghi ngờ; thu hồi, ngăn chặn SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối; phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra công tác quản lý thuê bao và xử lý vi phạm tại 7 doanh nghiệp viễn thông di động và các đại lý.
Tính từ tháng 9/2021 đến nay, 100% SIM thuê bao đăng ký mới của cá nhân (tương ứng với 8 triệu SIM) đều được các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone xác thực qua video call (cuộc gọi có hình ảnh). Từ tháng 6, các SIM thuê bao đang hoạt động của nhà mạng đã có đủ thông tin đáp ứng các tiêu chí đề ra.
Hiện tổng số thuê bao di động của cả nước đang được duy trì ở mức 124 triệu đơn vị, giảm so với mức 127-129 triệu thuê bao trong giai đoạn 2018-2019.
Xác thực SIM mới với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 1/8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết nạn SIM rác.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 174 về Kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về kết nối thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cụ thể, đại diện các bộ, cơ quan, doanh nghiệp viễn thông tham dự thống nhất khắc phục tình trạng SIM rác, SIM nặc danh thông qua quá trình kết nối dữ liệu. Việc kết nối, xác thực cần triển khai đồng bộ, bình đẳng giữa các nhà mạng; dữ liệu cần được bảo vệ, không ảnh hưởng đến kinh doanh của nhà mạng hay sự riêng tư của thuê bao.
SIM mới sẽ được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia từ ngày 1/8. |
Phó thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới, rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp đối soát, xác thực thông tin thuê bao, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.
Bộ TT&TT chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phó thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động phối hợp cơ quan liên quan để kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, tiến hành đối soát dữ liệu SIM đang hoạt động, đảm bảo xác thực khớp đúng giữa 3 thành phần gồm thông tin của thuê bao đăng ký tại các doanh nghiệp viễn thông; thông tin cá nhân của thuê bao trong CSDL quốc gia về dân cư và thông tin người đang sử dụng/sở hữu/nắm giữ SIM thực tế.
Theo kế hoạch, trước 30/9, các doanh nghiệp viễn thông di động phải xây dựng kế hoạch, triển khai đối soát, cập nhật thông tin đối với số thuê bao đã được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác định có thông tin chưa chính xác theo quy định.