Để sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022, Việt Nam dự kiến phải trả công ty Infront Sports & Media (ISM) 15 triệu USD, tương đương 350 tỷ đồng. Con số này cao hơn gần 30% so với bản quyền World Cup 2018.
Tính đến nay, vẫn chưa có đơn vị truyền hình nào chấp nhận mức giá này. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực như Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Đông Timor và Philippines đã hoàn tất quá trình mua bản quyền phát sóng sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh.
Ông chủ Infront Sports & Media có quan hệ với cựu Chủ tịch FIFA
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) không trực tiếp tham gia quá trình cung cấp bản quyền cho các nhà đài trên khắp thế giới. Thay vào đó, nhiệm vụ này được trao lại cho các đơn vị phân phối bản quyền.
Hiện ISM phụ trách việc cung cấp bản quyền World Cup 2022 ở 26 quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam. Trên thực tế, mỗi quốc gia được chào bán bản quyền với mức giá khác nhau.
ISM được thành lập vào năm 2002 thông qua quá trình sáp nhập của 2 công ty marketing là CWL và Prisma Sports & Media với mục đích phục vụ World Cup 2002. ISM đặt trụ sở chính tại Zug, Thụy Sĩ. Đến nay, hệ thống của ISM có khoảng 44 văn phòng đại diện tại 17 quốc gia trên thế giới.
Ngoài bóng đá, ISM còn mở rộng phân phối bản quyền cho nhiều môn thể thao khác từ năm 2005.
ISM bị Dalian Wanda thâu tóm và sáp nhập vào hệ sinh thái Wanda Sports. Ảnh: ISM. |
Kể từ thời điểm thành lập, ISM đã có 2 lần đổi chủ. Năm 2011, công ty tư nhân tại Anh Bridgepoint mua lại ISM. Tháng 2/2015, ISM tiếp tục sang tay tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda) của Trung Quốc với thương vụ trị giá 1,1 tỷ USD, sau đó sáp nhập World Triathlon Corporation (WTC) và thương hiệu Ironman thành Wanda Sports.
Hiện nay, Wanda Sports là nền tảng tiếp thị, truyền thông và sự kiện thể thao toàn cầu. Công ty có trụ sở chính tại Trung Quốc với hơn 53 văn phòng trải dài tại 16 quốc gia.
Ngoài World Cup bóng đá nam, ISM còn có hợp đồng phân phối bản quyền FIFA World Cup nữ, FIFA World Cup nam U20, FIFA World Cup nữ U-20, FIFA World Cup nam U17, FIFA World Cup nữ U17, Giải vô địch bóng đá trong nhà thế giới và Cup liên đoàn các châu lục do FIFA tổ chức năm 2015-2022.
Chủ tịch kiêm CEO của ISM là Philippe Blatter, cháu của Sepp Blatter (cựu Chủ tịch FIFA giai đoạn 1998-2015). Vào năm 2011, FIFA và ISM từng dính nhiều nghi ngờ về lợi ích và bị yêu cầu giải trình mối quan hệ nội bộ nhà Blatter. Dẫu vậy, FIFA luôn khẳng định các hợp đồng với ISM hoàn toàn “trong sáng”.
Vào năm 2018, BLV Quang Huy từng chia sẻ ISM thực chất là “sân sau” của FIFA và không phải công ty trung lập như những đối tác từng bán bản quyền World Cup cho Việt Nam giai đoạn trước.
Chật vật mua bản quyền mỗi mùa World Cup
Đây không phải lần đầu tiên người hâm mộ Việt Nam đứng trước nguy cơ không được theo dõi World Cup vì bị ISM “hét giá”. Vào năm 2018, doanh nghiệp này yêu cầu phí bản quyền khoảng 15 triệu USD. Tuy nhiên, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bám sát kế hoạch không mua bằng mọi giá và chỉ chấp nhất mức giá 10 triệu USD.
Việt Nam là quốc gia cuối cùng sở hữu bản quyền truyền hình sự kiện này. Thương vụ hoàn thành sát ngày tổ chức sau khi VTV được một số doanh nghiệp trong nước hỗ trợ.
Trên thực tế, phí bản quyền của World Cup luôn tăng mạnh mỗi năm. Đến World Cup 2018, mức giá đã tăng lên 12 triệu USD.
CHI PHÍ MUA BẢN QUYỀN WORLD CUP CỦA VIỆT NAM | ||||||
Nhãn | 2006 | 2010 | 2014 | 2018 | 2022 (dự kiến) | |
triệu USD | 2 | 2.7 | 7 | 12 | 15 |
Trước khi làm việc với ISM, Việt Nam từng mua bản quyền World Cup của một số đối tác khác như Dentsu Alpha của Nhật hay MP & Silva của Italy.
So với World Cup 2014, chi phí mua bản quyền World Cup 2018 tăng 71%. Tính từ World Cup 2022 đồng tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản, giá bản quyền sự kiện bóng đá tại Việt Nam đã tăng 15 lần.
Dẫu vậy, Việt Nam chưa phải quốc gia trong khu vực mua bản quyền với giá cao nhất. Năm 2018, Thái Lan đã trả tới 40 triệu USD, gấp đôi mức giá mùa liền trước. Dù chưa xác định mức giá bản quyền trong năm nay, không loại trừ khả năng con số Thái Lan phải trả sẽ tiếp tục tăng cao.
Singapore vào năm 2018 cũng chi tới 25 triệu USD để người dân được xem World Cup, tăng thêm 66% so với mùa trước đó.
Do có dân số lớn, Trung Quốc là một trong những quốc gia mua bản quyền World Cup với giá đắt nhất thế giới. Năm 2018, hãng truyền hình của nước này đã phải bỏ ra 155 triệu USD để giành quyền phát sóng.