Khi người đàn ông ở North Carolina bị cảnh sát chặn lại vì nghi ngờ say rượu, ông khai rằng mình không uống chút rượu nào.
Người đàn ông ngoài 40 tuổi từ chối kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở và được đưa đến bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả cho thấy nồng độ cồn trong máu của ông là 0,2%, gấp khoảng 2,5 lần giới hạn pháp lý và tương đương với việc uống 10 ly rượu/giờ.
Dù người này một mực khẳng định không uống rượu, cảnh sát vẫn không tin ông.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Richmond ở New York phát hiện rằng ông nói thật. Ông không uống đồ có cồn, thay vào đó, trong ruột ông có loại men có khả năng chuyển hóa carbohydrate trong thức ăn thành rượu.
Nói cách khác, cơ thể ông đang tự sản sinh ra bia.
Hội chứng lên men đường ruột do nấm men trong đường tiêu hóa khiến cơ thể chuyển đổi carbohydrate trong thức ăn thành rượu. Ảnh: Reuters. |
Đây là trường hợp hiếm thấy của tình trạng "hệ thống sản xuất bia tự động" (ABS), còn được gọi là hội chứng lên men đường ruột.
Hội chứng này xảy ra khi nấm men trong đường tiêu hóa khiến cơ thể chuyển đổi carbohydrate trong thức ăn thành rượu. Quá trình này thường diễn ra ở dạ dày và phần đầu tiên của ruột non.
"Những bệnh nhân này có cùng những biểu hiện của người nghiện rượu về mùi, hơi thở, vẻ buồn ngủ hay dáng đi thay đổi. Họ trông giống như một người say rượu, nhưng điều khác biệt là họ có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm", Fahad Malik, người đứng đầu nghiên cứu và trưởng khoa nội trú tại Đại học Alabama ở Birmingham, nói với CNN.
Sau khoảng 1,5 năm sử dụng liệu pháp chống nấm và men vi sinh để giúp bình thường hóa vi khuẩn trong ruột, tình trạng của người đàn ông này đã được kiểm soát.