Bà Lê Thị Tâm (77 tuổi) và anh Nguyễn Phước Phụng (45 tuổi, đều ngụ TP.Pleiku, Gia Lai) hàng chục năm qua đi lượm thai nhi ngoài đường về chôn cất, xây mồ mả, hương khói cho các cháu tại nghĩa trang Đồng Nhi.
Nghĩa trang này được ông Nguyễn Văn Đông (nhà thờ Thăng Thiên, TP.Pleiku) thành lập năm 1992. Sau đó, vì tuổi cao, sức yếu nên ông Đông giao việc trông coi, chăm sóc cho anh Phụng, bà Tâm. Cũng từ đấy, một già một trẻ lặng lẽ làm việc tại nghĩa trang không cần đến tiền công.
Bà Tâm tuổi già sức yếu chịu trách nhiệm trông nom, hương khói cho các cháu; còn anh Phụng đi khắp TP.Pleiku, nơi nào có thông tin về hài nhi bị bỏ rơi thì mang về chôn cất, xây mộ. Đến nay, sau 23 năm thành lập, nghĩa trang Đồng Nhi là nơi yên nghỉ của gần 17.000 em bé xấu số.
Anh Phụng đang chôn cất một hài nhi được lượm về. |
"Thời gian đầu, tôi bị nhiều người nghi ngờ và cho là quái gở, họ nói không ai rảnh rỗi đi làm không công. Nhưng bỏ ngoài tai những đàm tiếu, một ngày không ra nghĩa trang, cứ nghĩ đến các cháu bị ném bỏ không nơi yên nghỉ tôi lại buồn…”, anh Phụng chia sẻ.
Bà Tâm nói người trẻ bây giờ hay gặp lỗi lầm, rồi gây thêm tội khi vứt đi sinh linh của mình ở đầu đường, xó chợ… Bà xin ông Đông rồi cùng anh Phụng làm việc tại nghĩa trang để ngày ngày trông nom, hương khói cho các cháu. "Mỗi ngày đến nghĩa trang, tôi thấy khỏe thêm ra vì làm được việc có ích", bà nói.
Để đưa các thai nhi về nghĩa trang, hàng ngày anh Phụng đi khắp các chợ, những nơi nghi có nhiều thai nhi bị ném bỏ tìm kiếm đưa về chôn cất. Thậm chí, nhiều lần anh đã nhặt được thai nhi bị chó và kiến bu vào cắn, rất tội nghiệp.
"Khi phát hiện các cháu bị bỏ rơi ngoài đường tôi rất đau lòng, nhưng càng buồn hơn khi các cháu bị ném quanh nghĩa trang bị chó và kiến cắn nát, tôi phải ghép từng phần thi thể rồi đem chôn cất”, anh Phụng nói.
Theo anh, để phát hiện một hài nhi bị bỏ rơi không khó, chỉ cần đi quanh nghĩa trang thấy những bịch nylong đen hay bọc báo, hoặc thấy những con chó đang đánh hơi tìm kiếm, đào bới là tìm thấy.
Dù đã lớn tuổi, nhưng hàng ngày bà Tâm vẫn lo hương khói cho các cháu ở nghĩa trang. |
Số hài nhi tăng dần theo thời gian, có ngày anh Phụng tìm thấy 3 em bé, có ngày lên tới hơn 20. Không ngại nắng mưa, khi phát hiện hay có người báo thấy thai nhi bị bỏ rơi, anh nhanh chóng có mặt mang về chôn cất.
Trước đây, chi phí mua vật liệu xây một ngôi mộ khoảng 50.000 đồng, nhưng nay đã tăng lên 300.000 đồng. Tất cả số tiền lo hậu sự ấy một phần 2 người tự bỏ ra, nhưng phần lớn là sự đóng góp, giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Không chỉ đi lượm thai nhi về chôn cất, anh Phụng còn làm điều mà nhiều người cho là "quái gở" là nhận nuôi các cô gái có ý định phá thai đến ngày họ sinh nở. Đến nay, có hơn chục cháu đã được cứu sống từ trong bụng mẹ. Sau đó, các em bé được gửi ở các chùa và giao cho những người hiếm muộn nhận làm con nuôi. Có bé đã đi học và xem anh Phụng như ba nuôi.
"Thấy các cháu bị bỏ rơi tôi đau lòng lắm, nên không thể nhắm mắt làm ngơ. Việc nhận nuôi các bà mẹ đang mang bầu cũng gặp rất nhiều bi hài. Khổ nhất là bị người ta đàm tiếu, có người nói với vợ tôi phải nên xem lại tư cách đạo đức của chồng, có thể đó là con rơi nên mới giang tay ra nuôi dưỡng", anh Phụng trải lòng.