Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông tuyệt thực để tìm bí mật vụ chìm tàu Sewol

Gần một năm trôi qua sau vụ chìm tàu Sewol hồi tháng 4/2014, cha của một nạn nhân vẫn đấu tranh nhằm tìm ra nguyên nhân thực sự của thảm kịch.

x
Ông Kim Youn Oh và hai con gái. Ảnh: UPI

Kim Young Oh, 46 tuổi, là công nhân nghèo tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Hàn Quốc. Con gái của ông, Kim Yu Min, là một trong những nạn nhân của vụ chìm tàu Sewol hôm 16/4/2014 ở Hàn Quốc. Vụ tai nạn thảm khốc khiến hơn 300 nạn nhân thiệt mạng.

Vào buổi sáng định mệnh, Kim nhận cuộc gọi của vợ cũ, thông báo con gái ông gặp nạn trên chuyến tàu từ thành phố Inchoen đến đảo Jeju. Từ đó đến nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn không đưa ra lời giải thích thuyết phục về vụ tai nạn đối với gia đình nạn nhân.

Khi tàu Sewol gặp nạn, ông Kim và vợ cũ đã tới biển Jindo để tìm con gái. “Chúng tôi phải đợi 8 ngày cho các thủ tục và xét nghiệm AND để có thể nhận bồi thường và đoàn tụ với Yu Min”, Kim kể lại. Theo suy đoán của gia đình các nạn nhân, sự quan liêu đã cản trở công việc tìm kiếm của đội cứu hộ. Chính phủ Hàn Quốc đã từ chối đề nghị giúp đỡ từ Hải quân Mỹ và Nhật Bản, theo báo cáo của tờ Stars and Stripes và Yomiuri Shimbun của Nhật Bản. Đội cứu hộ đã không nhập cảnh vào vùng lãnh thổ khác để tìm kiếm các nạn nhân sống sót.

Tháng 11/2014, chính phủ thông qua một dự luật đặc biệt nhằm mở đường cho cuộc điều tra về vụ tai nạn. Tàu Sewol đã chở quá trọng tải cho phép, thuyền trường bất ngờ thay đổi hướng phà ngoài khơi biển Jindo, phía tây nam bán đảo Triều Tiên. Nhưng người ta vẫn chưa làm rõ lý do khiến người lái tàu đột ngột chuyển hướng, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin. Tháng 11/2014, tòa tuyên 36 năm tù cho thuyền trường Lee Joon Seok vì hành động cẩu thả khi điều khiển tàu, rời tàu và bỏ mặc hành khách khi tai nạn xảy ra. 

Các đảng phái chính trị ở Hàn Quốc liên tục bất đồng trong việc phát động một cuộc điều tra chính thức để tìm nguyên nhân của vụ tai nạn. Đối với ông Kim, vụ tai nạn không còn là chuyện cá nhân. Ông quyết định tuyệt thực 45 ngày trong tháng 7 và 8/2014. Trọng lượng cơ thể ông giảm khoảng 13,5 kg và ông phải vào bệnh viện do hàng ngày chỉ dùng nước và muối. Một số người thuộc đảng Quốc đại cáo buộc ông là phần tử quấy phá đến từ Triều Tiên, chống Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc và bắt ông chịu trách nhiệm cho sự giải thể của một nhóm chính trị cánh tả trong tháng 12/2014.

Daniel Schwwekendieck - một chuyên gia kinh tế ở Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc - nhận định, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc thường ưu tiên chiến lược tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng đôi khi ảnh hưởng xấu tới an toàn xã hội. Vụ một cầu sập ở Seoul năm 1994 và một cửa hàng bách hóa năm 1995 là minh chứng cho những thảm họa công lớn nhất trong lịch sử. Thảm họa nghiêm trọng như vụ chìm tàu Sewol nhắc nhở chính phủ rằng, phát triển kinh tế vẫn chưa tương xứng với quá trình hiện đại hóa xã hội.

“Đảng cầm quyền Hàn Quốc trì hoãn trả lời gia đình nạn nhân. Cuộc điều tra nguyên nhân vụ chìm tàu Sewol khó có thể tiếp tục một cách thuận lợi. Dân chúng bày tỏ sự phản đối và oán hận đối với hoạt động điều tra và đảng Quốc đại trên các phương tiện truyền thông”, Giáo sư luật học tại Đại học Hanyang nói với UPI.

Kim đấu tranh vì sự cải tổ hệ thống giám sát quản lý Hàn Quốc và tìm nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn tàu Sewol. Theo kết quả điều tra ban đầu, quan chức hàng hải Hàn Quốc hưởng lợi từ việc khai thác tàu Sewol nên bỏ qua những vi phạm của nó về trọng tải. 

“Trước khi thảm kịch xảy ra, tôi không biết gì về quy định an toàn lỏng lẻo của Hàn Quốc. Tôi đã mất con gái, nhưng tôi tự hào vì cái chết của Yu Min đã góp phần vào phong trào làm cho xã hội Hàn Quốc tốt đẹp và an toàn hơn”, Kim bày tỏ.

 

Thu Hoài

Bạn có thể quan tâm